Người làm báo chỉ tôn trọng sự thật, phụng sự sự thật và chỉ có sự thật mới là khát vọng chân chính của tự do ngôn luận.
Huỳnh Thúc Kháng là một trong những nhà báo mở đường cho tự do ngôn luận! Hoạt động báo chí ngay trong lòng đô thị Huế với mật vụ Pháp dày đặc, cụ Huỳnh vẫn khéo léo điều hành tờ “Tiếng Dân” suốt 17 năm ròng.
Ngay từ số đầu tiên của Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện khát vọng tự do ngôn luận của mình: “"Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”
Thực ra, Tiếng Dân được hình thành tại Đà Nẵng chứ không phải Huế. “Trái tim Trung Kỳ Đà Nẵng” năm 1925 đón bước chân người trí thức trẻ Bắc Kỳ Đào Duy Anh dừng chân trên đường vào Sài Gòn kiếm cơ hội trở thành ký giả.
Bữa cơm thân tình sau khi tắm biển ở Mỹ Khê với cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giữ chân Đào Duy Anh lại Trung Kỳ.
Trong hồi ký của mình, Đào Duy Anh cả 5 thành viên sáng lập tờ Tiếng Dân đều không biết gì về nghề báo. Huỳnh Thúc Kháng phác ý tưởng thành lập một công ty để có tài chính hoạt động. Thú vị hơn nữa là công ty cổ phần Huỳnh Thúc Kháng lại do các nhà buôn nước mắm ở Phan Thiết góp tiền, kể cả tiền mua nhà in từ Hà Nội gửi vào.
Nhận thấy Đào Duy Anh có tư chất báo chí hiện đại, cụ Huỳnh cử ông vào Sài Gòn học nghiệp vụ báo chí từ cái nôi báo chí Việt Nam. Tiếng Dân chính là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Trung Kỳ.
Giống như các nhà yêu nước khác như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng đề cao mở mang dân trí cho người Việt. Có dân trí là có dân chủ và độc lập.
Dân trí không đi liền với bạo lực nên Huỳnh Thúc Kháng làm báo Tiếng Dân dù đả phá chính quyền thực dân hà khắc, đè bẹp dân chủ nhưng không chủ trương bạo lực. Vì vậy, báo Tiếng Dân chính là tờ báo đầu tiên công kích phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngoài ra, Tiếng Dân ý thức giữ trọn vẹn chủ quyền đảo Trường Sa trước sự thèm muốn của Nhật Bản và cả Trung Hoa.
Không làm cái loa cho chính quyền, không bưng bô nô dịch và chấp hành lệnh của kẻ cầm quyền, Tiếng Dân vì thế bị người Pháp xem là phần tử nguy hiểm. Mối quan ngại của người Pháp chính là Tiếng Dân ngày một chuyên nghiệp sẽ chống đối chính quyền, chỉ trích nhà nước nên ngày 24/4/1943 tờ báo bị đình bản.
Ngày nay, nhà tường niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và mộ cụ Huỳnh trên núi Ấn linh thiêng của đất Quảng Ngãi.
Trụ sở Báo Tiếng Dân tọa lạc ở đường Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Huế trở thành di tích cấp quốc gia.
Người làm báo, dù ở bất cứ chế độ nào cũng cần giữ vững sự độc lập và tôn trọng sự thật. Một chính quyền khôn ngoan sẽ không xem báo chí là thế lực thù địch mà phải xem báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư thực thi quyền giám sát ngược lại cho chính quyền tiến bộ.
Có như vậy, xã hội sẽ văn minh, nhà nước thu nhỏ quyền lực để trở thành nhà nước phụ vụ như một chủ thể quyền lực đặc biệt. Và khi đó báo chí đồng hành cùng chính quyền để phát huy việc mở mang dân trí, bảo vệ chủ quyền, xây dựng đất nước phồn thịnh!
Ngược lại, những bài báo ru ngủ nhân dân, đưa tin một chiều sẽ khiến báo chí mất vị trí trong lòng bạn đọc, nhất là thời buổi công nghệ bùng nổ như hiện nay!
Báo Sạch Chính trị , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment