Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự nguyện đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, nên tiến độ lắp đặt đấu nối để sử dụng nước sạch còn chậm.
Ngày 21/9, tại Trung tâm văn hóa huyện Kim Động (Hưng Yên) đã diễn ra Hội nghị “Sử dụng nước sạch – tiêu chí quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và mục tiêu quốc gia nước sạch 2020”.
Xem thêm: Điều động giáo viên nữ đi uống rượu hát hò “tiếp khách”: Vậy Bộ Trưởng có đau lòng không?
Ông Lê Trung Cần – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên – cho biết, đến nay chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch đã có 13 doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình cấp nước, được phân vùng cấp nước sạch cho 88 xã vùng nông thôn, 44 xã đang xây dựng đường ống cấp nước.
Một số công trình đang mang lại hiệu quả thiết thực như nhà máy nước Ngọc Tuấn (Kim Động), dự án nước Phần Lan tài trợ xây dựng nhà máy nước tại thành phố Hưng Yên, Phố Nối và và các xã Phùng Hưng (Khoái Châu), Toàn Thắng (Kim Động) …
“Điển hình là nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động có công suất 9.500 m3/ngày đêm, cấp nước sạch cho 9 xã của 2 huyện Kim Động và Ân Thi. Với nguồn nước được lấy trực tiếp từ sông Hồng, chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn theo QC 01-2009 của Bộ Y tế, nhà máy nước Ngọc Tuấn đã thu hút hơn 4.000 hộ và trên 80 doanh nghiệp tham gia đấu nối để sử dụng” – ông Cần cho biết.
Theo ông Phan Tiến Sơn – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, nước sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, tại nhiều cơ sở cấp nước chưa đạt quy chuẩn. Hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 38 cơ sở cung cấp nước sinh hoạt có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ mẫu nước đạt quy chuẩn là hơn 53%; tại 15 cơ sở cấp nước công suất dưới 1.000 m3 nước ngày đêm, tỷ lệ mẫu đạt quy chuẩn là hơn 21%, các mẫu còn lại không đạt quy chuẩn về lý hóa.
Còn theo ông Lê Trung Kiên – Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, hiện nay, do các doanh nghiệp tự bỏ vốn, không có hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ phía nhà nước nên việc huy động nhân dân đóng góp đầu tư cụm đồng hồ còn gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều địa phương người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, chưa tự nguyện đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, nên tiến độ lắp đặt đấu nối để sử dụng nước còn chậm.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đã giao cụ thể cho các doanh nghiệp sử dụng nước nguồn Bắc Hưng Hải và nước ngầm phải sử dụng nguồn nước cấp từ sông Hồng, sông Luộc. Các địa phương cần tuyên truyền vận động để người dân thấy rõ lợi ích về sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm chi phí so với dùng nước truyền thống; phổ biến để bà con hiểu rõ những quy định của tỉnh về việc đấu nối lắp đặt đồng hồ đo nước, có trách nhiệm trong việc đóng góp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2018 đạt 80% số hộ dân dùng nước sạch; đến năm 2020 đạt 100% hộ dân đấu nối sử dụng nước sạch tại các nhà máy nước tập trung, với chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Tin trong nước
No comments:
Post a Comment