Cập nhật tin tức nóng hổi

Bãi rác và tư duy xử lý rác bằng cách chặn đưa tin?

Rác thải, xử lý rác thải, bãi rác,… và tất cả những thứ có liên quan đến rác lần lượt trở thành vấn đề bức bối tại cả nông thôn và thành thị. Cộng đồng dân cư thì khổ sở, than khóc, nhà lãnh đạo thì “đau đầu” tìm phương hướng giải quyết. Chỉ có điều, tất cả đang bị nhầm lẫn ở chính cách tư duy về bản chất của vấn đề.
Nhức nhối ô nhiễm bãi rác
Nhức nhối ô nhiễm bãi rác, nhà quản lý phải chặn phóng viên tác nghiệp?

Một bãi rác hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường thì trước tiên là người dân gánh chịu hậu quả trực tiếp bởi mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước, nhiễm độc, ruồi bọ,… Sau người dân là đến lượt các cơ quan chuyên môn có liên quan. Để bãi rác gây ảnh hưởng đời sống dân cư thì từ chính quyền cấp xã, huyện, tỉnh, thậm chí là cả Trung ương cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Thoạt đầu, khi xảy ra vụ việc xấu về bãi rác thải, người ta tập trung xử lý bằng cách “tạo ra những bãi rác mới” hoặc di dời bãi rác cũ ra xa khu vực dân cư. Nhưng, dần dần thì nguồn đất cạn kiệt, hàng loạt các bãi rác rơi vào tình trạng quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Chẳng biết làm sao, nhiều nơi đã giải quyết bằng cách “chặn nguồn tin” về bãi rác gây ô nhiễm.

Thật vậy! Ngày 16/10 mới đây, một phóng viên đã bị bảo vệ tại bãi rác Khánh Sơn, thành phố Đà Nẵng bãi rác bắt giữ trái phép, hành hung, dọa chôn sống vì tác nghiệp chụp ảnh về sự ô nhiễm tại bãi rác. Đáng tiếc cho anh bảo vệ là hiện nay thì cả nước đã biết về hành vi trái phép của anh ta cũng như càng biết về sự vụ ô nhiễm liên quan đến bãi rác Khánh Sơn mất rồi…

Đi tìm “bãi rác”!

Những năm gần đây, những sự vụ liên quan đến bãi rác xuất hiện ngày càng nhiều vì dân số tăng, rác thải tăng,… Và nguyên nhân chính là chính sách xây dựng nông thôn mới có một tiêu chí bắt buộc là mỗi xã phải có ít nhất một bãi rác. Quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị ngày càng mạnh thì tiến trình quy hoạch bãi rác ngày càng nhiều. Trên thực tế, không chỉ Đà Nẵng mà hầu như mỗi xã, mỗi phường, mỗi khu đều tồn tại những bãi rác thải gây ô nhiễm.

Ở đây, vấn đề mấu chốt đang bị bỏ ngỏ chính là “bãi rác”. Đi từ các văn bản pháp luật, quy định mỗi xã phải có một bãi rác thực chất lại được cụ thể hóa bằng cụm từ “điểm trung chuyển rác”.

Rõ ràng, “bãi rác” và “điểm trung chuyển rác” hoàn toàn khác nhau. Nghĩ đơn giản nhất, bãi rác là nơi ta đem rác đến và không mang rác đi. Ngược lại, điểm trung chuyển rác chỉ là nơi chúng ta để rác tập kết tạm thời, sau đó sẽ mang đến một địa điểm khác để có các biện pháp xử lý khác như chôn lấp, đốt, tái chế,… Theo như quy định về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã nếu muốn đạt tiêu chí nông thôn mới thì phải có điểm trung chuyển rác. Quy định này hướng các xã địa phương tiến tới việc thay đổi thói quen vứt rác, xử lý rác trước khi đem bỏ,… Buồn ở chỗ là các chính sách, quy định đã “bỏ quên” việc yêu cầu các địa phương, tối thiểu là từ cấp huyện phải có một nhà máy xử lý rác thải chung sau khi tập kết được rác thải từ các xã, phường, thị trấn. Nên, các địa phương cũng “để quên” luôn việc phân biệt giữa “bãi rác” và “điểm trung chuyển rác”. Với họ, điểm trung chuyển rác thải và bãi rác là một. Thế là hòa chung không khí xây dựng nông thôn mới, mỗi xã, phường đều đã có một bãi rác chứ không phải là một điểm trung chuyển rác.

Đương nhiên, bãi rác cứ vứt rác mà không xử lý thì sẽ đến lúc ùn ứ quá tải, rồi sẽ bốc mùi, rồi sẽ ô nhiễm, rồi sẽ có mầm bệnh, sâu bọ,… Và cũng đương nhiên, hết xã này đến xã khác theo hệ thống dây chuyền sẽ gây ra phản ứng với dân cư. Xã nào có bãi rác xa khu dân cư thì hậu quả đến sau, nhưng xã nào bãi rác gần khu dân cư hơn thì hậu quả ảnh hưởng ngay trực tiếp. Dù vậy, sớm muộn thì tất cả các bãi rác như phân tích rồi cũng sẽ bùng phát sự ô nhiễm. Theo một hệ thống dây chuyền, chẳng biết khi nào thì nông thôn mới sẽ biến thành “nông thôn rác”…

Thay đổi cả một hệ thống

Nói tất cả như trên, chắc hẳn ai ai cũng đã tìm được cho mình một sự thấu đáo về một “bãi rác” đúng nghĩa. Vấn đề là chúng ta cần phải giải quyết những hậu quả của quá khứ như thế nào. Có lẽ, nó phải là cả một sự biến chuyển toàn bộ từ hệ thống cơ quan quản lý đến cộng đồng dân cư.

Trước tiên, hệ thống cơ quan quản lý là thành phần có chức năng hoạch định chính sách phát triển xã hội phải định hướng, quản lý cộng đồng thực hiện giải quyết tình trạng nhầm “bãi rác”. Tức, quản lý phải làm sao cho các cấp, các ban ngành, cộng đồng dân cư hiểu về điểm trung chuyển rác, điểm xử lý rác, điểm tập kết rác là gì,… Tác động vào đó để quá trình xây dựng nông thôn mới tại các vùng nông thôn, quá trình đô thị hóa tại thành thị được phát triển đúng hướng, an toàn, ổn định. Đặc biệt, cần trọng tâm vào việc xử lý rác thải. Thử nghĩ xem, nếu rác cứ sinh ra mà không được xử lý thì rồi sẽ còn diện tích nào có thể giấu kĩ nổi lượng rác khổng lồ mà cộng đồng đang xả ra mỗi ngày. Thay vì chỉ tiêu đóng tiền dọn rác, chỉ tiêu vứt rác theo ngày,… hơi hình thức thì chúng ta nên đặt ra những chỉ tiêu thiết thực như mỗi huyện, thành phố, thị xã phải có ít nhất một điểm xử lý rác thải sinh hoạt. Chỉ có như vậy thì những điểm trung chuyển rác tại các cấp xã mới được giải phóng và không thể gây ra tình trạng ùn ứ, ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu các cấp quản lý mà không làm được những điều tối thiểu trên, sẽ chẳng bao giờ cộng đồng dân cư thoát khỏi cảnh khổ sở vì ô nhiễm như hiện nay.

Cùng với sự thay đổi của nhà quản lý, cộng đồng dân cư cũng là một mắt xích quan trọng trong vấn đề về xử lý rác thải. Nói một cách nặng nề, tư duy của đám đông về xử lý rác thải xưa nay đang rất “rác”, đồng nghĩa với những tư duy đáng vứt bỏ. Vì sao ư? Vì họ chỉ nghĩ sạch nhà mình, bẩn xã hội không lo. Chẳng hiếm gặp tình trạng ai đó vứt rác hổ lốn các loại mà chẳng thèm biết đâu là rác hữu cơ, đâu là rác vô cơ, đâu là rác thải độc hại,… kể cả những chiếc thùng rác đã in rõ ràng sự phân loại đó. Chính nhờ tư duy này, mà ở Việt Nam các nhà máy xử lý rác cũng đang rơi vào cảnh không thể hoạt động vì không thể xử lý kiểu rác hỗn hợp.

Thế đấy, cả một dây chuyền tư duy đã quá cũ kĩ, biết bao giờ chúng ta vận động được sự biến chuyển để thay đổi được toàn bộ thực trạng đáng buồn như thế này!

Nguồn Butdanh
, , ,

No comments:

Post a Comment