Cập nhật tin tức nóng hổi

Bảo vệ cán bộ trên không gian mạng: Đừng để bị lợi dụng trở thành vỏ bọc cho những sai phạm

Trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, cùng với những điều tích cực thì chúng ta cũng phải đối mặt với vô số khó khăn trong việc kiểm soát các nguồn thông tin. Mới đây nhất, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra kế hoạch bảo vệ cán bộ lãnh đạo trên không gian mạng. Xung quanh kế hoạch này của thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì cũng có không ít lời dị nghị. Vậy, bảo vệ cán bộ trên không gian mạng nên hiểu như thế nào và trong phạm vi như thế nào là hợp lý?
Hình ảnh Bí thư thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân
Hình ảnh Bí thư thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân

Tại phiên khai mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì và có bài phát biểu về công tác cán bộ. Đáng chú ý, Đảng ủy Quân sự TP.HCM và Đảng ủy Công an TP.HCM đã được giao nhiệm xây dựng kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng, nhất là bảo vệ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của TP.HCM và cán bộ diện trung ương quản lý. Có thể nói, đây là một bước đi khá nhanh nhạy của thành phố Hồ Chí Minh trước những diễn biến mới vì trước đó, chưa có tỉnh, thành nào đưa ra kế hoạch bảo vệ cán bộ trên không gian mạng. Vậy nhưng ở khía cạnh ngược lại, chúng ta cũng cần xem xét, đánh giá và có cách hiểu chính xác việc bảo vệ cán bộ trên không gian mạng là như thế nào, trong phạm vi nào?

Bảo vệ cán bộ lãnh đạo trên không gian mạng: liệu có trở thành tấm lá chắn cho các sai phạm của cán bộ?

Trước hết, chúng ta phải thấy rằng thời gian vừa qua, nhờ có không gian mạng mà hàng loạt quan chức tiêu cực đã bị phanh phui sai phạm và đưa ra xử lý. Đặc biệt, nếu ai là “con nghiện” của cộng đồng mạng, có thể thấy một điều, trước khi ông này, bà kia bị đưa ra xử lý trước pháp luật, một số trang mạng xã hội được cho là “nhạy cảm” đã đưa ra các thông tin liên quan đến vụ việc từ lâu. Thậm chí, những trang này còn cung cấp những chứng cứ phục vụ cho việc phanh phui sai phạm của cán bộ. Cùng với đó, thông qua mạng xã hội, những người dân bình thường cũng có thêm cơ hội để thực hiện quyền làm chủ của mình. Khi phát hiện những sai trái, tiêu cực liên quan đến cán bộ, thay vì một quy trình khiến nại, tố cáo dài dòng và buồn tẻ, người ta chỉ cần đưa thông tin lên mạng xã hội và ngay sau đó sẽ được mọi người chia sẻ, lan truyền. Không ngoa khi nói rằng mạng xã hội đã trở thành một kênh quan trọng để mọi người đưa ra các sai phạm của cán bộ. Chính nhờ vậy, hệ thống chính quyền đã được thanh lọc, loại bỏ dần những người sai phạm ra khỏi hệ thống. Do đó, nếu cứ khư khư ôm quan điểm đưa ra thông tin trái chiều liên quan đến cán bộ trên mạng xã hội là vi phạm quy định về bảo vệ nội bộ và phải triệt tiêu ngay thì chúng ta sẽ vô tình biến mình thành vỏ bọc bao che cho những ông cán bộ sai phạm.

Vậy nhưng ở một hướng ngược lại, tôi không phủ nhận chuyện mạng xã hội đã bị lợi dụng, trở thành công cụ để người ta chơi chiêu với nhau, đấu đá với nhau trên bàn cờ chính trị. Nói thẳng ra, đâu chỉ có những người trong nhóm “thế lực thù địch” mới sử dụng mạng xã hội như một thứ công cụ tấn công cán bộ. Ngay cả những người hằng ngày vẫn gọi nhau là đồng chí, đồng đội cũng tận dụng mạng xã hội để đạt được những mục đích xấu xa. Vì vậy, việc bảo vệ cán bộ trên không gian mạng cũng không thể xem nhẹ.

Vậy, bảo vệ cán bộ trên không gian mạng nên hiểu như thế nào cho hợp lý, vừa góp phần loại bỏ những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến cán bộ, vừa không bị biến thành thứ bưng bít những ý kiến tranh luận?

Việc bảo vệ cán bộ trên không gian mạng là một điều cần thiết trong bối cảnh mạng xã hội quá hỗn loạn như ngày nay. Tuy nhiên, nói như vậy không đồng nghĩa với việc bất cứ thông tin, ý kiến nào có ý phê phán, chỉ trích cán bộ lãnh đạo nào cũng là xấu, cần phải xử lý, bóp nghẹt.

Thiết nghĩ, những người làm công tác bảo vệ cán bộ trên không gian mạng cần có đủ năng lực, trình độ và bản lĩnh để phân biệt được trong số những thông tin trái chiều liên quan đến cán bộ, đâu là thông tin mang tính tranh luận, đâu là thông tin vu khống, bịa đặt để có những hướng xử lý đúng đắn và phù hợp. Một mặt, chúng ta kịp thời thanh trừ, loại bỏ những thông tin vu khống, bịa đặt về cán bộ, đặc biệt là những cán bộ lãnh đạo cấp cao. Mặt khác, chúng ta cũng phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân trên không gian mạng, sẵn sàng tiếp thu những thông tin, ý kiến trái chiều và kịp thời giải quyết.

Bảo vệ cán bộ lãnh đạo trên không gian mạng là việc cần làm. Vậy nhưng việc bảo vệ cần tiến hành một cách thận trọng, tránh bị biến thành việc khước từ những ý kiến tranh luận từ phía nhân dân.

Nguồn Butdanh
, ,

No comments:

Post a Comment