Ngày 11/10, Bản kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4/9/2018 về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dựng của dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) vừa mới được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đây, dư luận mới vỡ lẽ ra “con mưa rào” sai phạm từ dự án từng gây nhiều bức xúc này.
Tuyến BRT tại Hà Nội nhận cơn mưa sai phạm
Phải khẳng định luôn, từ khi mới chỉ hình thành dự án, đến khi thi công cũng như đi vào hoạt động, chưa bao giờ tuyến buýt nhanh BRT nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân Hà Nội. Cứ thử ra đường vào giờ cao điểm, tuyến buýt nhanh sớm đã trở thành chỗ để xe máy, ô tô tràn vào chứ không còn là làn đường riêng của xe buýt nữa. Đâu đây có những người sợ bị phạt, không dám đi vào làn đường buýt nhanh thì miệng lẩm bẩm: “xây ra làm gì để đường càng ngày càng tắc thế này”. Ngay chính bản kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, buýt nhanh là một trong những nguyên nhân gây ra thêm tắc đường tại Hà Nội.
Dư luận đã không hợp ý như vậy, ấy thế mà dự án đầu tư buýt nhanh còn bị chỉ ra nhiều sai phạm nữa, thế thì xã hội được gì từ dự án ấy? Phải chăng, tất cả lợi ích đã chỉ rơi vào tay một nhóm nhỏ của xã hội…
Có những người luôn “ngoan cố”?
Cuối năm 2017, một bản báo cáo với nội dung rằng “tuyến BRT 01 tại Hà Nội bước đầu trở nên quá tải” được trình bày khiến dư luận ngã ngữa. Nào là lượng khách trung bình đạt 13.000 người/ngày, cao điểm đạt 18.000 người/ngày, nào là lượng khách trung bình từ 70 – 115 khách/xe;… Thực tế khi ấy, báo đài, mạng xã hội đều phản ánh điều ngược lại. Ngay chính trong giờ cao điểm mỗi ngày, tuyến BRT 01 vẫn vắng khách đến kì lạ. Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra là “Hà Nội có báo cáo quá sự thật hay chăng?”.
Câu chuyện chưa hết khi mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội tiếp tục khẳng định rằng “Chuyên gia đánh giá BRT Hà Nội hiệu quả”. Theo đó, sau gần hai năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ vận chuyển hành khách của tuyến BRT 01 đã nâng từ 43% lên 52%. Đầu tiên, phải khẳng định rằng con số 43% hay 52% đều phủ nhận hoàn toàn những số liệu “quá tải” đưa ra từ cuối năm 2017. Tuy vậy, kể cả có thấp ở mức 52% thì liệu như thế có phải là BRT tại Hà Nội hiệu quả.
Câu trả lời chắc là không. Bởi lẽ, dân số Hà Nội trong đầu năm 2018 tiếp tục tăng đáng kể. Cùng đó, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân ngày càng tăng cao. Chỉ tính riêng xe máy, doanh số bán hàng trong quý 3/2018 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017. Số lượng xe máy cá nhân từ đầu năm đến hết quý 3/2018 đã đạt trên 75% lượng xe bán ra năm 2017.
Tâm lý sử dụng phương tiện cá nhân của người dân không thay đổi thì thử hỏi BRT của Hà Nội hiệu quả ở đâu? Hay là các vị chỉ chông chờ đến lúc cấm được xe máy thì mới dõng dạc hô to hai tiếng thành công? Nói thật, chẳng qua là dự án đã làm rồi, tiền đã chi rồi, trách nhiệm đã gánh vác rồi, nên các vị vẫn cứ mãi khăng khăng là mình đúng, khăng khăng là dự án hiệu quả mà thôi.
Thanh tra đã rõ, ai chịu phần sai…
Điểm mặt cụ thể các sai phạm trong đầu tư tuyến BRT Hà Nội đã được nêu trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ bao gồm: phê duyệt thầu thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, chậm tiến độ, không đúng kế hoạch phê duyệt, thất thoát ngân sách,… Đương nhiên, đã có sai thì phải có người chịu trách nhiệm. Phần này thì chưa thấy ai nhắc gì.
Cứ nhìn vào thì rõ, mọi cái lỗi sai khi nhắc đến ở trên thì đều dồn vào việc ngân sách bị lãng phí, thất thoát. Mà một khi ngân sách lãng phí, thất thoát thì người hứng chịu đầu tiên chính là người dân. Đừng hỏi vì sao thuế, phí cứ mãi tăng, hãy hỏi vì sao ngân sách cứ mãi thâm hụt.
Khổ vì chịu cảnh ngân sách thất thoát đã đành, thế mà sản phẩm nhận được là tuyến BRT cũng chẳng mấy “mặn mà”, hữu dụng, như thế mới càng đắng cay hơn cho người dân nữa cơ. Buýt nhanh thì có mỗi một tuyến đường, thiếu liên kết nên người lao động cũng khó lòng sử dụng mà đi làm. Nhưng không sử dụng thì đến giờ cao điểm cũng mất hàng giờ chờ đợi tắc đường. Đúng là muôn vàn khổ, một công trình tệ, cả trăm hệ quả tệ hại cũng kéo theo.
Vậy đó, người dân gánh chịu hết hậu quả rồi, nhưng họ không làm sai. Thế còn những ai đứng ra nhận ra phần sai ấy. Nếu Thanh tra Chính phủ không chỉ ra cụ thể ai sai thì chắc sẽ chẳng có ai chịu phần sai ấy đâu. Rồi họ sẽ lại tiếp tục nói dự án có hiệu quả, rồi họ sẽ tiếp tục xin thêm nhiều dự án nữa để cuối cùng, khi đã có quá nhiều dự án, đi kèm là những lệnh cấm, người dân sẽ buộc phải sử dụng tuyến buýt nhanh. Và sau quá trình ‘quanh co luẩn quẩn ấy”, dù có sử dụng buýt nhanh chỉ do bị cấm, thì những con người đứng sau chắc vẫn sẽ lấy kết quả ấy để khẳng định cho việc họ làm buýt nhanh là hiệu quả.
Ôi thôi, đã cứ thanh tra là ra sai phạm thì cũng nên cứ sai phạm mà xử lý triệt để đi chứ. Đừng để mọi thứ nhẹ nhàng để rồi họ lại tiếp tục sai phạm, tiếp tục nghĩ rằng mình đúng… Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment