Cập nhật tin tức nóng hổi

“Một mình một chợ” NXB Giáo dục vẫn kêu lỗ thì giải tán cho người khác làm!

Đáng nói hơn, mặc dù kêu lỗ nhưng NXB này vẫn chi chiết khấu cho phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng, tương đương với 25% doanh thu hàng năm. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (học viện Tài chính) về vấn đề này.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (học viện Tài chính).

PV: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, mỗi năm phải bù lỗ phát hành trên dưới 40 tỷ đồng. Là một chuyên gia kinh tế đã có nhiều ấn phẩm xuất bản tại các NXB, ông có nhận định ra sao về vấn đề này?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi không tin vào báo cáo này, tôi cho rằng cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là bên kiểm toán và sau đó là các cơ quan quản lý đối với nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

Tôi đã có nhiều năm làm việc với các NXB trên cả nước, trong đó có cả NXBGDVN, với cá nhân tôi, việc đại diện NXBGDVN đưa ra con số lỗ tới 40 tỷ đồng có gì đó bất thường. Bởi, trên thực tế, các NXB khác, họ cũng chưa đến mức phải để thua lỗ ở ngưỡng cao đến như vậy. Trong khi đó, NXBGDVN đang độc quyền về xuất bản sách giáo khoa và nhiều ấn phẩm sách khác cho các cấp học từ mẫu giáo cho đến THPT. Đây là một lợi thế mà khó nhà xuất bản nào có được.
PV: Với việc NXBGDVN kêu thua lỗ như vậy, ông có cho rằng nên để các nhà xuất bản khác cùng tham gia vào việc in ấn SGK?

Xem thêm: Vì học sinh, hay chỉ muốn bán thật nhiều sữa cho doanh nghiệp?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Liên quan đến vấn đề in ấn phát hành sách giáo khoa, tôi cho rằng không nhất thiết cứ phải là NXBGDVN nắm giữ. Vì trên thực tế, để xuất bản một ấn phẩm phục vụ cho công tác giáo dục thế hệ con em của đất nước ta thì không phải là anh muốn viết gì trên đó cũng được, mà cần phải được kiểm tra, thẩm định chặt chẽ từng lời văn, câu chữ.

Công việc viết sách là của hội đồng biên soạn chương trình được bộ GD&ĐT thành lập với nhiều giáo sư, tiến sĩ ở những lĩnh vực khác nhau chia ra thành nhiều tiểu ban phụ trách việc biên soạn chương trình. Sau khi hoàn thành công tác biên soạn sách giáo khoa, sẽ có một hội đồng thẩm định kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thông qua và đưa sách đi dạy thử nghiệm.

Sau khi dạy thử nghiệm đạt kết quả tốt, bộ GD&ĐT quyết định triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới, thì sách mới được đưa đi in ấn, phát hành sách giáo khoa. Vậy thì rõ ràng là NXB nào chả làm được, đâu nhất thiết cứ phải là NXBGDVN đảm nhận độc quyền về vấn đề đó.

Từ điều đó, tôi nghĩ rằng, phải chăng có sự liên quan đến lợi ích của một nhóm người mà có quyết định đến vấn đề xuất bản, và vì thế người ta mới ôm cái đó trở thành yếu tố độc quyền cho họ mà thôi. Và nếu để bị thua lỗ đến mức như vậy thì NXBGDVN nên chia sẻ với các NXB khác, vì xét về chất lượng họ cũng đâu thua kém, thậm chí có thể hơn.

PV: Xin ông cho biết, trong trường hợp mà NXB Giáo dục thua lỗ tới 40 tỷ đồng/năm như vậy, liệu các NXB khác họ sẽ ra sao?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Với việc được độc quyền trong in ấn phát hành SGK, tôi cho rằng, NXBGDVN không thể nào lỗ được, thậm chí là còn lãi. Và dĩ nhiên, nếu NXBGDVN mà lỗ đến mức 40 tỷ đồng/năm thì tốt nhất nên đề xuất tới Nhà nước là cho giải tán để các NXB khác họ đảm nhiệm.
Nhắc thêm về vấn đề này, tôi lấy ví dụ về NXB Pháp lý, họ chỉ xuất bản những cuốn sách liên quan đến vấn đề giáo dục về pháp luật mà thôi. Một ngành rất hẹp mà họ vẫn còn tồn tại được, thì một NXB lớn như NXBGDVN để thua lỗ nhiều như vậy thì khó chấp nhận.

PV: Chắc hẳn các NXB khác trên cả nước, muốn tồn tại được bằng việc tự chủ về vấn đề kinh tế không hề đơn giản?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Đúng là như vậy! Ngày nay đại đa số các NXB trên cả nước đều phải tự chủ về kinh tế, và để tồn tại được, các NXB phải thực sự cố gắng tối đa trong việc giảm thiểu chi phí, giảm thiểu nhân lực. Và với nền kinh tế thị trường như hiện nay, để tồn tại được trong một khoảng thời gian khá dài thì cần phải có những ấn phẩm vượt rào. Họ cần phải có những nỗ lực cao hơn, làm đa dạng hóa các ấn phẩm cung cấp cho độc giả một cách đa chiều, nâng cao trình độ dân trí.

Xin cảm ơn ông!

Không thể để độc quyền trong in sách giáo khoa

PGS.TS Phạm Tất Thắng
 PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp viện Nghiên cứu thương mại (bộ Công Thương).

PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng: “Nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thị trường, về xu hướng phát triển của xã hội thì bất cứ hình thức độc quyền nào đều dẫn đến hậu quả không tốt. Vì vậy, các quốc gia đều tìm mọi cách để phá bỏ độc quyền, kể cả trong kinh tế, xã hội, thương mại… Nếu vì một lý do nào đó không thể để cho có sự phát triển cạnh tranh thì cần phải có sự kiểm soát rất chặt chẽ của Nhà nước, mang tính chất độc lập. Những sản phẩm bắt buộc phải được độc quyền thì phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí cần cơ quan của Quốc hội thẩm định và cho phép.

Xét trên cả 3 khía cạnh như vậy thì việc in sách giáo khoa trong thời gian vừa qua đã vi phạm cả 3 nguyên tắc cơ bản đó. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được độc quyền sách giáo khoa trong một thời gian dài, từ khâu biên soạn, chỉnh sửa, in ấn, phát hành… Tức là nó thành một chuỗi thì mức độ độc quyền càng trở nên nghiêm trọng.

Nhìn vào thực tế, các nước in sách giáo khoa thường để cho thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Đặc biệt, đối với các lớp học càng thấp thì tính ổn định càng lớn. Thậm chí, việc làm này còn rèn luyện thêm cho học sinh phẩm chất, ý thức giữ gìn sách giáo khoa cho thế hệ sau, biết quý trọng cuốn sách mình đang có. Giá mua một bộ sách thì không quá lớn, nhưng tính cả triệu bộ sách thì là số tiền khổng lồ. Ngoài ra, rất nhiều sách đi kèm sách giáo khoa của đơn vị độc quyền in sách giáo khoa cũng sẽ được ăn theo.

Nếu còn giữ độc quyền in sách giáo khoa thì chỉ một nhóm lợi ích được hưởng. Không thể để tình trạng này kéo dài thêm nữa. Khi xóa bỏ độc quyền thì sẽ có nhiều cách đem lại cho học sinh và cho xã hội tốt hơn. Tôi nghĩ, nên để cho các nhà xuất bản khác đấu thầu in sách giáo khoa. Đây là điều hết sức bình thường. Đơn vị nào có giá cạnh tranh và đảm bảo đúng yêu cầu thì cho xuất bản”.

Các nhà xuất bản sẵn sàng tham gia “sân chơi” sách giáo khoa

Ông Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc NXB Lao động Xã hội: “Tôi đã làm xuất bản được hơn 40 năm, thật khó tin khi một NXB mỗi năm bán hơn 100 triệu bản lại lỗ. Họ được quyền quyết định về giá, riêng mình một sân chơi từ in ấn đến bán sản phẩm, nếu như lỗ thì NXB Giáo dục Việt Nam hãy nhường cho NXB khác làm.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới cần bỏ đi việc độc quyền trong in ấn SGK, nội dung chương trình thì đã có một Ban thẩm định cấp Quốc gia làm, còn các nhà xuất bản sẽ đấu thầu để in. Chắc chắn rằng, phụ huynh, học sinh là những người được lợi. Cũng cần xem có nhóm lợi ích nào đứng sau câu chuyện in SGK này không, mà tại sao lại phải in nhiều sách dùng 1 lần gây lãng phí tới như vậy”.

Nguồn Nguoiduatin
,

No comments:

Post a Comment