Cập nhật tin tức nóng hổi

Giám đốc mới xin 10 tỷ sửa sang trụ sở: Cái gì cũng có “nhiệm kỳ”

Liên quan đến vụ việc một giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa nhậm chức được 18 ngày đã có văn bản xin Uỷ ban nhân dân tỉnh 10 tỷ đồng sửa trụ sở làm việc, dư luận lại một lần nữa ngán ngẩm với lời giải thích “lỗi do người soạn thảo”. Còn sự thật của vấn đề thì đã không còn lạ lẫm, ai mới lên chức mà chẳng muốn dùng đồ mới…
Giám đốc mới xin 10 tỷ sửa sang trụ sở: Cái gì cũng có “nhiệm kỳ”
Trụ sở làm việc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cần 10 tỷ để sửa chữa?

Ngày 10/9, ông Lê Đức Giang được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chỉ 18 ngày sau, ông Giang ký công văn số 3254 đề xuất Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí 10 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc. Thật may là Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã không đồng ý với đề xuất này.

Đưa ra lời giải thích, Ông Phạm Quang Tuấn, Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ tháng 6/2017, Sở đã có đề xuất sửa chữa với kinh phí 5 tỷ đồng, tuy nhiên Uỷ ban nhân dân tỉnh trả lời không có kinh phí. “Đợt này, người soạn thảo văn bản không nắm được thông báo 139/TB-UBND ngày 14/8/2018 trước đó về việc “trước mắt trong thời gian tới, chưa xem xét việc đầu tư mới và nâng cấp trụ sở các cơ quan đơn vị cấp sở, huyện”. Vì thế, khi trình lên thì Giám đốc Sở ký vì xuất phát từ nhu cầu thực tế cần thiết”, ông Tuấn cho biết.

Bút sa gà chết!

Ngay lúc này, chúng ta dễ dàng có thể xem lại toàn cảnh trụ sở làm việc của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa trên các bài báo mới nhất. Phải xem để thấy được “nhu cầu thực tế” cần phải sửa chữa của Sở này như thế nào. Sự thật là, trụ sở này vẫn “còn tốt lắm”. So với các trụ sở làm việc của các ban, ngành khác trên cùng địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì cơ sở vật chất của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng xếp vào diện khá nhất.

Với “nhu cầu thực tế” như vậy, thử hỏi lỗi trong câu chuyện này có thuộc về “người đánh máy” hay không? Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa là người ký công văn xin kinh phí sửa chữa, là người có khả năng đánh giá thực tế tình trạng trụ sở mình đang làm việc, là người có toàn quyền quyết định có hay không xin kinh phí tỉnh… Do đó, người phải lên tiếng nhận lỗi về sự vụ xin 10 tỷ đầu tiên phải là Giám đốc Sở mới đúng chứ. Xin đừng lấy lý do “mới nhậm chức 18 ngày” nhé. Làm lãnh đạo một ngày, thậm chí một giờ thôi cũng cần phải thể hiện trách nhiệm, năng lực xứng tầm của một người lãnh đạo rồi.

“Bút sa gà chết” – câu nói ấy không hề sai. Cái sai duy nhất ở đây chắc chỉ là sự im lặng của vị tân Giám đốc Sở trong vụ việc gây xôn xao dự luận lần này mà thôi.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan gần gũi nhất với bà con nông dân, nghĩa là họ hiểu rõ cuộc sống người nông dân, nông thôn hiện nay như thế nào. Biết bao nhiêu gia đình ở Thanh Hóa ngày nay chạy ăn từng bữa, biết bao người nông dân phải bỏ quê hương tha phương bán dạo… Vậy việc xin 10 tỷ để làm đẹp trụ sở đang đẹp có phải là vô cảm không? Chính lãnh đạo Sở phải là người vô cảm nhất đó chứ!

Cái gì cũng có nhiệm kỳ…

Tạm gác lại việc ai đúng, ai sai, ai nên lên tiếng xin lỗi dư luận một lần,… Điều quan trọng hơn mà chúng ta cần nghi ngại là những thứ tương tự như “mới nhận chức đã xin 10 tỷ sửa trụ sở” dường như đã trở thành thói quen. Từ trụ sở làm việc đến đồ dùng văn phòng, xe cộ,… tất cả đều sẽ là mục tiêu phải đổi mới khi một vị cán bộ lãnh đạo mới lên nhậm chức.

Để chỉ đích danh ra thì nhiều lắm, nên hãy cứ nhìn vào những nơi làm việc hành chính gần các bạn nhất để đánh giá. Có bao giờ bạn thấy một vị lãnh đạo mới lên nhậm chức lại sử dụng nội thất phòng làm việc, sử dụng xe,… mà đạo trước đó đã sử dụng hay không?

Thực tế là rất hiếm. Kinh phí để sửa sang phòng làm việc, mua xe,… với cán bộ lãnh đạo đều trích từ nguồn ngân sách ra, nên “tội gì phải dùng đồ cũ”? Đó còn chưa kể đến nhiều người còn đè nặng tư tưởng về số mệnh. Phải thay đổi mọi thứ cho hợp với bản thân để tiếp tục có sự thăng tiến,…

Chưa hết, những người tinh ý cũng sẽ nhận ra rằng bản thân những trụ sở hành chính, đồ dùng văn phòng hành chính, xe công,… ở nước mình cũng rất nhanh hỏng, xuống cấp. Nguyên nhân có thể chẳng khác ngoài việc đến từ “chính sách chống tiết kiệm, lãng phí” mà chúng ta đang thực thi.

Mới nghe thì có thể mâu thuẫn, nhưng thực ra, tiết kiệm kiểu Việt Nam đang là thứ mà các quốc gia khác không hề làm. Bạn có nghe về chiếc bàn làm việc mà cả chục đời tổng thống Mỹ đã ngồi làm việc mà chưa thay đổi? Có chiếc bàn làm việc nào như thế không? Chúng ta đang tiết kiệm theo kiểu giới hạn mức trần chi tiêu công mà lại không giới hạn về chất lượng chi tiêu công. Có nghĩa, đồ dùng chi tiêu công, trụ sở hành chính chỉ cần đáp ứng nhu cầu rẻ mà không cần đến phần “bền vững”.

Vô tình, mọi thứ đồ dùng hành chính cũng đều mang trên mình hai chữ “nhiệm kỳ”. Dù chúng không bị hỏng, không bị xuống cấp thì cũng sẽ phải bị loại bỏ khi một vị lãnh đạo cũ hết nhiệm kỳ. Tư tưởng nhiệm kỳ từ trong tư duy của cán bộ giờ đã ứng nghiệm lên cả cơ sở vật chất mà họ có quyền sử dụng tạm thời lúc đương nhiệm.

Một tỉnh Thanh Hóa hay nhiều “tỉnh Thanh Hóa”, một Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hay nhiều “Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, một vụ xin 10 tỷ hay nhiều vụ “xin 10 tỷ”… Muốn chấm dứt vòng quay ấy cứ hãy chấm dứt cái gọi là “nhiệm kỳ” trước đã.
, ,

No comments:

Post a Comment