Cập nhật tin tức nóng hổi

Cớ sao lạ, Nhà nước phải chạy theo nhà đầu tư!

Liên quan đến việc dự án chống ngập 10.000 tỷ thay đổi vật tư từ thép Nhật Bản sang thép Trung Quốc mà chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xem xét, phê duyệt, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đánh giá chất lượng thép Trung Quốc có đảm bảo không.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ bị chậm vì nhà đầu tư tự ý dùng thép Trung Quốc
Dự án chống ngập 10.000 tỷ bị chậm vì nhà đầu tư tự ý dùng thép Trung Quốc

Thông tin nhắc trên được chính ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khẳng định trong khi trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/12. Như vậy, đây là động thái giải quyết đầu tiên sau khi dự án chống ngập bị đình chỉ một thời gian dài do chậm giải ngân cùng những bức bối phát sinh.

Nhớ lại, khi thành phố Hồ Chí Minh “chưa hành động” thì dư luận liên tục réo tên các cơ quan ban ngành chậm chễ, thiếu trách nhiệm trong việc hoàn thiện các công trình dự án trọng điểm. Dù thế, đến khi có hành động thì dường như thành phố Hồ Chí Minh lại đang quá… sai.

Sao phải chạy theo nhà đầu tư!

Trước tiên, nhà đầu tư Trung Nam Group tự ý sử dụng thép tiêu chuẩn Trung Quốc để làm vào công trình chống ngập với lý do được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đồng ý. Nhưng, vấn đề ở chỗ thép Q345B của Trung Quốc lại không có trong danh mục tiêu chuẩn được phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Sở Nông nghiệp cũng không có thẩm quyền để quyết định thay đổi danh mục mà Ủy ban thành phố đã đặt ra.

Vậy, là một nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam, phải nắm chắc cũng như tuân thủ mọi quy định pháp luật của Việt Nam, rõ ràng, Trung Nam Group phải hiểu hành động của mình là sai, thiếu cơ sở pháp luật và phải tự chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm, thiệt hại có liên quan đến hành động thay đổi chất lượng thép mà không được thắc mắc bất kỳ điều gì. Ở Việt Nam thì ít, nhưng với các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, việc một bên đối tác tự ý thay đổi không theo hợp đồng ban đầu thì sẽ bị phạt hủy hợp đồng, thậm chí là đền bù gấp nhiều lần hợp đồng đã ký kết. Lỗi tất cả ở nhà đầu tư mà xảy đến chứ đâu.

Tiếp đến, chẳng hiểu sao mà thành phố Hồ Chí Minh quyết định đến việc thuê thẩm định chất lượng của thép Trung Quốc? Nhà đầu tư tự ý thay đổi loại thép, tự khẳng định thép Trung Quốc phù hợp hơn thép Nhật Bản, châu Âu thì nghĩa vụ chứng minh tiêu chuẩn chất lượng phải thuộc về nhà đầu tư chứ đâu phải của sở ngành thành phố.

Riêng điểm này thì không cần phải so sánh với nước ngoài, ngay Bộ luật Dân sự của Việt Nam cũng quy định trong một quan hệ dân sự (có bao gồm các hợp đồng kinh doanh, đầu tư) nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên đưa ra chứng cứ. Họ phải tự chứng mình được điều mình đưa ra là đúng thì mới được chấp nhận. Như thế, việc chứng minh thép Trung Quốc tốt bằng các luận điểm khoa học, bằng các chứng chỉ kỹ thuật quốc tế hay bằng cách thuê chuyên gia đánh giá,… tất cả đều phải do nhà đầu tư tự làm.

Cuối cùng, hãy thử nhìn lại những thực tế đơn giản mà ai cũng có thể đánh giá. Tiêu chuẩn chất lượng thép của Nhật Bản, châu Âu và của Trung Quốc, cái nào sẽ hơn cái nào. Xin được nhắc lại câu chuyện tàu cá cho ngư dân tại miền Trung dùng thép Trung Quốc thay vì thép Nhật Bản. Cuối cùng, tàu cá chỉ còn lại những đống thép gỉ trước sự ăn mòn của biển cả.

Chưa dừng lại ở đó, trong dự án chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh, thép Trung Quốc được thay thế có giá thành đắt gần gấp đôi so với thép Nhật Bản. Phi lý vô cùng. Nếu cố dùng thép Trung Quốc đến cùng, vẫn khẳng định cũ phần chi phí chênh 267 tỷ đồng thì nhà đầu tư hãy tự chịu với quyết định của mình đi.

Hãy đúng là “bên nắm quyền”

Về cả mặt chính trị và dân sự, thành phố Hồ Chí Minh phải là “bên nắm quyền”. Trong quan hệ chính trị, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là đại diện quyền lực quyết định mọi vấn đề phát sinh từ dự án chống ngập 10.000 tỷ. Về phương diện dân sự, Ủy ban thành phố Hồ Chí Minh là bên làm chủ đi thuê đối tác thực hiện dự án của mình. Trong mọi quan hệ như thế, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ quyền lực, sức lực và cả nguồn lực để giải quyết tất cả các quan hệ xã hội phát sinh mà không cần phải “theo ý” của nhà đầu tư. Trừ khi, họ từ bỏ đi chính quyền lực ấy của mình để mang quyền lợi từ phía xã hội đem giao cho phần thiểu số là nhà đầu tư dự án.

Mùa mưa bão thì chưa qua, đường phố thành phố Hồ Chí Minh để ngập lụt thì chỉ cần trong những nháy mắt,… Dự án chống ngập đã, đang, và vẫn sẽ là điều cấp thiết mà các sở, ngành cần phải gấp rút và nhanh chóng làm được, làm tốt, làm nhanh ngay trong thời gian tới.

Vậy, có còn thời gian cho các cơ quan chức năng “chậm chạp” chạy theo nhà đầu tư từng bước hay không. Nắm quyền lực của người dân nhưng các cơ quan chức năng thành phố đang sử dụng như thế nào với quyền lực ấy. Hãy xem lại và nhất thiết phải làm lại thưa các sở ngành ạ!
,

No comments:

Post a Comment