Cập nhật tin tức nóng hổi

Những chiếc “đuôi cáo” lần lượt bị lôi ra ánh sáng

Liên tiếp những nhân vật “quyền lực” trong các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp “đầu não” của đất nước bị sa vào vòng lao lý. Không biết thời gian tới đây, ai sẽ là “nhân vật” quyền lực bị đưa ra ánh sáng?
Sau nhiều đồn đoán, ông Trần Bắc Hà đã bị bắt để phục vụ hoạt động điều tra
Sau nhiều đồn đoán, ông Trần Bắc Hà đã bị bắt để phục vụ hoạt động điều tra

“Bố già” Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch ngân hàng BIDV – Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam – đã chính thức bị bắt để điều tra các sai phạm. Vậy là sau nhiều lần đồn đoán, ông Trần Bắc Hà đã không còn đủ “may mắn” để có thể yên vị. Nhìn lại thực tiễn thời gian qua, một điều đáng mừng, nhưng đồng thời cũng là một điều vô cùng đáng lo là hàng loạt nhân vật quyền lực từ giới chính trị cho đến giới thương nhân đều lần lượt kéo nhau ra trước vành móng ngựa. Từ các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, thứ trưởng, bộ trưởng một số Bộ, Ngành cho đến lãnh đạo đứng đầu các doanh nghiệp “xương sống” của đất nước, đâu đâu cũng có người sai phạm.

Những chiếc “đuôi cáo” bị lôi ra ánh sáng…

Tôi đã nghe ở đâu đó một câu nói rất hay: chính trị là đỉnh cao của kinh tế, kinh tế là nền tảng của chính trị. Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến một loạt các sai phạm thời gian vừa qua liên quan đến cán bộ, công chức trong không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Người ta lấy “kinh tế” ra làm động lực thúc đẩy sự thăng tiến về chính trị và rồi lại dùng chính quyền lực chính trị để làm giàu không chính đáng.

Như một vòng luẩn quẩn, không ít người bỏ tiền, bỏ của ra để làm nền tảng, tạo bệ phóng về mặt chính trị. Họ “bỏ tiền mua ghế”, lấy tiền để đạp đổ tri thức, lấy tiền để xoá nhoà các “quy trình” và nghênh ngang tiến lên vị trí lãnh đạo, trở thành một người nắm giữ các vị trí then chốt trong hệ thống chính trị. Nói thẳng ra, họ dùng tiền, dùng quyền để chui sâu, leo cao vào trong bộ máy. Và một khi đã có chỗ đứng nhất định, vị trí nhất định thì họ bắt đầu dùng quyền lực mà nhà nước, nhân dân trao cho họ để “kiếm lại” số tiền mà họ đã bỏ ra. Dĩ nhiên, việc họ “kiếm” lại số tiền đã bỏ ra để chạy chức, chạy quyền cũng mờ ám như cách họ bỏ tiền “đầu tư” cho việc mua “ghế”.

Nhìn lại thực tiễn thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy rõ cái vòng luẩn quẩn trên. Tôi xin phép được nói thẳng, từ chuyện cựu cục trưởng C50 và một loạt tướng lĩnh công an, quân đội dính vòng lao lý cho đến chuỵện các lãnh đạo ngành ngân hàng (điển hình là “Bố già tài chính” Trần Bắc Hà) bị bắt ngày 29/11, tất cả chung quy cũng chỉ là hệ quả của chuyện mua quyền bán chức. Ai đời một ông cựu cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ công an lại lấy lý do không biết sử dụng máy tính, không am hiểu công nghệ để giải thích cho sai phạm “tày đình” liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng mà mình có liên quan. Từ đây, câu hỏi đặt ra là vì sao người không có trình độ lại vẫn được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo? Có lẽ, nó cũng là vì ma lực của đồng tiền.

Rồi đến chuyện của cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, rõ ràng vị trí người đứng đầu một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam đã tạo cơ hội cho ông Hà thoải mái thao túng, lũng đoạn công việc và lấy đi hàng ngàn tỷ đồng. Và để làm được điều này, chắc chắn những “bàn tay vô hình” trong giới chính trị thời điểm ông Hà đương quyền cũng có sự tác động nhất định.

Rất may, những chiếc “đuôi cáo” đang dần dần bị chặt đứt. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng việc đưa những tay “cáo già”, những kẻ vừa có tiếng nói về mặt chính trị, vừa có ảnh hưởng về mặt kinh tế ra xử lý không phải là một điều đơn giản. Vì vậy, việc xử lý các đối tượng này đã thể hiện một sự quyết tâm vô cùng lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Cần nhiều thời gian để “vạch lá tìm sâu”

Trong bối cảnh hiện nay, có không ít “con sâu” đang tồn tại và gặm nhấm trong bộ máy nhà nước. Nó không tập trung tại một chỗ mà phân tán, trải rộng khắp các ngành, các lĩnh vực, các đơn vị, các địa phương. Có những “con sâu” không sợ trời cao đất dày mà hiển hiện luôn bộ mặt đục khoét nhưng cũng có rất nhiều “con sâu” chui sâu, leo cao trong bộ máy nhà nước và có một vỏ bọc tương đối kỹ càng, chắc chắn. Để có thể làm trong sạch bộ máy, công việc “vạch lá tìm sâu” là điều mà chắc chắn chúng ta phải thực hiện. Tuy nhiên, vạch đến đâu, vạch đến khi nào, vạch đến cấp nào thì còn cần rất rất nhiều sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp trên.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh một điều, dù là ai, dù ở đâu, dù có vị thế chính trị như thế nào nhưng nếu đã sai thì phải xử lý mạnh tay, đúng pháp luật. Chỉ có vậy, chúng ta mới không phải chịu những tổn thương sâu sắc hơn khi phát hiện cán bộ vi phạm.
,

No comments:

Post a Comment