Cập nhật tin tức nóng hổi

Việt Nam thực phẩm độc hại tràn lan từ Trung Quốc, người dân phải tự làm thực phẩm sạch

Việt Nam thực phẩm độc hại tràn lan từ Trung Quốc
Sát nhà tôi là nhà vợ chồng một công chức về hưu sớm. Họ làm thêm và tiết kiệm bằng cách nuôi gà, nuôi chim cút, nuôi nhím, trồng rau.

Cái chuồng nuôi vài chục con gà của họ đặt sát hàng rào phân cách hai nhà.

Cách đó chỉ hai mét, qua cái sân nhỏ, là phòng ngủ của tôi.

Mỗi sáng, chưa đến 5 giờ, bọn gà hò nhau gáy vang!

Tôi, của đáng tội, cũng hay tỏ vẻ yêu thiên nhiên lắm. Cơ mà bị thiên nhiên đánh thức đều đặn vào cái giờ ấy, trong khi mình muốn và được quyền ngủ đến 8 giờ cơ thì cái tình yêu ấy xem chừng cũng yêu yếu dần đi, rồi đến ngày đoản mệnh.

Thêm vào đấy là mùi phân gà. Chưa có quy định nào yêu cầu nuôi gà trong thành phố thì phải tắm (gà) thường xuyên, cũng chưa ai thấy con gà nào xài khử mùi (thơm mát, trắng mịn như ngọc trai, TV hay quảng cáo) nên mùi phân của cái bọn gà ấy không thể nào gọi là dễ chịu cả.

Tiếp đến là con mạt gà cuốn theo chiều gió bay vào nhà, khiến chúng tôi gãi xoành xoạch suốt cả ngày.

Nhắc thì anh ấy “ní nuận”: “Đất nhà tôi, tôi làm gì kệ xác”. Ừ mà phòng khách nhà anh ta cũng bên cạnh chuồng gà.

Đành phải đưa đơn ra tổ dân phố.

Các nhà bên cạnh cũng đồng loạt than vãn. Anh ấy nhượng bộ bằng cách mua nilon với lưới về quây kín cái chuồng bên phần đất anh ta. Lâu lâu nilon thủng thì lại thay.

Ở cuối khu thì có một anh khác trồng cả một vườn hoa rực rỡ bên ngoài đường đi. Anh yêu và siêng năng chăm sóc cây hoa lắm lắm.

Phiền nỗi, anh toàn chăm bằng các biện pháp đặc sệt “sinh thái”, như để dành nước tiểu vào vại, om thật lâu rồi múc ra tưới hoa và cây cảnh.

Lạy giời, hoa đẹp thì đẹp lắm, tươi thì tươi lắm, nhưng mỗi lần anh tưới hoa thì hàng xóm cứ phải bịt mũi nghiến răng rõ lâu.

Cho nên hễ đọc các bài báo ca ngợi những ngôi nhà giữa lòng thủ đô “đưa được mô hình vườn-ao-chuồng” vào thành phố, “tạo nên một vẻ xanh mát organic cho thành thị”, tôi lại rưng rưng thương xót những hàng xóm của họ.

Có những ngôi nhà ống bốn tầng nhưng chủ nhà tự dựng lên 3 tầng nữa bằng fibro ciment và gỗ, để làm chuồng nuôi lợn (ăn cho nó sạch bác ạ, dạo này thực phẩm đáng sợ lắm). Bên cạnh chuồng lợn là chuồng gà. Dưới tầng 2 là ao cá.

Bên cạnh đấy là cái phuy ủ chất thải và phân gà, để làm đất bón rau. Úi giời ơi cứ là xanh mơn mởn! Sâu á, cứ gọi là đầy đất. Rau sạch thì mới có sâu nhá, hàng chuẩn đấy bác ạ!

Báo chí ca ngợi họ cứ như tân Cô-lông-bô phát hiện ra châu Mỹ. Chả những đủ ăn lại còn thừa thãi vì bán rau gà cá lợn sạch cho hàng phố. Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Mấy năm nay dân Việt Nam hễ cứ đọc báo là run lẩy bẩy. Nào rau muống tướt nhớt gây ung thư. Nào cá rô phi gây ung thư. Nào mít nhúng hóa chất gây ung thư. Nào chảo chống dính gây ung thư. Nào ăn nhiều đường gây ung thư…

Nói chung, cứ cầm đến báo chí là lại thấy cái gì đấy gây ung thư!

Mà tất cả tin tức gì về ung thư đều được share dữ dội trên mạng. Người người tát (tag) nhau. Nhà nhà tát (tag) nhau. Tẩy chay.

Ngay cả khi những kỹ sư nông học, bác sĩ, những nhà khoa học phản biện và chia sẻ kiến thức đúng trên báo hay trên trang mạng cá nhân, dân ta vẫn không tin.

Có doanh nghiệp đang bán mít sấy, bán chạy đùng đùng thì tin mít (dứa, chuối) ung thư dội xuống. Chả ai dám mua nữa. Mít (dứa, chuối) tươi bỏ thối, mít (dứa, chuối) khô may mà xuất khẩu nên còn vớt vát. Khóc nỉ khóc non, họ mời các nhà khoa học tổ chức hội thảo, mời cả nông dân và báo giới đến thông tin rộng rãi.

Cơ mà chúng (dân) ông vẫn chả thèm tin.

Họ không tin chả phải vì có cơ sở để nghi ngờ chứng minh của các nhà khoa học. Không tin là bởi vì trước nay nhiều cái không tin được quá, cớ gì lần này ta đổi ý?

Tại vì rằng thì là cái con niềm tin nó đỏng đảnh, nó dở người, nó khó nuôi lắm. Cho ăn no thì nó vẫn chưa chắc sống mãi, mà dính tí nước bẩn thì nó lăn đùng ra chết (xã hội Việt Nam mình hình như cái con niềm tin ấy nó không hợp hệ sinh thái, thỉnh thoảng lắm mới trông thấy nó đã đành, nó lại còn thường xuyên chết yểu).

Thế là những bà mẹ quê càng vất vả trăm chiều, để mà nuôi một đàn con chắt chiu (thưa ông Phạm Duy, ông đáng đánh đòn vì cái tội tiên đoán quá đúng như thế), tháng tháng đóng thùng gửi rau, gà, lợn, cá ra thành phố cho con. Những dịp nghỉ dài ngày, dân phố về quê khệ nệ ôm theo bao gạo, tải rau, cả những bu gà, bao tải dứa đựng vịt.

Trên tàu hỏa, trên xe đò, những cái bu gà vịt sẽ được đặt ở ngay giữa sàn xe, trên lối đi. Chúng thò đầu ra ngắm con đường lên tỉnh, phấn khích kêu quàng quạc và ị sực nức.

Người cùng chuyến xe hay chuyến tàu thì chẳng còn cách nào khác là bịt mũi "thông cảm".

Trong những chuyến tàu từ Bắc vào Nam, không ít lần tôi gặp những bà mẹ miền Trung sắp nắp thồ đến hai ba bao tải cao ngất, đậu xanh, gạo, bánh đa, và cả than củi để xông hơ cho con gái mới sinh, ở Sài Gòn.

Báo chí thổi bùng lên cơn phấn khích nông thôn hóa thành thị, vườn ao chuồng hóa cao ốc, gà hóa khu dân cư. Toàn dân nô nức phấn khởi thực hành chế độ nông dân sân thượng. Đi làm về thì dọn phân ủ phân trộn phân, trong giờ làm thì tranh thủ lên mạng vào Hội nông dân sân thượng học hỏi kinh nghiệm, gần hết giờ thì chạy trước để còn tạt chỗ nọ chỗ kia mua đất, mua giống, mua phân, mua trấu rải chuồng gà…

Bất chấp sự nguy hiểm tiềm tàng của những cái sân thượng nhà ống hay những cái ban công chung cư đột nhiên phải cõng đến hàng trăm hộp xốp chứa đầy đất và phân bón; hay mùi nước tiểu, mùi phân và ký sinh trùng phát tán khắp nơi từ những cái chuồng gà hay chuồng lợn sát bên phòng ngủ.


Các anh chị đọc đến đây chưa? Rõ khổ, đã bảo đừng đọc rồi cứ không chịu nghe cơ. Tôi đã bảo trước lỗi không phải tại tôi mà lị. Đáng ra tôi không viết cái sớ (vừa dài thườn thượt, vừa khăn khẳn phân gà phân lợn) thế này để làm hỏng một cuối tuần đẹp đẽ của các anh chị. Tôi muốn viết những bài thơ tình (bịa) xanh tươi, có hoa thơm bướm lượn, có những chú ong vo ve trong nắng vàng bên ly cà phê thơm ngát cơ.

Nhưng mà biết làm thế nào, khi mà cái ban công ngắm trăng của chúng tôi đã được khuyến mãi với những cái chuồng gà organic thời thượng đến như thế?
, ,

No comments:

Post a Comment