Cập nhật tin tức nóng hổi

Có những ông quan như ở “trên trời”­­

“Có một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm công tác tiếp công dân, nhất là khối các Sở của tỉnh Trà Vinh. Có một số nơi Giám đốc Sở không tiếp công dân ngày nào trong suốt 5 năm rưỡi. Trong đó điển hình như Sở Nội vụ, Cục Thuế tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Có những ông quan như ở “trên trời”­­
Đây là nội dung tại bản Kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân, công tác quản lý và sử dụng đất tại tỉnh Trà Vinh thời kỳ từ năm 2013 đến năm 2017 mới được Thanh tra Chính phủ công bố.

Cần nhớ là Luật tiếp công dân đã được Quốc hội ban hành từ năm 2013 và có hiệu lực từ đầu tháng 7/2014. Trước đó, những quy định về tiếp công dân cũng đã nêu tại Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, Luật khiếu nại năm 2011.

Người viết xin trích dẫn quy định tại Điều 18 – Luật tiếp công dân về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc tiếp công dân như sau: “trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình”.

Yêu cầu của pháp luật là vậy “1 ngày trong 1 tháng”, còn thực tế ở đây là suốt 5 năm rưỡi, tức hơn 1 nhiệm kỳ. Nói cách khác là cả giai đoạn từ 2013 đến 2017 trong thời kỳ thanh tra của Thanh tra Chính phủ, các vị giám đốc sở nói trên ở Trà Vinh không hề tiếp công dân.

Cũng không hề quá nếu nói rằng các vị ấy “không có khái niệm” tiếp dân, chứ không chỉ là “chưa thực sự quan tâm” như trong đánh giá của Thanh tra Chính phủ. Trong khi đó, chức năng của những sở ngành này trong bộ máy chính quyền là tham mưu và giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực cụ thể.

Vậy, không hiểu là với tình trạng tiếp dân kiểu này, lãnh đạo của các đơn vị sở ngành nói trên có hiểu gì về dân, về thực tế cuộc sống không mà đưa ra tham mưu chính sách? Không lắng nghe dân và không có nhu cầu nghe dân nói… rốt cuộc, công việc của họ phục vụ ai?

Bản thân người viết không ít lần cảm thấy xót xa khi báo chí lại là địa chỉ để người dân trông cậy, là nơi nhận được những lá đơn kêu oan, kêu khổ đẫm nước mắt từ những địa phương xa xôi gửi đến. Trong đó, phần lớn đều trình bày “vì đã cầu cứu khắp nơi nhưng không có kết quả”.

Còn ở chiều ngược lại, thật ngạc nhiên thay, khi bức xúc của người dân đã được phản ánh trên mặt báo thì các vị lãnh đạo, đại diện cơ quan chức năng lại tỏ ra ngỡ ngàng vì “chưa nắm rõ thông tin”, “chưa nghe phản ánh” hoặc “sẽ yêu cầu các đơn vị cấp dưới kiểm tra, xác minh, làm rõ”…!

Họ không tiếp dân, vì không đủ thời gian, còn bận họp hay bận phải đi học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương khác, quốc gia khác? Vậy mới nói “quan liêu” đi cùng “quan cách”. Thói quen đó của một bộ phận cán bộ nhà nước mới dẫn tới những chính sách “trên trời”, những vụ oan khiên và cả những bất bình dồn nén trong lòng dân, hệ quả không lường hết được.

Cho nên câu chuyện hơn 5 năm không tiếp dân một ngày nào chẳng phải riêng gì các “quan Sở” ở Trà Vinh mà bất cứ tổ chức, cơ quan nhà nước nào cũng cần nhìn nhận lại.

Chính tiền thuế của nhân dân góp nên đã nuôi bộ máy, và việc lắng nghe, giải quyết công việc của dân là trách nhiệm của cán bộ, chứ không phải là để người dân phải chạy theo “xin” lãnh đạo sở ngành thời gian giải quyết theo kiểu “làm ơn”, “ban phát” và “bố thí”.

Nhớ rằng: “Đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân – Nguyễn Trãi”.

Theo Dân trí , ,

No comments:

Post a Comment