Cập nhật tin tức nóng hổi

Kết quả sau những lần tăng thuế, phí?

Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh mới đây vừa đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách xây 34 cổng thu phí ôtô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông nội đô. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận.
Kết quả sau những lần tăng thuế, phí?
Thành phố Hồ Chí Minh muốn lập chốt chặn thu phí xe vào nội đô

Trước đây, năm 2010 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã từng chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau đó dự án bị ngưng vì gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia và dư luận. Theo tờ trình, ITD đề xuất mức thu phí ôtô vào nội ô là 30.000 đồng một lượt đối với xe du lịch, 50.000 đồng với các loại xe còn lại và sẽ điều chỉnh tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí sẽ được thực hiện từ 6h đến 20h hàng ngày. Dự kiến, trong vòng hai năm sẽ có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu là hơn 1200 tỷ đồng.

Lần này, đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng cơ bản dựa vào đề xuất từ phía ITD. Tuy nhiên, đề xuất triển khai dự án theo hình thức đầu tư công – giao một đơn vị của thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, quản lý. Sau khi thực hiện xong dự án sẽ đấu thầu, thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách thành phố nhằm tránh dư luận phản đối tiêu cực.

Hiện, vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến phản biện trái chiều của dư luận. Đồng ý có, những phản đối và ngờ vực lại còn có nhiều hơn… Phần đông lo ngại đề xuất sẽ không giúp ích cho vấn đề giao thông mà có thể còn khiến ách tắc càng thêm ách tắc.

Chưa ai trả lời những câu hỏi

Người dân ngờ vực và không tin tưởng, ủng hộ với đề xuất thu phí xe ô tô vào trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, muốn giảm ách tắc giao thông thì phải giảm được số lượng phương tiện cá nhân. Nhưng, tăng thuế, phí lại không hề đồng nghĩa với việc giảm được lượng phương tiện. Cứ nghĩ rằng thêm phí thì người dân sẽ “sợ hãi” mà dùng phương tiện công cộng ư? Làm gì có gì để thay thế, mất tiền thì vẫn cứ phải chịu thôi…

Cần nhớ rằng, các đô thị lớn tại Việt Nam trong thời gian qua, điển hình là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh liên tục đề ra hàng loạt biện pháp đánh vào “túi tiền” của người dân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn là thứ rất mập mờ.

Liên tiếp trong một thời gian ngắn, phí trông giữ xe tăng lên gấp vài lần; thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên mức kịch khung;… đều với cái lý do hạn chế phương tiện cá nhân. Nhưng đến cuối thì có chiếc xe nào giảm đi không?

Ở đây, điểm đáng chú tâm là các cơ quan đề xuất tăng thuế, phí nói chung nhằm mục đích giảm thiểu phương tiện giao thông đều chỉ biết thực thi đề xuất mà chưa bao giờ “công bố kết quả”. Số tiền thu tăng thêm chưa từng được công khai hóa dùng vào việc gì mà chỉ là “tăng ngân sách” một cách chung chung. Sau khi thực hiện các đề án, không có bất kỳ một số liệu phân tích nào về xu hướng của cộng đồng, số lượng phương tiện cá nhân giảm thiểu, mức độ giảm ách tắc giao thông,… Mọi thứ chỉ dừng lại mơ hồ ở việc thu thêm, tăng thêm hay còn gọi là “tận thu”!

Quá vô lý khi người dân bị đem ra “thử nghiệm” qua hết lần tăng thuế, phí này đến lần tăng thuế, phí nọ còn các cơ quan đề xuất thì lại “vô thưởng, vô phạt”. Một đề án đưa ra nếu tốt thì cần được khen, nếu dở thì cần xử lý chứ sao lại “lặng im”? Làm việc mà chẳng rõ ràng thì bảo sao đường vẫn cứ tắc, còn thuế, phí thì vẫn mãi cứ tăng. Chẳng ai phục cho được!

Chính từ những câu hỏi không ai trả lời được, người dân dần mất niềm tin và thiếu thiện cảm với những đề xuất tăng thuế, phí. Đó là còn chưa kể đến sự ngờ vực về việc trục lợi phía sau. Đừng thắc mắc khi người dân mãi kêu, đừng thấy lạ khi đề án nào đưa ra cũng vấp phải phản đối.

Hãy công khai!

Quan điểm của người viết ở đây là không ngại tăng thuế, phí hay tăng cường thu thêm đối với các cá nhân sử dụng nhiều phương tiện cá nhân trong nội đô các đô thị. Tuy nhiên, đã có thu thì phải có chi. Phải công khai minh bạch các khoản thu và phải đánh giá được hiệu quả, tác động của các đề án, chính sách đã thực hiện.

Bất kể một vấn đề gì muốn thành công thì phải đúng và hợp lý với thực tiễn. Nếu làm mà không xem xét lại thì có làm thật nhiều cũng không chẳng được kết quả bao nhiêu.

Đề án, đề xuất nào cũng nói là học tập của châu Âu, châu Mỹ, của những nền kinh tế phát triển, nhưng quá trình thực thi lại chẳng giống ở các nước phát triển. Đã đến lúc cần khắc phục thiếu sót để thay đổi! , ,

No comments:

Post a Comment