Cập nhật tin tức nóng hổi

Trung Quốc: Nhất Quan Chức, Nhì Bang Hội

Đối với văn hóa Trung Quốc, quan hệ giữa người với người là nguồn gốc và biểu tượng của xã hội văn minh. Khác với Tây Âu, tôn giáo truyền thống của Trung Quốc thực dụng và bàn luận nhiều về “nhân quan” hơn là quan hệ giữa người với trời hay với các thánh thần.
Trung Quốc: Nhất Quan Chức, Nhì Bang Hội
Người Trung Quốc đề ra năm quy tắc cho “người” khi muốn hình thành mối quan hệ bền vững:

+ Tin tưởng lẫn nhau

+ Lòng tôn kính về đức độ, tài năng

+ Lòng trung thành theo thứ bậc

+ Sự hy sinh vì nhau trong lúc gặp khó khăn

+ Tinh thần chia sẻ quyền lợi cho nhau trong công bằng, hợp lý.

Tiếp theo năm quy tắc là sự sắp xếp các thứ bậc quan trọng trong quan hệ. Trước tiên là với chính quyền, quan chức, sau đó mới đến mối quan hệ gia đình, bang hội.

Nói về mối quan hệ với quan chức, năm 1980 tôi quen một anh bạn tên là Vincent Lo sống ở Hồng Kông. Trước khi lấy vợ, anh ta là một “dân chơi” đúng nghĩa, không thích làm ăn. Sau khi học ở Úc về, ông bố cho 10.000 đô la để mở một văn phòng giao dịch địa ốc chỉ với ba nhân viên vào năm 1971. Công việc kinh doanh cũng chẳng khả quan gì. Năm 1984, Vincent Lo qua Thượng Hải và chơi thân với một người tên Han Zheng. Sau 5 năm quen biết, đường sự nghiệp của Han cũng thăng tiến, anh được cử phụ trách kinh tế của thành phố Thượng Hải, rồi được đề bạt làm thị trưởng Thượng Hải. Nhờ mối quan hệ này, năm 1997, Vincent làm một khu vui chơi đầu tiên ở Thượng Hải tên là Xin Tian Di rất thành công. Anh sửa hơn 30 biệt thự cũ và cải tạo thành các nhà hàng sang trọng.

Sau thành công đó, anh ta cho xây dựng các cao ốc phía sau, rồi phát triển rộng ra nhiều khu vực khác ở Thượng Hải, rồi Trung Quốc. Hiện Công ty Shui On do Vincent Lo quản lý nằm trong top 20 công ty ở Hông Kông với giá trị tài sản khoảng 5 tỷ đô la. Sự gắn bó giữa Vincent và Han chặt chẽ tới mức, có thời gian Han được cử qua làm phó thị trưởng Trùng Khánh, thì Vincent Lo cũng đi theo và đầu tư hơn 1 tỷ đô la vào đây.

Ngoài chuyện quan hệ với quan chức lớn, thì mối quan hệ với chính quyền địa phương tại Trung Quốc, dù đó là cấp phường xã, cũng không thể thiếu. Bất cứ doanh nhân nào, dù kinh doanh một tiệm ăn nhỏ, nếu không quan hệ tốt với công an cấp phường, xã thì sẽ gặp nhiều rắc rối.

Trong khi tại Mỹ, trừ những công việc có liên quan sâu đậm đến chính phủ, phần lớn các doanh nhân Mỹ không bao giờ để ý đến việc phải có quan hệ với chính quyền. Đó là mối lo chỉ dành cho những nhà thầu làm cho chính phủ (government contractors) hay những công ty cần sự giúp đỡ hay bị kiểm soát bởi chính phủ. Tuy vậy, cũng không tránh được trường hợp những viên chức chính phủ cậy quyền để sách nhiễu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ.

Bên Mỹ, các cơ sở thực phẩm bị kiểm tra nhiều nhất, đặc biệt về vệ sinh, cứ khoảng 10 ngày một lần. Tôi có một gia đình người bà con qua định cư làm một siêu thị chuyên dành cho người châu Á. Thanh tra vệ sinh phụ trách khu vực là một anh “Mỹ trắng” rất khó chịu, nhất là với cộng đồng thiểu số. Chỉ cần phát hiện có một con gián là anh ta bắt đóng cửa để diệt cho bằng hết, tủ lạnh không đúng nhiệt độ cũng bắt ngưng bán… Gia đình này rất sợ, cứ khi anh ta đến là lại khúm núm. Một anh bạn khác của tôi làm siêu thị ở Texas cũng bị hành không kém. Có lần, một nữ thanh tra vệ sinh đến kiểm tra thì có con chuột rớt xuống trúng người. Bà ta sợ quá ngất xỉu. Hôm sau báo chí chạy đến đông nghẹt, cửa hàng phải đóng cửa một tháng. Nhưng thực ra, những trường hợp này chỉ là thiểu số, đều có hướng giải quyết nếu biết luật và quyền lợi của mình. Với chuyện siêu thị của người bà con tôi, thấy họ bị ép quá tôi bực mình kêu luật sư đòi khởi tố anh chàng thanh tra vì tội kỳ thị chủng tộc. Từ đó anh thanh tra người Mỹ bỗng lịch sự hẳn, không còn quá quắt như xưa.

Tuy nhiên, dù coi trọng quá đáng quan hệ với quan chức, nhưng thực sự, với doanh nhân Trung Quốc, không quan hệ nào bền chặt và quan trọng hơn là gia đình và bạn bè. Không như người Mỹ thường tránh việc làm ăn chung với gia đình bạn bè, đây lại là lựa chọn đầu tiên người Trung Quốc. Dù sao, họ đã quen sống trong hoàn cảnh phức tạp của đại gia đình và thích quây quần bên nhau, nên người Trung Quốc không cho những đụng chạm cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Vả lại, văn hóa truyền thống của Trung Quốc luôn có những xếp đặt thứ bậc cho các quan hệ, nên quyết định của người trên ít khi bị thách thức.

Theo Góc nhìn Alan
, ,

No comments:

Post a Comment