Cập nhật tin tức nóng hổi

Đau lòng vì kiểu “đào tạo gian manh, sự học gian dối”!

Không cần thi tuyển, không cần học thực tế, chỉ cần nộp cho trường số tiền khoảng 30 – 40 triệu đồng là được cấp văn bằng 2 (VB 2) hệ Đại học (ĐH) chuyên ngành Ngôn ngữ Anh chỉ sau 3-6 tháng, thậm chí chỉ sau 2 ngày chờ đợi. Điều không tưởng mà lại là sự thật nói trên vừa bị phanh phui tại ĐH Đông Đô (Hà Nội). Việc này giống như kiểu “đổ thêm dầu vào lửa” trong bối cảnh những “mảng tối” của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thời gian qua đang ít nhiều gây mất niềm tin trong dư luận.
Đau lòng vì kiểu “đào tạo gian manh, sự học gian dối”!
ĐH Đông Đô tiếp tục sai phạm trong đào tạo và tuyển sinh gây bức xúc dư luận

Đào tạo chui mà không phải chui

Suốt 3 năm liền (từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2019), một trường ĐH ở giữa Thủ đô ngang nhiên thông báo tuyển sinh VB 2 rầm rộ dù chưa được cấp phép, thực tế đã đào tạo “chui” khoảng 2.000 học viên, trao bằng “khống” cho khoảng 400 học viên (trong đó có cả vợ Hiệu trưởng ĐH Đông Đô Dương Văn Hoà) không cần tuyển sinh, thi cử.

Để thu hút học viên, Trường ĐH Đông Đô ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về lợi ích của việc học VB 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại trường này như được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đặc biệt, Trường còn giới thiệu sự ưu việt của việc theo học này bằng so sánh Văn bằng hai ngành Ngôn ngữ Anh “có giá trị vĩnh viễn trong thời gian công tác và học tập, trong khi các chứng chỉ tiếng Anh khác đều có thời hạn như B1, B2 khung tham chiếu Châu Âu (2 năm), TOEIC (2 năm), IELTS (2 năm)”.

Đào tạo chui hàng trăm sinh viên đã là chuyện lạ, bởi mang tiếng là chui, nhưng rõ ràng vụ việc rất công khai trên rất nhiều phương tiện, kể cả quảng cáo trên website của trường. Không chỉ vậy, chui không chỉ là không xin phép, mà trường này còn cho không ít thí sinh chỉ cần nộp tiền sẽ đậu đầu vào, thậm chí không cần học vẫn được cấp bằng xịn!! Có thể nói thẳng, bản chất vụ án này là mua bán bằng.

Vụ việc gây chấn động dư luận vì trong tháng 8/2019, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam, truy nã đối với một số lãnh đạo, cán bộ trường ĐH Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự.

Trong khi, theo nguyên tắc khi cấp chỉ tiêu, Vụ Giáo dục Đại học phải trình lên lãnh đạo Bộ quyết định cho phép trường đào tạo VB 2. Sau đó dựa vào hồ sơ năng lực của trường, Vụ Kế hoạch – Tài chính mới xem xét để quyết định phân chỉ tiêu đào tạo VB 2 cho trường đó.

Trường hợp này, “có thể Trường ĐH Đông Đô đã “bỏ qua” Vụ Giáo dục Đại học để trình lên Vụ Kế hoạch – Tài chính xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Trong quá trình duyệt, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã không làm hết trách nhiệm của mình, “lớt phớt” trong việc kiểm tra xem trường đã được cho phép đào tạo VB 2 hay chưa. Từ đó nên mới dẫn đến sai phạm này” – TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết.

ĐH Đông Đô đã cố tình “vượt mặt” Bộ giáo dục

Thật sự không ai có thể nghĩ rằng, việc tuyển sinh, đào tạo VB 2 chính quy được quảng cáo rầm rộ như vậy lại là đào tạo chui. Vậy, đây có phải là hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”? Dám mua bán bằng công khai như vậy, phải chăng lãnh đạo trường tự tin từ những “cái ô” nào đó chăng?

Nhưng lạ hơn nhiều là nếu ban đầu, dư luận chỉ biết việc đào tạo chui VB 2 tiếng Anh, thì đến nay báo chí phát hiện ra trường này đào tạo VB 2 chui tới 17 ngành. Và đã đào tạo được mấy năm liên tục mới bị cơ quan chức năng phát hiện ra. Đó là một sự giả mạo quá khủng!

Vấn đề mà dư luận thấy băn khoăn, khó hiểu ở chỗ, cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT trả lời báo chí rằng: “Bộ GD-ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB 2 của trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB 2…”. Và chính Bộ GD-ĐT cấp phôi bằng cho ĐH Đông Đô để trường này cấp bằng sai quy định nhưng lại nói rằng mình không quản lý việc in bằng.

Những lý lẽ, bằng chứng ghi nhận từ thực tế đang phản bác lại lập luận trên của Bộ Giáo dục. Cụ thể:

Năm 2017, theo Thông báo số 136 ngày 7/3/2017, do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) ký, đã xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo VB 2 chính quy năm 2017 của trường ĐH Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Nơi nhận của các thông báo này là trường ĐH Đông Đô, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Vào các năm 2015, 2016, trong Thông báo số 173 ngày 1/4/2015 và Thông báo số 68 ngày 24/2/2016 đều do Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Áng ký, cơ quan này cũng xác nhận về việc đăng ký 500 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 và 150 chỉ tiêu năm 2016 đối với hệ VB 2 chính quy của ĐH Đông Đô.

Cũng theo đại diện Bộ GD-ĐT, trong năm 2018, Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT do ông Phạm Xuân Hậu, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ làm Trưởng đoàn cùng 4 thành viên khác đã kiểm tra cam kết thành lập trường ĐH ngoài công lập năm 2018 tại Trường ĐH Đông Đô. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, trường đang đào tạo đại học VB 2 chính quy với 323 sinh viên.

Như vậy, trong suốt thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, Bộ GD-ĐT đã vô tình xác nhận chỉ tiêu đào tạo VB 2 cho Trường ĐH Đông Đô ngay cả khi trường này chưa được cấp phép. Và kể cả đến năm 2018, khi Thanh tra phát hiện ra những sai sót của trường, Bộ GD-ĐT vẫn không kịp thời xử lý.

Song song, theo quy định trước đó, Bộ GD-ĐT cho các trường được tự chủ in phôi bằng. Thế nhưng Văn phòng Bộ vẫn cung cấp phôi bằng cho trường ĐH Đông Đô vì ‘một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi văn bằng chứng chỉ, số lượng phôi văn bằng chứng chỉ ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ”. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ như các cơ sở in phôi văn bằng chứng chỉ khác.

Dù có nói sao đi nữa thì những sự việc trên cho thấy, có thể ĐH Đông Đô đã cố tình “vượt mặt” Bộ để thực hiện sai phạm. Nói như TS Lê Viết Khuyến thì “có thể Trường ĐH Đông Đô đã “bỏ qua” Vụ Giáo dục Đại học để trình lên Vụ Kế hoạch – Tài chính xin xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh. Có điều, với tư cách là Bộ chủ quản có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước thì Bộ Giáo dục phải hứng chịu “gạch đá” từ dư luận vì “đứa con hư-ĐH Đông Đô” cũng là lẽ đương nhiên.

Những sai phạm trong tuyển sinh và đào tạo của ĐH Đông Đô không phải là lần đầu tiên. Nó gây bức xúc dư luận vì sự học gian dối, đào tạo giáo dục kiểu gian manh, tạo hệ lụy lớn cho xã hội. Đồng thời, nhận sự chuyện lùm xùm của ĐH Đông Đô, đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần xem lại quy trình thanh tra, kiểm tra hiện nay. Việc thanh tra không sát sao, kỹ càng, rất có thể xử lý từ trường hợp này sẽ lại “lòi” ra sai phạm ở chỗ khác thì sao!

No comments:

Post a Comment