Nhiều gia đình khó khăn, muốn vươn lên thoát cảnh nghèo khó mà đã chấp nhận cho con mình lấy chồng Hàn Quốc, tuy nhiên giấc mơ đổi đời của các cô dâu Việt không phải lúc nào cũng hạnh phúc trong tưởng tượng.
Hằng, 28 tuổi, quê Hải Phòng, lấy chồng người Hàn Quốc hai năm trước. Cô tìm đến người môi giới qua Internet, và người này cho cô xem ảnh, thông tin, tuổi tác và thu nhập của một số đàn ông Hàn Quốc.
“Profile” (hồ sơ) của Hằng (đã được đổi tên) được người môi giới chuyển cho một mạng lưới môi giới lớn hơn. Nếu thích profile của nhau, cô và họ sẽ chat qua Facebook hoặc KakaoTalk, vận dụng cả các app dịch thuật như Google Translate và Papago.
Các lợi ích như “đi tất cho chồng”, “ngoan ngoãn ở nhà”, “nấu ăn giỏi”, “chăm sóc, nấu ăn cho chồng và mẹ chồng” được các kênh “lăng xê” trên YouTube, mời gọi người tìm vợ ở Hàn Quốc.
Hình ảnh cô được người chồng tương lai tìm thấy, người đang làm việc văn thư tại một công ty nhỏ ở Hàn Quốc và cũng nhờ môi giới tìm vợ nước ngoài. Không lâu sau, ông tới Việt Nam và họ làm đám cưới chỉ một ngày sau lần đầu gặp mặt, theo một bài viết mới đây trên tạp chí Sisa IN (Hàn Quốc).
Đến nay, đã sống ở Hàn Quốc một năm, cô biết về những vụ bạo hành gia đình xảy đến với một số cô dâu Việt Nam, gần đây nhất là vụ chồng Hàn đánh vợ Việt trước mặt con trai hai tuổi suốt 3 giờ vào đầu tháng bảy, gây rúng động dư luận cả hai nước.
Một số bạn cô cũng lấy chồng Hàn Quốc đang sống tốt, nhưng đồng thời “một số bạn cùng quê tôi đã ly hôn. Tôi biết có những rủi ro, và tôi đã may mắn tìm được người chồng tốt”, Hằng nói.
Dù vậy, Hằng không chắc là sẽ khuyên người khác làm như mình. Ban đầu, cô tưởng rằng người môi giới ở Hải Phòng đã tìm chồng cho cô, nhưng hóa ra đó là một mạng lưới môi giới hôn nhân quốc tế phức tạp.
“Lúc ấy, tôi không biết có hệ thống môi giới phức tạp như vậy. Nếu phức tạp như vậy, tôi khó mà khuyên người khác cũng tìm đến môi giới”, Hằng trả lời Sisa IN.
Môi giới nói dối vì lợi nhuận
Bài viết mới đây trên Sisa IN, một trong những tuần san về tin tức hàng đầu ở Hàn Quốc, nhận định cách hoạt động của các cơ sở môi giới hôn nhân có thể dẫn đến những kết cục không có hậu.
Bên trả tiền chủ yếu cho môi giới là đàn ông Hàn Quốc, vì vậy, các công ty sẽ tập trung làm hài lòng khách hàng chính của mình. Hằng trả 15 triệu đồng cho người môi giới của cô, còn chồng cô trả 17 triệu won (14.000 USD) cho một công ty Hàn Quốc.
“Chủ yếu mục đích của họ là kiếm tiền”, bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện Trung tâm Tư vấn Phụ nữ Nhập cư Seoul, nói với PV. “Nhiều khi người ta (môi giới) nói dối để đạt được mục đích cho hai bên lấy nhau nhằm kiếm tiền môi giới”.
“Nhiều trường hợp, môi giới nói chồng làm lương cao và có công việc thế này, thế kia, nhà cửa ổn định, sang bên này hoàn toàn không thế”, bà Hiền, người trực tiếp nghe chuyện của các cô dâu Việt ở Seoul, cho biết.
Chồng Hàn Quốc say xỉn và đánh đập người vợ Việt Nam trước mặt đứa con trai hai tuổi ngày 4/7, gây phẫn nộ dư luận hai nước.
Bùi Thị Hương, 32 tuổi, tìm đến môi giới để lấy chồng Hàn cách đây 10 năm. “Đi tuyển xong, nó chụp hình mình rồi đưa lý lịch cá nhân lên một trang mạng. Khi có mối, tức mấy người rể Hàn về thì họ gọi đi xem”, chị nói với PV, và cho biết thêm nếu ưng thì đám cưới có thể chỉ “hôm sau hoặc hôm sau nữa”.
“Lúc thì rể về Hải Phòng, lúc thì về Hải Dương, môi giới bảo đi đâu thì đi theo thôi… Đến một khách sạn hoặc nhà hàng, xem mặt như cuộc nói chuyện bình thường, hỏi tên tuổi, ở đâu, gia đình thế nào, chủ yếu nghe qua lời người ta phiên dịch”, Hương nói tiếp. “Ưng thì mình ở lại, không ưng thì mình ra ngoài. Hai bên đồng ý thì mới cưới. Mỗi lần (rể Hàn) sang khoảng 4-6 người, còn cô dâu thì mỗi lần khoảng 20-30 người, gấp mấy lần”.
Chị đồng tình với ý kiến của bà Hiền rằng đây là giai đoạn mà “nhiều” công ty môi giới nói sai sự thật. “Nói đúng sự thật cũng có nhưng mà ít”, Hương nói. “Lương 1 triệu won (830 USD) nói dối thành 1,5-2 triệu won. Nghề nghiệp cũng biến thành chức cao một tí. Nhiều trường hợp ly hôn rồi, nhưng không nói là tái hôn… cũng tùy môi giới, nhưng chủ yếu là nói quá lên”.
Về chồng của Hương, môi giới nói ông ở nhà chung cư và có mảnh đất riêng, nhưng hóa ra việc có đất là không đúng. Lương của chồng thì môi giới nói thật. Sau này khi nói chuyện với chồng, chị kết luận môi giới cố tình dịch sai, nói quá lên.
“Mấy bạn mình (cũng sang Hàn làm cô dâu) có đứa tưởng có nhà xong nhận ra không phải, vẫn ở nhà thuê… nhưng chỉ một trường hợp ly hôn, còn đâu vẫn sống tốt”, Hương chia sẻ. Nhưng chị cho rằng nguyên nhân chính khiến bạn chị ly hôn là do chồng cư xử tệ, không nằm ở khâu môi giới.
Gia đình một cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, người nói rằng cô có một cuộc sống tốt ở Gwangju, Hàn Quốc.
Coi thường phụ nữ
Điều gây bức xúc hơn khi trong đoạn phóng sự đó, người ta được biết thêm về nội dung trao đổi giữa những người đàn ông tìm vợ và bên môi giới. Họ nói về những tiêu chí chọn vợ theo cách trần trụi và thô thiển như đang bàn về các món hàng. Ở đó, chuyện “còn trinh” hay “mất trinh”, chuyện “ngoan” hay “không ngoan” đều được mang ra cân đo đong đếm.
Theo tờ Hankyoreh, đạo luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2007 yêu cầu bên môi giới tuân thủ quy định sắp xếp hôn nhân tại các khu vực pháp lý địa phương và cấm quảng cáo buôn bán người hoặc vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, nội dung luật này không tập trung vào việc bảo vệ quyền con người của các cô dâu.
Khi các điều bổ sung của đạo luật năm 2007 cấm giới thiệu nhiều cô gái cùng một lúc, các công ty môi giới tiếp tục chuyển qua YouTube.
Liên minh Công dân vì truyền thông dân chủ, một tổ chức giám sát truyền thông tại Hàn Quốc, trong một báo cáo đầu tháng 8-2019 cho biết họ đã thực hiện khảo sát trên 25 kênh của các công ty môi giới hôn nhân trên YouTube. Trong 6 tháng đầu năm, các kênh này đăng tải 4.515 video và nhóm khảo sát đã theo dõi ngẫu nhiên 518 video. Kết quả theo dõi 518 video này cho thấy việc chọn vợ qua ngoại hình thể hiện rõ sự coi thường phụ nữ và trái luật môi giới hôn nhân Hàn Quốc.
Trong khi đó, Đài IMBC khảo sát 500 quảng cáo trên YouTube và nhận thấy 4/10 công ty môi giới quảng cáo phụ nữ Việt Nam như món hàng.
Cưới chóng vánh, biết thông tin về chồng muộn
Các cuộc kết hôn như của Hằng và Hương thường qua các giai đoạn: chat qua mạng để tìm người, gặp mặt ở Việt Nam, rồi đến đám cưới – được tổ chức sớm nhất có thể. Sau đó, các cô dâu ở lại Việt Nam học tiếng Hàn căn bản để xin visa diện kết hôn. Trong thời gian đó, một số chồng Hàn Quốc cho họ tiền sinh hoạt phí, học tập.
Hương làm đám cưới chỉ vài ngày sau khi gặp chồng, đi du lịch 3-4 ngày rồi về nước để học tiếng Hàn. “Bây giờ khó hơn ngày xưa, phải học TOPIK, thi đạt mới được cấp visa… hồi xưa mình học 6 tháng, nhưng biết một tí để đấy thôi, sang đây phải làm lại từ đầu”, chị nói với PV.
Theo Sisa IN, vấn đề nằm ở chỗ họ biết thông tin về nhau khá muộn. Chỉ sau khi nhận được visa, nhiều người mới biết về lịch sử hôn nhân hoặc tiền án. Khác với khách hàng Hàn Quốc, các cô gái Việt Nam dường như bị “trói buộc” bằng khoản tiền phạt. Nếu có vấn đề nảy sinh, đàn ông Hàn Quốc có thể đòi hỏi quyền lợi từ môi giới, còn cô dâu Việt sẽ phải trả tiền phạt.
Người môi giới của Hằng đưa ra mức phạt tới 100 triệu đồng. Các cô dâu sẽ phải trả khoản tiền đó nếu thay đổi ý định kết hôn, ngay cả nếu họ phát hiện chồng mình có tiền án. Nếu không đủ tiền trả, họ có thể đành phải kết hôn hoặc cố tình trì hoãn visa để chồng Hàn Quốc bỏ cuộc.
“Có bạn này đi qua môi giới, phải đặt cọc 20 triệu, công ty môi giới bắt ký hợp đồng phải ở với chồng ba tháng thì mới trả khoản đặt cọc”, bà Hiền kể với PV. “Nhưng kết cục là không sống được với chồng, nên bạn ấy nhờ anh chồng nói với công ty môi giới là vẫn chung sống. Lúc đầu chồng đồng ý, nhưng sau đổi ý nên khoản tiền đó bạn kia không lấy lại được”.
Một nhóm vận động thông qua luật chống phân biệt đối xử tổ chức họp báo tại quảng trường Gwanghwamun ở Seoul ngày 12/9/2017.
Môi giới chuyển hướng dùng YouTube, Instagram
Trước đây, đàn ông Hàn Quốc thường đến Việt Nam để gặp cùng một lúc nhiều cô gái, như lời kể của Hương. Nhưng dư luận Hàn Quốc đầu những năm 2000 dần phản đối và coi hình thức này là vô nhân đạo, hướng sự chú ý đến tỷ lệ ly hôn 20% của chồng Hàn – vợ Việt.
Xu hướng thương mại hóa môi giới hôn nhân vẫn phát triển, và đến năm 2012, các điều bổ sung Luật Môi giới Hôn nhân nước này cấm giới thiệu nhiều cô gái cùng một lúc, đồng thời buộc công ty môi giới ở Hàn có vốn tối thiểu 100 triệu won (83.000 USD).
Các công ty sau đó chuyển hướng sang dùng YouTube, Instagram hay KakaoStory và khách Hàn vẫn có thể “xem mặt” một lúc nhiều người và chọn người ưng ý nhất.
Khảo sát đầu tháng này của Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ, nhóm chuyên giám sát truyền thông ở Hàn Quốc, cho thấy các công ty này đang tạo ra hàng nghìn video quảng cáo các cô gái trẻ Việt Nam “như các món hàng” trên YouTube, với tổng cộng hàng triệu lượt xem, có thể khiến đàn ông Hàn Quốc có thái độ coi rẻ, trông chờ sự phục tùng, ngoan ngoãn.
Trong 7 tháng từ ngày 1/1 đến 10/7, 25 kênh YouTube công ty môi giới được khảo sát đã đăng tải 4.515 video quảng cáo cô dâu ngoại quốc. Ảnh: Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ.
“Gái Việt Nam tuyệt đối không bỏ trốn”
Bà Hiền cũng cho rằng với việc quảng cáo tràn lan như vậy, cô dâu Việt “sẽ bị coi thường”.
“Những quảng cáo đó tạo nhận thức trong người Hàn coi thường các cô dâu Việt Nam như món hàng bỏ tiền ra mua về”, bà Hiền nói với PV. Nhiều người chồng và mẹ chồng “cảm thấy mất bao nhiêu tiền như thế, về nhà họ có thể làm gì họ muốn, coi như người giúp việc, thậm chí xâm phạm về tình dục”.
Bà Hiền cho biết tình trạng quảng cáo tràn lan đã diễn ra được vài năm nay. “Trước đây, còn quảng cáo qua băng rôn treo ngoài đường, ghi ‘gái Việt Nam tuyệt đối không bỏ trốn’. Cách đây vài năm, các cơ quan, đoàn thể về nhân quyền cho phụ nữ di trú, gồm cả trung tâm mình có lên tiếng yêu cầu gỡ bỏ các băng rôn đó”.
Từ năm 2011 tới tháng 5/2019, số lượng công ty môi giới ở Hàn Quốc giảm bốn lần từ 1.519 xuống 382, đa số thuộc loại nhỏ, theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình nước này. 49,1% các công ty có ít hơn 50 triệu won (41.400 USD) doanh thu năm 2016, số nhân viên trung bình là 2,4 người. Từ năm 2014-2016, 45,6% công ty môi giới được 4 cặp, 27,6% môi giới được 5-9 cặp. Với các cơ sở nhỏ như vậy, mỗi khách hàng là nguồn thu lớn.
Ahn Myung Ae, nhân viên tư vấn ở Trung tâm Hỗ trợ Người nước ngoài Suwon nói với Sisa IN rằng trong quá khứ các công ty môi giới tại Hàn Quốc và Việt Nam thường hợp tác với nhau tìm các mối hôn nhân. Nhưng gần đây, nhiều bên kết nối trực tiếp với đối tượng (người tìm vợ hoặc chồng) để cắt các bước trung gian, tăng lợi nhuận, vận dụng các công cụ online.
Trang chủ một công ty môi giới hôn nhân.
Nhưng sự thay đổi này không đảm bảo thông tin về các chàng rể, nàng dâu được chính xác. “Rõ ràng là phương thức liên hệ trực tiếp với đối tượng (được môi giới) như hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ”, đại diện của hội kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc nói.
“Người được môi giới (phụ nữ) dễ bị rơi vào tình huống xấu”, nếu lựa chọn môi giới không đáng tin cậy. Các đơn vị được cấp phép ở Hàn Quốc buộc phải có một số giấy tờ theo quy định, còn một số đơn vị không đăng ký kinh doanh môi giới sẽ rút gọn các quá trình.
Song Ran Hui, phụ trách Korea Women’s Hot Line (Đường dây nóng Phụ nữ tại Hàn Quốc), cho rằng trong nhiều cuộc hôn nhân qua hệ thống môi giới, cô dâu ngoại quốc bị coi như món hàng để sở hữu và kiểm soát. Theo bà, mong muốn kiểm soát bạn đời (món hàng đã mua được) có thể dễ tới hành vi bạo lực.
Con sâu làm rầu nồi canh?
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-8, bà Lê Thị Anh Thư – giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc – cho rằng mô hình hoạt động của một số dịch vụ môi giới hôn nhân như trong phóng sự điều tra của Đài IMBC chỉ là thiểu số, hoặc nói rõ hơn đó chỉ là kiểu dịch vụ do những người thiếu một nền tảng văn hóa điều hành.
Theo bà Thư, những kiểu môi giới phi văn hóa và xúc phạm nhân phẩm người khác như vậy đã có từ nhiều năm trước, song bây giờ đã giảm rất nhiều. Tại Hàn Quốc, văn hóa mai mối hôn nhân đã có từ lâu.
Ngay trong một gia đình người Hàn Quốc là bạn của bà Thư, người mẹ cũng chủ động định hướng cho con trai nên lấy vợ nước ngoài để phát triển kinh tế sau khi thấy rất nhiều phụ nữ Việt Nam đảm đang, thành đạt khi kết hôn, định cư tại Hàn Quốc.
Và đó là lý do để các dịch vụ mai mối hôn nhân, đặc biệt là mai mối hôn nhân trực tuyến, phát triển mạnh trong những năm qua tại Hàn Quốc. Theo bà Thư, giới thiệu hôn nhân là dịch vụ kinh doanh hợp pháp tại Hàn Quốc. Họ có giấy phép đăng ký hoạt động và có nghĩa vụ đóng thuế như mọi hoạt động kinh doanh khác.
Ngoài ra, việc đăng hình ảnh và thông tin cá nhân của ai đó, nếu được sự đồng ý của họ, thì cũng là chuyện hợp pháp tại Hàn Quốc. Do đó, chưa thể khẳng định ngay những trang web trong điều tra của Đài IMBC có hành vi vi phạm.
Theo bà Thư, tại Hàn Quốc hiện có nhiều dịch vụ mai mối hôn nhân hoạt động văn minh, lành mạnh, song không phải cô gái Việt Nam nào cũng biết để “chọn mặt gửi vàng”. Hoặc cũng có những trường hợp, dù không nhiều, biết nhưng vẫn chấp nhận để được quảng cáo.
Bà Thư cho biết về tình trạng quảng cáo, môi giới hôn nhân có vấn đề, các tổ chức nhân quyền đã nhiều lần phản đối. Riêng Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, trong những lần diễn ra các sự kiện cấp cao cũng như những dịp có điều kiện bày tỏ quan điểm, trung tâm đều đã gửi thư đệ trình, kiến nghị Chính phủ Hàn Quốc có chính sách, biện pháp bảo vệ tốt hơn nhân phẩm cho phụ nữ Việt, truy quét các cơ sở môi giới hôn nhân có hành vi vi phạm nhân quyền, phẩm giá con người.
Hồng Anh (Tổng hợp) Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment