Ông Nguyễn Khánh Quang – Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thông tin trên tại buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Hải quan làm gì để chống buôn gian lận xuất xứ hàng hóa?”.
Lô hàng giày Topper xuất đi từ cảng Xiamen (Trung Quốc) nhưng mác lại ghi “Made in Vietnam”
Buổi giao lưu trực tuyến do Tổng cục Hải quan phối hợp Báo Hải quan tổ chức sáng nay (10.9).
Hàng trăm tấn hàng hóa từ Trung Quốc về ghi sẵn “Made in Vietnam”
Ông Nguyễn Quang Khánh thông tin, mới đây, hải quan phát hiện 4 xe tải vận chuyển 1 lô hàng lớn khoảng 100 tấn gồm quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, điện gia dụng từ phía bắc vào tiêu thụ. Toàn bộ có xuất xứ Trung Quốc, nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí có sản phẩm còn ghi rõ là sản xuất tại quận Hà Đông (Hà Nội) với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.
Lô hàng khai gốm đất nung nhưng bên trong là nhôm phế liệu bị phát hiện tại cảng Cát Lái
Ngoài ra, một số vụ nhỏ lẻ tráo xuất xứ khác như trường hợp Công ty cổ phần xây dựng và điện tử Sơn Tùng, trụ sở tại quận Tân Phú, TP.HCM, ghi hàng loa là “Made in Vietnam” nhưng thực chất là Trung Quốc. Hiện doanh nghiệp này đang bị đề nghị khởi tố vụ án hình sự. Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Thành Quý và Công ty TNHH thương mại Aeolus Henan, đã nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về, qua kiểm tra phát hiện 2.880 bút bi ghi nhãn hiệu Thiên Long, 438 bộ tay nắm khóa cửa Huy Hoàng, 287 dòng hàng không khai báo hải quan nghi vấn hàng giả nhãn mác. Hiện nay đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật. Tương tự, Công ty TNHH H.T (TP.HCM) khai báo nhập 6 container gạch ốp lát không tráng men, mới 100%, xuất xứ Trung Quốc. Qua kiểm tra phát hiện trên bao bì sản phẩm thể hiện chữ “Made in Vietnam” nhãn hiệu ROYALGRESPORCELANTATO, sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngoài ra, cơ quan hải quan đang xác minh làm rõ nghi vấn việc đưa hơn 1 triệu tấn nhôm hình, có C/O Trung Quốc gửi hàng kho ngoại quan ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có dấu hiệu lẩn tránh xuất xứ…
Quản lý cấp C/O còn lỏng lẽo
Ông Âu Anh Tuấn – quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) nhận xét, quy tắc xuất xứ đối với một số mặt hàng còn lỏng lẻo, việc kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O còn chưa chặt chẽ.
“Có tình trạng doanh nghiệp nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ… nhưng hồ sơ xét cấp C/O vẫn lọt. Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đã có văn bản cảnh báo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương về thực trạng này, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”, ông Tuấn nói.
Nhiều hàng hóa nhập lậu bị cơ quan hải quan phát hiện trong thời gian qua
Thông tin tại buổi giao lưu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, hiện cơ quan hải quan đang tập trung lực lượng tiến hành điều tra sâu với gian lận xuất xứ trong một số ngành hàng: thép, gỗ, hải sản, xe đạp, pin năng lượng… Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo rà soát các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm linh kiện, bộ phận, bán thành phẩm để về lắp ráp đơn giản thành sản phẩm nguyên chiếc rồi lấy xuất xứ Việt Nam. Thậm chí, nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc chỉ thay bao bì “hô biến” thành hàng sản xuất tại Việt Nam.
Liên quan đến kết nối thông tin doanh nghiệp xuất hàng tại hải quan và đơn vị cấp C/O, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan thông tin, các tổ chức cấp C/O là Bộ Công thương và VCCI có thể tra cứu thông tin tờ khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ cấp C/O, đối chiếu giữa thông tin trên tờ khai hải quan và thông tin khai báo hồ sơ xin cấp C/O để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, tham gia tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Khánh Quang – Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng thừa nhận quy định pháp luật về xuất xứ chưa thật cụ thể, chưa bao quát và chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Thứ nữa, với các vi phạm về sở hữu trí tuệ, hiện cơ quan hải quan khá bị động, bởi hải quan chỉ là đơn vị thụ lý, xem xét giải quyết các vụ việc nghi vấn khi có đơn và tiền đặt cọc của chủ sở hữu chứ chưa được chủ động phát hiện và đấu tranh.
Nguyên Nga/ Thanh Niên Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment