Tuyến cao tốc dài hơn 98 km nối Cam Lộ (Quảng Trị) với La Sơn (Thừa Thiên Huế) có tổng mức đầu từ gần 7.700 tỷ đồng, sẽ khởi công ngày 16/9.
Phối cảnh cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải
Cao tốc Cam Lộ – La Sơn nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam, đi qua 9 huyện, thị của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Giai đoạn đầu, tuyến cao tốc này có quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m; giai đoạn hoàn chỉnh, toàn tuyến quy mô 4 làn xe.
Cùng với đoạn La Sơn (Thừa Thiên Huế) – Tuý Loan (Đà Nẵng) sắp hoàn thành, dự án trên sẽ tạo thành tuyến cao tốc ở miền Trung, nối Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc xây dựng cao tốc Cam Lộ – La Sơn là cấp bách, đáp ứng yêu cầu vận tải đường bộ chất lượng cao, trong khi tuyến quốc lộ 1A chạy song song bị hạn chế về tốc độ khi qua đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn hiện đang trong thời gian thực hiện nhiều gói thầu trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Được biết ban Quản lý Dự án Đường Hồ Chí Minh (bên mời thầu – BMT) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu XL2 Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km15 000 – Km26 500 thuộc Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ – La Sơn thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Gói thầu XL2 được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 13/6 – 3/7/2019. Có 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 – Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam (Liên danh Trường Sơn – Xây dựng và Thương mại 68 – Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168); Công ty CP Tập đoàn CIENCO4; Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng; Liên danh Tổng công ty Sông Đà – Tổng công ty Thăng Long – Công ty CP FECON (Liên danh Sông Đà – Thăng Long – FECON).
Theo BMT, Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 và Liên danh Sông Đà – Thăng Long – FECON trượt thầu ở bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, do không đạt về phần năng lực của nhà thầu. Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng và Liên danh Trường Sơn – Xây dựng và Thương mại 68 – Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 vượt qua bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, và bước vào phần đánh giá về tài chính.
Kết quả cuối cùng là Liên danh Trường Sơn – Xây dựng và Thương mại 68 – Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 trúng thầu, với giá trúng thầu là 619,284 tỷ đồng (giảm khoảng 4,954 tỷ đồng so với giá gói thầu).
Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, 2 thành viên trong Liên danh nhà thầu trúng thầu (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68) hiện đang trong thời gian thực hiện nhiều gói thầu lớn khác có giá trúng thầu hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (với vai trò là nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh) đang thực hiện một số gói thầu như: Gói thầu số 17 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị cụm công trình đầu mối thuộc Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình, với giá trúng thầu là 608,270 tỷ đồng; Gói thầu Thi công xây dựng công trình (đoạn từ Km22 000 đến Km32 169,70) thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 782 – Đường tỉnh 784 (từ ngã ba tuyến tránh Quốc lộ 22 đến ngã tư Tân Bình, Tây Ninh), với giá trúng thầu là 203,988 tỷ đồng; Gói thầu số 04-XL Xây lắp cụm công trình đầu mối thuộc Dự án Hồ chứa nước Ea H’leo 1, tỉnh Đắk Lắk, với giá trúng thầu là 412,556 tỷ đồng…
Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 (với tư cách nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh) cũng đang trong thời gian thực hiện một số gói thầu như: Gói thầu CT3-PW-1.3 Thi công kè sông Cần Thơ từ Km3 000 đến cuối tuyến Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, với giá trúng thầu là 128,256 tỷ đồng; Gói thầu Xây lắp từ Km0 00 đến Km2 422,99 thuộc Dự án Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), với giá trúng thầu là 219,287 tỷ đồng; Gói thầu Xây lắp và thí nghiệm cọc thuộc Dự án Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tại địa điểm mới), với giá trúng thầu là 292,220 tỷ đồng…
Đối với thành viên còn lại của Liên danh là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam, theo dữ liệu của Báo Đấu thầu trong 2 năm 2016 và 2017, nhà thầu này đã được công bố trúng 2 gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong đó gói lớn nhất có quy mô hơn 12,1 tỷ đồng. Ngoài ra, theo nguồn tin của Công ty, trong những năm qua, nhà thầu đã thực hiện một số gói thầu xây lắp ngành giao thông quy mô lớn. Đó là gói thầu xây dựng XDCT01: Thi công xây dựng đường cao tốc từ Km0 000- Km8 000, bao gồm cả nút giao Minh Khai , nút giao Việt Hưng, thuộc Dự án đường Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT với giá trị hơn 542,924 tỷ đồng. Chủ đầu tư Dự án này là Công ty CP BOT Biên Cương. Gói thầu có quy mô lớn tiếp theo là Gói thầu số 7&8: Thi công xây lắp đoạn Km1257-Km1265 thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1212 400-Km1265, tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên theo hình thức hợp đồng BOT với giá trị hợp đồng hơn 182,384 tỷ đồng. Chủ đầu tư Dự án này là Công ty CP Đầu tư BOT Bình Định.
Tùng Lâm Giao thông , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment