Mới đây, ngày 21/9/2019, Tổng Cục Quản lý đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng TP Đà Nẵng liên quan đến vấn đề 21 lô đất ven biển trên địa bàn đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp người Trung Quốc làm chủ.
Người Trung Quốc lách luật để mua đất ven biển ngày càng nhiều
Câu chuyện người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất ven biển đã có từ lâu, không riêng gì địa phương này, mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Thậm chí, đất vườn, đất ở nông thôn người Trung Quốc cũng có, xung quanh những khu công nghiệp cũng có… Họ đã thông qua người Việt và kết hôn giả, vợ/chồng hờ, chưa kể có sự thông đồng tiếp tay của cán bộ thực thi pháp luật.
Ngoài chuyện mua đất, sở hữu đất, người Trung Quốc đang tạo ra những ác cảm nhất định cho người Việt Nam với hàng loạt việc làm thị phi. Ví như: 3 người Trung Quốc đánh cắp dữ liệu thẻ ATM của hàng trăm khách hàng tại Nghệ An bị công an bắt giữ. Đến việc hàng trăm người Trung Quốc với các thiết bị máy tính viễn thông vận hành hệ thống đánh bạc lên đến 12.000 tỉ đồng bị phát hiện tại TP Hải Phòng hồi tháng 7 vừa qua.
Khu vực xung quanh sân bay Nước Mặn được cho là có đến 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên trên “sổ đỏ”
Hay, Bộ Công an bắt giữ 08 đối tượng có hành vi sản xuất ma túy tại Kon Tum ngày 9/9, thu giữ 20 tấn máy móc thiết bị sản xuất ma túy, hàng chục tấn hóa chất, tiền chất ma túy. Mới đây nhất, cộng đồng phẫn nộ trước tin nhóm người Trung Quốc lôi kéo trẻ em Việt “đóng phim người lớn”. Cơ quan Cảnh sát điều tra Đà Nẵng đã bắt tạm giam nhóm 5 người Trung Quốc để điều tra vào ngày 17/9/2019.
Điểm chung của các vụ án này là người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng lại không xử theo luật pháp Việt Nam.
Thế nên, trở lại với câu chuyện nhiều khu đất vàng nằm trong tay người Trung Quốc, người dân (cử tri) TP Đà Nẵng phản ảnh rất bức xúc là đúng, còn chính quyền thành phố phản ứng trước tình trạng đó như thế nào? Cơ quan pháp luật Đà Nẵng vào cuộc ra sao? Đó lại là vấn đề khiến cho dư luận ít nhiều phải suy nghĩ.
Phía đại diện chính quyền Đà Nẵng cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng 21 lô đất ven biển hiện nay là đúng theo quy định của pháp luật. Đúng là, đối với 21 lô đất mà doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm quyền sử dụng ở Đà Nẵng mặc dù về Luật Đầu tư 2014 là không sai nhưng vấn đề ở đây là các quy định về việc chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Những người Trung Quốc này đã lách luật bằng cách nhờ người Việt đứng tên, hoặc góp vốn, mua cổ phần rất nhỏ tại các doanh nghiệp hoặc các dự án của người Việt làm chủ. Sau đó, nhiều người Trung Quốc đã có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam.
Quy định về nhà ở của Việt Nam năm 2014 quy định người nước ngoài chỉ được mua một căn nhà và phải chứng minh được đầy đủ các loại thủ tục theo yêu cầu. Sau đó họ thành lập công ty, doanh nghiệp trên danh nghĩa liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc. Do quy định của luật pháp, doanh nghiệp nước ngoài không được sở hữu quá 51% cổ phần, do đó, thông thường các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nắm giữ tỉ lệ 49%, phía doanh nghiệp trong nước nắm giữ tỉ lệ 51%.
Luật quy định không sai nhưng xét về bản chất là có vấn đề
Bởi khi doanh nghiệp Việt mua đất thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Có được quyền sở hữu đất, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào và sẵn sàng làm lỗ luôn sau đó sẽ đứng ra mua lại toàn bộ cổ phần rồi nghiễm nhiên trở thành sở hữu 90 – 100%, như trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores – doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên thực hiện dự án Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Hoàng Đạt, với 100% vốn nước ngoài.
Và khi đã nắm cổ phần chi phối, người Trung Quốc đương nhiên giữ chức chủ tịch HĐQT và có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên hiển nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Đây là kẽ hở của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư nước ngoài cần phải được chấn chỉnh.
“Không thể giải thích một cách ráo hoảnh rằng việc cấp giấy chứng nhận trên là đúng quy định của pháp luật được, giải thích như vậy là thiếu trách nhiệm. Vấn đề ở đây là quy trình, trách nhiệm quản lý tại địa phương. Nên nhớ, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua nhà, không được thực hiện giao dịch BĐS ngoài biên giới.
Việc này đồng nghĩa với chuyện người nước ngoài chỉ được góp vốn, không được chuyển nhượng quyền sở hữu đất. Nếu căn vào các quy định của pháp luật, việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho doanh nghiệp Trung Quốc của Đà Nẵng là thiếu chặt chẽ, chủ quan, còn buông lỏng”, PGS Nguyễn Quang Học phân tích.
Với 20 lô đất còn lại là dự án biệt thự dọc tường rào sân bay Nước Mặn (đất ở chia lô), PGS Nguyễn Quang Học cũng cho biết, đây lại là một hình thức biến tướng, lách luật để được sở hữu đất của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quy định của luật đất đai cũng không cho phép người nước ngoài tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tại Việt Nam, theo đó, việc tham gia đấu giá chỉ có người trong nước.
Sau khi các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trong nước được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến liên kết, góp vốn theo hình thức cổ phần, sau đó mua lại, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
“Về nguyên tắc, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ cho phép với các doanh nghiệp trong nước, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài.
Hơn nữa, những lô đất này cùng nằm trên một dải đất ven biển thuộc khu vực gần sân bay quân sự Nước Mặn, khu vực được xem là vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc một doanh nghiệp mà thực hiện quyền mua bán, sáp nhập với 20 cá nhân, chủ sở hữu của 20 lô đất khác nhau mà chính quyền địa phương không phát hiện có bất thường là vô lý, là thiếu trách nhiệm.
Đáng ra, ngay khi doanh nghiệp thực hiện giao dịch, chuyển nhượng cơ quan quản lý Đà Nẵng đã phải vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ các dấu hiệu bất thường để có biện pháp kịp thời ngăn chặn”, PGS Nguyễn Quang Học nói.
Ngoài yếu tố hám lợi, tham tiền của một số cá nhân, doanh nghiệp người Việt thì cần phải làm rõ yếu tố lợi ích, tiếp tay cho người nước ngoài thâu tóm đất đai trong nước. Cần phải có chế tài xử lý nghiêm với những hiện tượng lách luật, thông đồng, tiếp tay của chính những cá nhân, doanh nghiệp người Việt.
Vấn đề tiếp theo của các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương sau khi cấp giấy chứng nhận cho thuê đất phải giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhà đầu tư có đúng với giấy phép được cấp hay không?
Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý, thực hiện không nghiêm, trách nhiệm này phải bị xử lý, không thể chối cãi. Còn về hiện tượng lách luật mượn danh người Việt để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam, có thể xem xét tới yếu tố tiếp tay cho người Trung Quốc thâu tóm các khu đất ở trong nước.
Như vậy, chính những người Việt trong nước nếu giúp các nhà đầu tư nước ngoài lách luật để có quyền sở hữu đất sẽ là những người phải đối diện với rủi ro lớn nhất. Bởi pháp luật chỉ bảo vệ cho những người làm đúng quy định.
Nguồn tổng hợp Chính trị , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment