Sáng 25.9, tại hội thảo Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư Triệu Tài Vinh đã có những chia sẻ về công tác cán bộ từ bài học của Hà Giang.
Ông Triệu Tài Vinh phát biểu tại hội thảo ngày 25.9
Chia sẻ mới về Ban Kinh tế T.Ư được hơn 2 tháng nên sẽ trình bày vấn đề dưới góc độ địa phương, ông Triệu Tài Vinh cũng cho biết, ông xin được “thoát ly” bài tham luận dài 17 trang in trong kỷ yếu, dù bài tham luận này có sự tham gia cán bộ tham mưu hoàn thiện cho đúng chuẩn của hội thảo.
“Tôi nghĩ bây giờ nếu được đi học lại lý luận chính trị thì tốt”, ông Vinh bắt đầu bài tham luận và giải thích rằng, qua thực tiễn, từ cương vị phó chủ tịch lên đến bí thư Tỉnh ủy, cá nhân ông nhận thấy giữa lý luận và thực tiễn là có khoảng cách, nên khi đi làm rồi lại muốn được học thêm.
“Tôi không được quy hoạch công tác cán bộ cấp chiến lược, chỉ được bồi dưỡng 4 ngày làm ủy viên T.Ư Đảng, tôi thấy rất ít”, nguyên Bí thư tỉnh Hà Giang chia sẻ, và nói thêm khi còn đi học ở nhà trường thì mình muốn nghỉ sớm, nhưng khi đi ra làm rồi thì lại muốn đi học thêm.
Khi bước ra khỏi hội trường lại như “một tờ giấy trắng”
Chia sẻ một số kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, ông Vinh đánh giá, từ Hội nghị T.Ư 4 khóa XI đến T.Ư 4 khóa XII thì công tác nhận xét, đánh giá cán bộ là phần khó nhất. “Đánh giá thế nào cho đúng, cho trúng mà xuyên suốt”, theo ông Vinh, từ kinh nghiệm bản thân ông thì đây là vấn đề quan trọng nhất và cũng là khó nhất.
Dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Một cán bộ giữa nghĩ và nói, giữa nói và làm có đồng bộ không?”, ông Vinh cho rằng, giữa nghĩ và nói là khó quản lý, nhưng giữa nói và làm có thể quản lý được. Từ đó, ông Vinh cho hay, Hà Giang đã nghĩ tới việc định tính và định lượng trong vấn đề nhận xét, đánh giá cán bộ.
Về định tính, Hà Giang đã thay đổi cách nhận xét đối với các đảng viên. Theo đó, các cá nhân tự xây dựng chương trình, tự kiểm điểm trước chi bộ, rồi tập thể góp ý kiến.
“Nói một cách thẳng thắn thì mỗi tổ chức đảng, mỗi cá nhân đảng viên khi nhận xét nhau đều “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh”, nhưng chi bộ Đảng ở nông thôn, vùng nghèo vẫn cứ nghèo. Điều đó có nghĩa là giữa chính trị và kinh tế không thống nhất”, ông Vinh nói, và cho biết khi đánh giá cán bộ, Hà Giang đã thay đổi theo hướng tổ chức đảng, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có thay đổi về kinh tế.
Theo ông Vinh, cá nhân tự kiểm điểm trước rồi đưa ra tập thể. “Chúng tôi có nói sau Hội nghị T.Ư 4 khóa XI, khi bước ra khỏi hội trường lại như “một tờ giấy trắng”, thoải mái với nhau. Không giống như thời trước đó, trong hội trường không nói nhưng ra khỏi hội trường lại nói “chẳng qua hôm nay vì thời gian tớ không nói thôi”, ông Vinh cho hay và nói, Hà Giang cũng muốn làm như vậy.
Về định lượng, ông Vinh cho biết, Hội nghị T.Ư 4 khóa XII đã chỉ ra 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nên phải “chấm” 27 biểu hiện này, mà theo ông ai cũng có.
“Mỗi nội hàm này có 9 tiêu chí, trong hướng dẫn khi chúng tôi làm thí điểm thì bí thư tự chấm cho mình trước, chấm xong có thể chấm lại, đến khi thống nhất mới đưa ra. Tôi nói giờ tôi kiểm điểm trước các đồng chí, các đồng chí mạnh dạn góp ý, sau đó tập hợp tất cả lại”, ông Vinh nói và cho biết, làm theo cách này đã giúp việc đánh giá cán bộ, đảng viên ở Hà Giang có thay đổi nhất định.
Gia đình làm quan, gian lận thi: “Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó”
Từ kinh nghiệm bản thân, ông Vinh đúc rút, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ cần phát huy 4 nhân tố, gồm: phải biết lựa chọn vấn đề của địa phương; phải biết thực hiện bằng các đề án cụ thể; phải biết kích động những hành động mũi nhọn; và phải có nhãn quan nhạy cảm chính trị xuất phát từ thực tiễn.
Theo ông Vinh, Hà Giang có nhiều khó khăn nhưng chính trị Hà Giang ổn định vì sức đề kháng của hệ thống chính trị Hà Giang rất tốt. “Tôi nói như vậy chắc là nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013, trên facebook nói về chuyện gia đình làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử. Việc đó không sao, phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó thôi. Nhưng tôi đang nói điều ở đây là có thật”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Vinh cũng cho biết, ngoài chọn lựa vấn đề của địa phương thì phải biết thực hiện bằng các đề án cụ thể. “Khi tôi còn là ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, lên công tác tại Hoàng Su Phì, vào thăm trường thiếu nhi rẻo cao, nơi tôi học từ lớp 1 đến lớp 4, đồng chí Trương Tấn Sang nói là trường này phải có nhiều Triệu Tài Vinh hơn. Đó là một sự động viên. Và đồng chí Trương Tấn Sang có hỏi tôi bây giờ là ủy viên dự khuyết thì cháu làm cái gì? Tôi nói, báo cáo bác là tập trung làm các đề án, cụ thể hóa bằng đề án và tổng kết bằng đề án, chứ không chung chung”, ông Vinh chia sẻ.
Theo Thanh niên Chính trị , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment