Quận Cầu Giấy khẳng định không ép buộc, nhưng thu gộp tiền ăn bán trú với tiền sữa mà thiếu lựa chọn “có ăn bán trú không uống sữa” khiến phụ huynh băn khoăn.
Chương trình Sữa học đường được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ nhằm nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học. Đây là chương trình rất nhân văn và mang ý nghĩa thiết thực nếu được triển khai đúng đắn và minh bạch.
Tuy nhiên, việc sản phẩm sữa tươi cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội tùy tiện bổ sung 17 vi chất không đúng quy định của Bộ Y tế khiến nhiều phụ huynh chưa yên tâm.
Theo khẳng định của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc đăng ký uống sữa học đường tại Hà Nội trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện phụ huynh đăng ký cho con tham gia, không ép chỉ tiêu với các trường.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao thưởng cho các đơn vị triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị.
Nhưng thực tế, trên địa bàn quận Cầu Giấy năm học 2019-2020 có tình trạng nhà trường ra thông báo khó hiểu nhằm ép phụ huynh đăng ký uống sữa học đường cho con.
Một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy thông tin đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung cuộc họp giữa hiệu trưởng các trường có học sinh tham gia Chương trình Sữa học đường và Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy diễn ra trước thềm năm học mới.
Nội dung cuộc họp cho thấy thực tế tỷ lệ đăng ký sữa học đường tại quận Cầu Giấy thấp hơn mặt bằng chung của thành phố.
Bởi vậy, để tăng tỷ lệ đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường, phương án gộp tiền ăn bán trú và tiền sữa vào một được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy đưa ra theo văn bản số 968/UBND-GDĐT-TCKH ngày 12/8/2019 của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy. [1]
Ngày 7/8/2019, Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin, ngày 6/8/2019 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình Sữa học đường năm học 2018-2019, bài báo viết:
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 1.039.458 trẻ mẫu giáo và HS tiểu học tham gia chương trình Sữa học đường, đạt tỷ lệ 87,7%.
Riêng quận Cầu Giấy, khi triển khai Chương trình Sữa học đường, tỷ lệ tham gia chưa cao (67,4%).
Cụ thể, khối mầm non công lập đạt 89,4%; khối mầm non ngoài công lập đạt 29,4%; khối tiểu học công lập đạt 78,7%; tiểu học ngoài công lập đạt 17,3%. [2]
Phương án này vô tình đẩy nhà trường vào thế ép phụ huynh tham gia đăng ký uống sữa thuộc Chương trình Sữa học đường cho con. Như vậy, tỷ lệ đăng ký uống sữa thuộc Chương trình Sữa học đường của quận Cầu Giấy sẽ tăng lên.
Trường Tiểu học Trung Yên ra thông báo đăng ký uống sữa học đường đến phụ huynh lại gộp luôn tiền sữa học đường và tiền ăn bán trú. Ảnh: Vũ Phương.
Như thông báo thông báo ngày 4/9/2019 của Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) gửi đến phụ huynh học sinh đã gộp tiền sữa học đường vào tiền ăn của học sinh bán trú là 31.000 đồng/học sinh/ngày (trong đó tiền ăn 28.046 đồng và tiền sữa học đường 2.954 đồng).
Được biết trước đó, mức tiền ăn của học sinh bậc tiểu học bán trú là 28.000 đồng. Như vậy, phải chăng mức tiền ăn đã được nhà trường tự nâng lên 46 đồng để làm tròn với số lẻ của tiền sữa học đường?
Phía dưới thông báo này, có phần Phiếu đăng ký tự nguyện ăn bán trú và uống sữa thuộc Chương trình Sữa học đường Hà Nội.
Đáng chú ý, phiếu đăng ký chỉ đưa ra 2 phương án cho phụ huynh đăng ký: Thứ nhất là Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường. Thứ hai là Không cho con ăn bán trú nhưng uống sữa học đường.
Phần cuối của Phiếu đăng ký có phần Ý kiến khác.
Nếu bản đăng ký có thêm phương án 3 cho phụ huynh lựa chọn: Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường nhưng không uống sữa học đường, thì có lẽ mọi thứ đã rõ ràng minh bạch, phụ huynh được tôn trọng.
Phiếu đăng ký tự nguyện ăn bán trú và uống sữa học đường của Trường Tiểu học Trung Yên không có ô lựa chọn “không đăng ký uống sữa học đường. Ảnh: NVCC.
Ngày 10/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên cho biết:
“Đa phần học sinh đăng ký ăn bán trú sẽ uống sữa học đường.
Bởi vậy, để thuận lợi cho phụ huynh nên trường gộp vào như thế. Còn phụ huynh nào không đăng ký uống sữa học đường cho con hoàn toàn có thể không đăng ký. Tiền ăn và tiền uống sữa học đường vẫn có thể tách được bình thường.
Trường cho phụ huynh hoàn toàn tự nguyện đăng ký uống sữa học đường. Không phải trường hợp nào đăng ký ăn bán trú phải uống sữa học đường.
Sức khỏe, sở thích của học sinh khác nhau nên việc không đăng ký uống sữa học đường hay không là bình thường. Trong thông báo nhà trường có phần Ý kiến khác để phụ huynh không đăng ký uống sữa học đường”.
Yêu cầu thu gộp tiền ăn bán trú với tiền uống sữa thuộc Chương trình Sữa học đường Hà Nội được Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy chỉ đạo trong văn bản số 968/UBND-GDĐT-TCKH ngày 12/8/2019 do bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy ký.
Cụ thể kèm theo văn bản trên có bảng thông tin Các khoản thu thỏa thuận năm học 2019-2020. Ở khối tiểu học tại mục tiền ăn có mức thu là 31.000 đồng/học sinh/ngày. Phần ghi chú giải thích tiền ăn 28.046 đồng/học sinh/ngày và tiền sữa học đường 2.954 đồng/học sinh/ngày.
“Chương trình sữa học đường có ý nghĩa rất nhân văn. Bởi vậy, việc đăng ký uống sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện”.Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy, người ký văn bản số 968 chỉ đạo các trường thu gộp tiền ăn bán trú và tiền sữa học đường khối mầm non, tiểu học, bà Dung cho biết:
Tuy nhiên, ngày 28/8/2018, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản số 3613/SGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn cấp học mầm non năm học 2018-2019, trong đó liên quan đến Chương trình Sữa học đường, Giám đốc sở chỉ đạo “Tiền sữa không tính vào tiền ăn hàng ngày của trẻ”. [3]
Bà Trịnh Thị Dung đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của phóng viên về việc vì sao Cầu Giấy làm ngược lại chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, “tiền sữa không tính vào tiền ăn hàng ngày của trẻ”?.
Bà Trịnh Thị Dung đề nghị phóng viên liên hệ với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy sẽ cung cấp thêm thông tin.
Sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường Hà Nội pha thêm 17 vi chất trái với chính yêu cầu kỹ thuật mà Hồ sơ mời thầu do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát hành.
Việc pha thêm 17 vi chất này cũng không đúng với Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.
Đến nay, Bộ Y tế khẳng định chưa quyết định sẽ bổ sung vi chất nào vào sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường, bởi việc bổ sung vi chất cần phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học càng cho thấy sự nhất quán, rõ ràng và thận trọng với sức khỏe trẻ em của Bộ Y tế.
Có phụ huynh chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phải phải thốt lên rằng: “Con không thích nhưng bố mẹ vẫn đăng ký để ủng hộ cô và trường. Hơn nữa, để tránh phiền phức”.
Một phụ huynh có hai con học tiểu học không ngần ngại chia sẻ, con nói không thích uống sữa của trường vì không hợp với sở thích. Nhưng không đăng ký, cô giáo chủ nhiệm lại hỏi vì sao, lý do này nọ.
Tiền sữa học đường một tháng cũng không đáng bao nhiêu nên gia đình đăng ký cho vui vẻ.
Chương trình Sữa học đường là một món quà của Thủ tướng Chính phủ dành cho trẻ em nhằm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, sức bật cho trẻ nhỏ.
Thủ tướng Chính phủ đã lựa chọn sữa tươi cho chương trình. Bộ Y tế đã quy định rõ ràng về các loại sữa tươi được sử dụng cho Chương trình Sữa học đường, tuy nhiên Hà Nội làm chưa đúng.
Cách triển khai thu gộp tiền sữa với tiền ăn bán trú của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy nhưng thiếu một lựa chọn đang gây ra những băn khoăn không đáng có, phải chăng quận đang dồn áp lực tăng chỉ tiêu đăng ký tham gia lên các trường, các trường dồn lên cha mẹ học sinh?
Vũ Phương
Theo giaoduc.net Giáo dục , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment