Ngày khai trường 5-9 và cho tới giây phút này có lẽ là khoảng thời gian khó quên nhất trong đời dạy học của Trà Thị Thu và Riah Uối – hai cô giáo “tre trẻ, xinh xinh” trên điểm trường nhỏ giữa những đụn mây trắng của núi Ngọc Linh.
Hai cô giáo Trà Thị Thu và Riah Uối chụp hình cùng học sinh tại điểm trường Tắk Pổ trưa 6-9
“Ban đầu tôi chỉ nghĩ khai giảng thì cô trò chụp hình làm kỷ niệm. Hết cô Riah Uối rồi đến tôi chụp, cứ thay nhau cầm máy bấm lia lịa. Nhưng những tấm ảnh đó đã đi quá xa mà tới lúc này, xem lại tôi vẫn thấy run run. Tất cả như một giấc mơ” – cô Thu đã nói rất thật như thế khi câu chuyện về điểm trường và các em học trò nghèo ở Tắk Pổ (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) của cô được lan tỏa từ chiều 5-9.
Những giây phút ngập tràn cảm xúc
Đêm đầu tiên của ngày khai giảng năm học mới, cả cô Thu lẫn đồng nghiệp Riah Uối không ngủ. Quá nhiều cuộc gọi và những dòng chia sẻ của những người biết lẫn chưa từng đặt chân lên những điểm trường nơi cô Thu và cô Uối đang giảng dạy khiến hai cô giáo trẻ thức gần tới sáng.
Trưa 6-9, khi gọi cho hai cô giáo, cả hai đều bảo rằng vẫn “lâng lâng” và không dám mở điện thoại xem tin nhắn, chỉ nghe điện thoại từ người quen. “Mình đang yên ổn bỗng dưng “nổi tiếng” nên tâm trạng rối lắm. Nhưng thấy trong lòng vui vui vì điểm trường được mọi người quan tâm, biết tới” – cô Thu nói.
Cô giáo trẻ phụ trách khối tiểu học điểm trường Tắk Pổ kể rằng trong rất nhiều cuộc điện thoại và những dòng tin nhắn, nhiều người ở tận các thành phố lớn, những tỉnh xa khi biết câu chuyện đã bày tỏ sự yêu mến cả cô giáo lẫn các em học sinh. Điều đáng mừng hơn, cô giáo trẻ còn cho biết rằng rất nhiều người khi gọi điện hỏi thăm đã đặt vấn đề liệu có thể xây một điểm trường kiên cố không.
Cô giáo Thu giọng như khựng lại khi nói về điểm trường mà cô đang bám lại để dạy chữ cho học sinh Ca Dong. Theo cô Thu, dù chưa là nhà bêtông kiên cố, nhưng “thế này đã là mừng lắm rồi”. Bởi từ khi được tặng phòng học mới, mái lợp bằng tôn, hông thưng bằng những tấm ván gỗ, cô trò không còn cảnh đứng co ro trong mưa lạnh, dưới chân ướt sũng như trước đây nữa.
Anh Nguyễn Bình Nam – một tình nguyện viên đã kết nối để xây nhiều điểm trường tại Nam Trà My – nói rằng nếu việc xây một điểm trường kiên cố tại Tắk Pổ có thể thành sự thật, thì đó thực sự là “câu chuyện cổ tích”.
“Nói khó khăn thì ở Nam Trà My có rất nhiều nơi còn rất khó khăn, dù nguồn lực của Nhà nước đã cố gắng đầu tư nhưng vẫn chưa thể phủ hết được tất cả các điểm trường do nhiều nơi quá xa. Nhiều năm nay, khi khảo sát, xây trường ở Nam Trà My, trong đầu chúng tôi luôn nghĩ rằng sẽ tới lúc một điểm trường khang trang, xinh xắn sẽ dựng lên giữa lưng chừng đồi thay thế cho ngôi trường bán kiên cố hiện nay. Nhưng điều đó tới nay chưa thể thực hiện được” – anh Nam nói.
Lý do, theo anh Nam, là trường quá heo hút và nằm quá xa trung tâm xã, “nếu tiền có thể xây được trường ở những nơi khó khăn tại Nam Trà My thì ở Tắk Pổ, ngôi trường đó chỉ có thể xây được nếu… có rất nhiều tiền. Ít nhất là từ khoảng 600-700 triệu đồng”.
Chỉ mong có điện
Những hình ảnh đẹp, mộc mạc của ngày khai giảng Tắk Pổ vẫn đang tiếp tục đốn ngã nhiều trái tim bạn đọc, người xem. Không chỉ hai cô giáo trong câu chuyện, ngày 5-9 kể từ khi đăng tải, Tuổi Trẻ cũng đã nhận được rất nhiều lời đề nghị hỗ trợ kết nối với hai cô giáo, nhiều người cho biết sẽ tổ chức đoàn lên trực tiếp điểm trường để thăm, động viên, tặng quà cho cô trò.
Câu chuyện hẳn sẽ không chỉ dừng lại ở đây mà trong nhiều người liên lạc đến Tuổi Trẻ, có nhiều nhà hảo tâm nói đang xem xét, cân nhắc để kêu gọi đóng góp xây một điểm trường mới ở Tắk Pổ. “Tôi có thể làm được, với giá nếu từ 600-700 triệu đồng” – một nhà hảo tâm tại Hà Nội bày tỏ.
Cô Thu và cô Riah Uối bảo rằng chuyện một ngôi trường với hai cô là ngoài tầm suy nghĩ. Món quà mà cả hai cô rất mong muốn được nhận là hệ thống máy phát điện bằng năng lượng mặt trời.
“Nhà trường đã trang bị máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời để phục vụ giáo viên ăn ở tại điểm trường. Nhưng do trường nằm ở nơi cao nên dông sét đánh hư liên tục. Mấy hôm nay giàn máy này lại bị cháy, để có điện thì chúng tôi phải chạy vào nhà dân xài điện tuốcbin chạy bằng nước suối, nhưng điện rất yếu và chập chờn. Ban đêm chúng tôi phải đốt lửa để lấy ánh sáng tại điểm trường” – cô Thu nói.
Cô “tính toán” rằng việc sửa chữa dàn năng lượng mặt trời nếu có thể làm thì phải vác xuống núi, cả công thuê người lẫn tiền sửa ít nhất cũng 3 triệu đồng.
Mong một kết thúc đẹp
Thầy Võ Đăng Thuận – trưởng Phòng GD-ĐT Nam Trà My – cho biết do đường lên Tắk Pổ hiện nay không thể đi bằng xe máy, ôtô nên việc vận chuyển nguyên vật liệu, xây trường kiên cố vẫn chưa thể làm được.
“Nếu xây ở đó thì kinh phí sẽ rất lớn. Nhưng dù lớn, nếu chúng ta có quyết tâm, đủ kinh phí thì một ngôi trường bêtông kiên cố ở Tắk Pổ sẽ là một món quà ý nghĩa, một câu chuyện có kết thúc rất đẹp. Ngày xưa Điện Biên Phủ còn thành pháo đài được, huống gì… Tắk Pổ” – thầy Thuận nói.
THÁI BÁ DŨNG/Tuổi Trẻ Giáo dục , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment