Không đánh đổi bất kỳ điều gì với an ninh quốc gia - đó được xem là “xương sống”, đã được Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo Việt Nam xác quyết, lấy đó làm thước đo, kim chỉ Nam trong chiến lược phát triển đất nước. Và điều này, những ngày qua lại được giới trí thức nhắc đến nhiều, khi Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thông tin về một tập đoàn của Trung Quốc muốn vào đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Vũng Áng (thành lập vào năm 2007) là trung tâm phát triển công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực và của cả nước của khu vực miền Trung và cả nước. Hiện nay khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 137 dự án đầu tư, trong đó có 80 dự án đầu tư trong nước, 57 dự án đầu tư FDI. Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, cầu cảng, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, phát triển hậu thép…
Hiện nay, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung kêu gọi và thu hút các dự án về cảng biển, trung tâm logistics, ngành công nghiệp hậu thép vào khu kinh tế Vũng Áng, để phát triển kinh tế. Bởi trong tương lai, theo lời của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết thì, Chính phủ Lào đang cho nghiên cứu khả thi về dự án đường sắt nối Lào – Việt Nam, có chiều dài khoảng 400 km, chạy từ huyện Thakhek (Lào) đến cảng Vũng Áng với tổng mức đầu tư gần 2 tỉ USD. Tuyến đường sắt này sẽ là cửa ngõ quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác, đầu tư tuyến vận tải hàng hóa từ Lào, Thái Lan đi các nước và chiều ngược lại thông qua cảng biển Vũng Áng.
Được biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đang tìm hiểu khảo sát đầu tư vào Vũng Áng như: Liên doanh giữa Tập đoàn Lee & Man (Hồng Kông) và Hokuetsu (Nhật Bản); Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức); Công ty Wei Yu Engineering (Đài Loan, Trung Quốc), chứ không riêng gì Tập đoàn Cảng Hạ Môn của Trung Quốc – đơn vị được ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịnh tỉnh Hà Tĩnh nhắc đến “phía Hà Tĩnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Cảng Hạ Môn khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics tại Vũng Áng”.
Việc nhà đầu tư Trung Quốc muốn đầu tư vào Vũng Áng, phát triển tuyến container và logistics tại đây, xét về góc độ kinh tế thì có nhiều nhà nghiên cứu, trí thức hoan nghênh. Bởi, thực tại, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông ở Việt Nam hiện nay tập trung chủ yếu vào đường bộ, đường sắt, đường biển hầu như là số 0. Trong khi đó, cung cấp dịch vụ logistics như thuê tàu, vận chuyển container quốc tế của doanh nghiệp Việt ra quốc tế đa phần dựa vào các hãng tàu quốc tế, chi phí đắt đỏ và tập trung lớn vào các cảng chính và chỉ một số cảng trọng điểm được mở mới, nâng cấp, khiến ùn tắc thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng vận tải hàng hải. Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho biết, dự báo năm 2030 năng lực cảng biển của Việt Nam sẽ thông quan từ 1 đến 1,1 tỷ tấn hàng, gấp hơn 2,2 đến 2,5 lần hiện nay, chính vì thế cần nguồn lực phát triển lớn để đầu tư.
Nhưng dù mong muốn có cơ sở hạ tầng và có nhiều cơ hội để phát triển cảng biển, thì vấn đề an ninh cũng đã được đặt ra. Như lời Tiến sĩ Lê Văn Bảy, chuyên gia logistics nêu: “Về kinh tế có thể mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển logistics ở Vũng Áng nhưng quan trọng là phải tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa”. Xét về yếu tố an ninh, quốc phòng, Vũng Áng không chỉ đơn thuần là cảng biển, mà địa điểm này còn có vị trí chiến lược quân sự quan trọng.
Suy cho cùng, như lời GS.TS Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển nói, làm gì làm, phải thống nhất quan điểm: “Không đánh đổi kinh tế với môi trường, an ninh quốc gia”. Điều này cũng phù hợp với một điểm trong nghị quyết số 50-NQ/TW, về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký cách đây 2 tháng, nêu rõ: “Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Không chỉ riêng gì Vũng Áng, mà tất cả các vị trí có chiến lược quan trọng, ngoài khía cạnh về kinh tế thì yếu tố an ninh xem xét thận trọng và đưa lên hàng đầu. Bởi, chỉ cần sơ sót để một “con bồ câu” vào vùng trọng yếu, thì dù nhỏ thôi cũng đủ phá hoại, gây nên những thiệt hại, để lại những hậu quả khôn lường cho đất nước chúng ta mai sau.
Hải Yến Chính trị , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment