Cập nhật tin tức nóng hổi

Không ai có thể đứng trên pháp luật, dù anh có là ngôi sao đi chăng nữa

Bức xúc trước hành vi của người cha bạo hành con, Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng cho người “dạy dỗ” ông bố trẻ bạo hành con trai. Vấn đề đặt ra ở đây Đàm Vĩnh Hưng lấy tư cách gì kêu gọi cộng đồng đánh người đàn ông này? Hành vi xúi giục người khác hành xử côn đồ theo kiểu “luật rừng” của anh là biểu hiện của vô pháp.
Không ai có thể đứng trên pháp luật, dù anh có là ngôi sao đi chăng nữa
Ảnh: Đàm Vĩnh Hưng “hành động” theo cách không giống ai trước nạn bạo hành trẻ em

Đàm Vĩnh Hưng, cái tên vừa được cộng đồng mạng tung hô, cũng đồng thời bị chỉ trích mạnh mẽ trong những ngày qua vừa có hành vi biểu hiện rõ nhất cho cái gọi là “lạm quyền”, vô pháp.

Cụ thể, trước sự ghen tuông mù quáng và cách dạy con theo hướng bạo lực của ông bố trong clip, cư dân mạng đã vô cùng phẫn nộ. Đàm Vĩnh Hưng cũng không thể không lên tiếng khi xem được hành vi sai trái, bạo lực của người đàn ông này qua đoạn clip. Nam ca sĩ cho rằng, ông bố trẻ là một trong những kẻ vô lương tâm, độc ác, máu lạnh, cần phải cách ly, loại trừ khỏi xã hội trước khi hắn bị pháp luật trừng trị. Đáng chú ý, Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố sẽ tặng giải thưởng trị giá 20 triệu đồng cho ai tát vào mặt người đàn ông trong clip liên tục giống như cách người này đánh cậu con trai. Điều kiện Đàm Vĩnh Hưng đưa ra cho người được 20 triệu đồng là phải quay clip và gửi về cho mình.

Đàm Vĩnh Hưng nói đùa hay thật, chỉ anh mới biết. Nhưng trang cá nhân với hơn 1 triệu người theo dõi của Đàm Vĩnh Hưng đã thực sự phát huy tác dụng. Ngày 17/10, hàng chục dân mạng đã tìm đến dãy trọ – nơi người đàn ông ra tay tát con nhỏ bôm bốp trong lúc say xỉn để chất vấn, thậm chí hành hung xả giận. Chưa có xác minh rằng nhóm người tìm đến đánh đập liên tục ông bố kia có phải bị kích động từ lời kêu gọi của Đàm Vĩnh Hưng hay không, nhưng đó là cách hành xử vô pháp, đáng bị xử lý không kém gì ông bố đánh con kia.

Đây là một ví dụ khá đắt chứng minh quyền lực, ảnh hưởng của ngôi sao là có thật. Ngôi sao cũng cảm xúc, tư duy… như đại đa số. Sự khác biệt là khả năng tập hợp, và trong trường hợp này còn sai khiến được quần chúng dẫn tới vật chất hóa cảm xúc thành hành động. Một ngôi sao khác cũng vừa vận dụng quyền lực của mình là Ngô Thanh Vân khi cô đưa ra một số phát ngôn không chính thức trên trang cá nhân có ý xui người hâm mộ “tấn công”, “xóa sổ” trang cá nhân của Kacey Musgraves – nữ ca sĩ nhạc đồng quê từng đoạt vài giải Grammy người Mỹ. Ca sĩ Phương Thanh từng bị chỉ trích khi kêu gọi đám đông không ăn thịt lợn. Hành động này được chính cộng đồng mạng “sửa lưng” cho rằng nữ ca sĩ chưa hiểu thấu đáo về toàn bộ sự việc đã vội kết luận, hô hào đám đông làm theo ý.

Sau nhiều lần hô hào đám đông hành xử tiêu cực trên mạng xã hội, hành động duy nhất của người nổi tiếng là gỡ, xoá trạng thái mà chưa một lần bị xử phạt. Có thể, với việc dễ dàng đưa ra lời kêu gọi, dễ dàng phủi bay trách nhiệm với cộng đồng, với những điều mình nói ra nên lâu dần, người nổi tiếng cho mình cái quyền… thích gì nói nấy.

Nhà văn Hoàng Hà chia sẻ : “Là một người nghệ sĩ, có nhiều khán giả, fan nên mọi việc cần tiết chế, nhất là việc kích động bạo lực. Cứ có bức xúc là kêu gọi bạo hành thì luật pháp sẽ như thế nào? Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng mà nhiều người nghệ sĩ trẻ cũng cần xem lại mình, không nên một chút là kêu gọi tẩy chay, đấm đá. Nếu họ làm sai thì cũng có luật pháp xử lý”.

Xã hội lên án đối với những hành vi bạo hành trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, lên án bằng cách nào cho phù hợp và đúng chuẩn mực đạo đức, phù hợp quy định pháp luật thì cần cân nhắc. Trong trường hợp cụ thể này, luật sư cho rằng Facebook Đàm Vĩnh Hưng đã đăng lời lẽ kích động, xúi giục người khác thực hiện những hành vi xâm phạm đến danh dự, sức khoẻ của người cha bạo hành kia là trái pháp luật. Nếu những người vì nghe theo sự kích động mà gây thương tích cho người cha bạo hành kia thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Và người đăng tải, treo giải thưởng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.

Điểm b, khoản 2, Điều 16 Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm câm: Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối ổn định về an ninh, trật tự. Đáng tiếc, nhiều người còn cho đó là tự do ngôn luận. Người nổi tiếng, nếu không tự gánh trên mình vai trò, trách nhiệm cơ bản của một người có sức ảnh hưởng đến xã hội, là nói và làm điều đúng thì tốt nhất, xin đừng làm gì cả.

Nguồn tổng hợp , ,

No comments:

Post a Comment