Cập nhật tin tức nóng hổi

Nguyễn Thái Lực – em trai Chủ tịch Alibaba rửa tiền cho ai?

Việc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) để làm rõ hành vi rửa tiền được dư luận rất quan tâm. Vậy Lực rửa tiền cho ai?
Nguyễn Thái Lực – em trai Chủ tịch Alibaba rửa tiền cho ai?
Công ty Alibaba bị công an phong tỏa, khám xét

Ngày 3.10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết vẫn đang mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Ngoài việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra (CQĐT) cũng đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Thái Lực để điều tra hành vi rửa tiền.

Bên cạnh đó, bước đầu CQĐT xác định thêm nhiều người liên quan đến vụ án này, trong đó có bố mẹ, vợ Luyện và các giám đốc công ty thành viên thuộc Công ty Alibaba. CQĐT đã phối hợp với các ngân hàng phong tỏa tài khoản của những người liên quan; có công văn đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn việc mua bán, sang nhượng đất, nhà của Công ty Alibaba… phòng ngừa những người liên quan đến vụ án tẩu tán tài sản…
Nguyễn Thái Lực – em trai Chủ tịch Alibaba rửa tiền cho ai?
Khách hàng đến Công an TP.HCM trình báo, tố cáo Công ty Alibaba

Đường đi của những đồng tiền lừa đảo
Nhiều nguồn tiền đổ về Nguyễn Thái Lực 
Trước đó, tiếp xúc với PV, nhiều khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba đều cho biết khi thực hiện giao dịch hợp đồng mua bán, họ ký với công ty, nhưng khi chuyển tiền thanh toán đều được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân của Lĩnh, Mai, Lực. 
Ông T.T.P hợp đồng mua dự án đất nền của Công ty Alibaba tại TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, về số tiền thanh toán ông đều được nhân viên hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản của Nguyễn Thái Lĩnh. Tương tự, ông V.M.H cũng mua đất dự án “ma” của Công ty Alibaba tại H.Xuân Lộc (Đồng Nai) và được yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của Nguyễn Thái Lĩnh. Cho đến nay đã có hơn 1.000 người đến Công an TP.HCM trình báo, tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Alibaba.

Điều tra bước đầu cho thấy, tháng 5.2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Alibaba hoạt động kinh doanh bất động sản và phát triển “chóng mặt”.

Cho đến nay Công ty Alibaba đã có 23 công ty thành viên, 2.600 nhân viên thực hiện 43 “dự án” phân lô bán nền tại: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận. Luyện được xác định là chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lĩnh, Lực cùng nhân viên cấp dưới thực hiện việc lừa đảo khách hàng.

Theo đó, Công ty Alibaba mua lại các khu đất có diện tích lớn, Luyện cho người thân trong gia đình đứng tên để làm “dự án”, san ủi, xây dựng đường, phân nền giới thiệu bán cho hàng nghìn khách hàng, bất chấp khu đất đó là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, đất rừng hay nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang…

Đến nay, CQĐT xác định Công ty Alibaba lừa bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỉ đồng.
Nguyễn Thái Lực – em trai Chủ tịch Alibaba rửa tiền cho ai?
Nguyễn Thái Lực

Trong “chuỗi” hành vi này, Lực được Luyện phân công theo dõi tiến trình pháp lý tất cả các dự án của Alibaba; đứng tên Giám đốc Công ty địa ốc Xanh và Công ty Long Thành Ali (“thành viên” của Công ty Alibaba). Theo yêu cầu của Luyện, Lực còn đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất nông nghiệp và đất ở do Luyện mua tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu; Q.Thủ Đức (TP.HCM)…; đứng tên một số tài khoản ngân hàng để nhận tiền của khách hàng hoặc tiền do Luyện chỉ đạo người của Công ty Alibaba chuyển qua; ký tên trên hợp đồng ủy quyền cho Công ty Alibaba và 23 công ty thành viên cùng hệ thống.

CQĐT còn xác định Lực giúp tẩu tán 13 tỉ đồng (tiền khách hàng nộp để mua các “dự án ma” của Công ty Alibaba). Cụ thể, ngày 19.9, công an khám xét Công ty Alibaba, bắt giữ Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh.

Ngay sau đó, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện), Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, gọi điện thông báo với Lực đã chuyển 13 tỉ đồng từ tài khoản của Mai qua tài khoản của Lực tại một ngân hàng. Mai yêu cầu Lực rút 13 tỉ đồng này về giao lại cho Mai cất giấu, tránh bị công an phong tỏa.

Dấu hiệu rửa tiền rất rõ

Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho hay so với bộ luật Hình sự (BLHS) 1999, tội rửa tiền theo BLHS 2015 có những thay đổi theo hướng mở rộng. Cụ thể, chủ thể của tội rửa tiền theo BLHS 1999 là cá nhân, bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Còn theo BLHS 2015, ngoài cá nhân, pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này.

Bên cạnh đó, theo LS Chánh, BLHS 2015 bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” và sửa đổi dấu hiệu “biết rõ là do phạm tội mà có” thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” vào cấu thành của tội phạm. “Việc bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” cho thấy chủ thể của tội phạm này là người thực hiện tội phạm nguồn (hành vi tự rửa tiền) và người không thực hiện tội phạm nguồn (là người giúp người thực hiện tội phạm nguồn che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có).

Trong khi đó, theo BLHS 1999 chỉ xử lý hình sự tội rửa tiền với người không thực hiện tội phạm nguồn; đồng thời, dấu hiệu “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” sẽ được hiểu ở mức độ đơn giản, nhẹ nhàng hơn, dễ chứng minh tội phạm hơn so với dấu hiệu “biết rõ…” theo bộ luật cũ”, LS Chánh phân tích.

Phân tích cụ thể trường hợp Nguyễn Thái Lực, LS Phạm Văn Hiến Minh (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng nếu bị can này nhận tiền lừa đảo (tiền bẩn) mang đi kinh doanh hoặc mua bán bất động sản và thực hiện các nghĩa vụ tài chính một cách hợp pháp thì đó được xem là hành vi rửa tiền.

“Theo thông tin ban đầu CQĐT cung cấp, nếu bà Mai đã chuyển 13 tỉ đồng từ tài khoản của mình qua tài khoản của Lực; yêu cầu Lực rút 13 tỉ đồng này về giao lại cho bà này cất giấu tránh bị công an phong tỏa thì đây chính là hành vi che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền – một trong những hành vi của rửa tiền”, LS Hiến Minh phân tích.

Hồng Anh (tổng hợp) , ,

No comments:

Post a Comment