Cập nhật tin tức nóng hổi

“Sợi dây rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc” lá bùa hộ mệnh của quan chức

Chẳng có hình thức nào mang tên “rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”… có chăng chỉ là người ta tự vẽ vời cho nhau để chạy tội.
“Sợi dây rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc” lá bùa hộ mệnh của quan chức
Sợi dây kinh nghiệm, rút bao giờ mới xong

Rút kinh nghiệm và rút kinh nghiệm sâu sắc từ lâu đã trở thành những uyển ngữ có tác dụng thuyên giảm mức độ sai phạm. Có sợi dây nào dài hơn “dây kinh nghiệm” hay không? Chắc chắn là không, vì đây là sợi dây rút hoài… chẳng hết!

Trong công tác xử lý cán bộ mắc sai phạm, khuyết điểm, việc xử lý bằng hình thức “rút kinh nghiệm” dường như đã trở nên khá phổ biến. Nó phổ biến đến mức khiến người ta có cảm giác như đó là một kiểu “lách luật” biến những sai phạm nghiêm trọng trở nên ít nghiêm trọng, thậm chí chỉ như một khuyết điểm rất nhỏ mà không ai có thể tránh khỏi trong quá trình làm việc.

Trong vụ gian lận thi THPT năm 2018 tại Hà Giang đã có 137 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm kỉ luật phải xem xét, có 29 cán bộ đảng viên có khuyết điểm vi phạm nhưng chưa đến mức xử lí kỉ luật, do vậy chỉ yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Hay mới đây, vụ việc tỉnh Sóc Trăng chi tiền tỷ để lắp camera ở nhà lãnh đạo cũng chỉ được “ rút kinh nghiệm” sau khi tiến hành họp và phân tích, đánh giá vụ việc.
“Sợi dây rút kinh nghiệm” và “rút kinh nghiệm sâu sắc” lá bùa hộ mệnh của quan chức
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34 ngàn tỷ đồng, vừa cắt băng khánh thành đã hư hỏng. Ban đầu người ta xác định lỗi… tại ông trời! Do khí hậu Miền Trung nắng lắm mưa nhiều!

Khi dư luận hướng mũi rìu vào dự án bị cho là hỏng do “ ông trời” thì nhà thầu mới rốt ráo họp… kiểm điểm cán bộ. Trong kết luận cuối cùng, VEC yêu cầu Giám đốc dự án “kiểm điểm rút kinh nghiệm” và báo cáo về các nội dung liên quan.

Hàng ngày báo chí vẫn phát đi những thông tin, công trình vài trăm triệu, sai phạm bị kiểm điểm, công trình vài tỷ, sai phạm tiếp tục kiểm điểm, rồi đến vài chục ngàn tỷ… vẫn chỉ là kiểm điểm rút kinh nghiệm. Kiểm điểm rồi sao nữa? Là câu hỏi mà dư luận đang cần trả lời.

Sợi dây kinh nghiệm còn dài đến bao giờ, mức độ nào thì người dân được tận thấy tính nghiêm minh của luật pháp khi mà “trần sai phạm” hết lần này đến lần khác bị đâm thủng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nhìn nhận về sợi dây kinh nghiệm: “Hôm qua trong thảo luận thì thấy rằng, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm và cứ rút hoài. Có những cái chưa tốt thì lần sau có sự chuyển biến nhưng chưa hẳn giải quyết được vấn đề ở các kỳ họp tiếp theo.

Nên sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết. Ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút kinh nghiệm nhưng mà vẫn còn. Đây là thực tiễn, chắc các nước khác cũng thế thôi chứ không riêng gì chúng ta. Trong cuộc sống, ngay bản thân chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm và chúng ta cũng có hạn chế”.

Truyền thông đã đăng tải hàng trăm ngàn ví dụ về sợi dây “rút kinh nghiệm”, mà phía cuối của nó để lộ ra một đại sự, đã bao phủ với qui mô từ thượng vàng tới hạ cám như thế nào. Ở đó, rất nhiều các loại vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân hoạt động công quyền đều được xử lý bằng “rút kinh nghiệm”.

“ Sợi dây kinh nghiệm” tuy “ tàng hình” nhưng sức ảnh hưởng của nó lại không hề nhỏ khi mà năm nào, nhiệm kì nào cũng được cán bộ đưa ra để rút. Nhưng rút xong rồi…lại để đó, năm sau rút tiếp.

Cái giá của “sợi dây kinh nghiệm”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Ta thường có tình trạng cứ xong lại rút kinh nghiệm. Sợi dây này cứ dài từ tháng này sang năm khác, rút hoài không hết”.

Cái “dây kinh nghiệm” cứ “dài theo năm tháng” vì không năm nào, không báo cáo, không khuyết điểm nào mà người ta bỏ quên cụm từ đó. Chính vì vậy mà sự phát triển mang tính tích cực của bất kỳ một quá trình nào đó sẽ khó mà đạt được “tốc độ” như mong muốn. Nghiêm trọng hơn nó làm trì trệ thêm sự phát triển của xã hội, làm người ta dễ dãi hơn với những vấn đề mang tính sống còn bức thiết.

Cái giá phải trả cho việc “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” bằng sự thất thoát tiền và tài sản, công sức là rất lớn. Song, lớn hơn là lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước sẽ bị xói mòn, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” khó có thể trở thành hiện thực.

Vụ xâm hại vùng lõi di sản Tràng An ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, các cơ quan chức năng địa phương “không nghe không thấy” và đổ lỗi “đã nói mà doanh nghiệp cứ làm bừa” để cho Công ty CP Du lịch Tràng An xây hoàn tất gần 2.000 bậc thang lên núi Cái Hạ. Đến nay, việc tháo dỡ công trình xâm hại vẫn nhẩn nha (dù hạn chót ngày 30-4 phải hoàn tất đã qua) và “sợi dây kinh nghiệm” đã được đem ra làm “bùa”.

Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện ông Nguyễn Đăng Chương, vào năm 2017, lúc đương nhiệm Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, “xin rút kinh nghiệm” về lỗi nhận định sai sau khi dư luận phản ứng về việc cục này ra văn bản tạm dừng lưu hành 5 ca khúc, đưa vào cập nhật để quản lý trong khi đã phổ biến, đi vào lòng người. Sau đó Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã bãi chức cục trưởng, điều động ông Chương sang làm nhiệm vụ khác.

Cho dù biện bạch thế nào thì những hành vi ứng xử đó đều thể hiện tâm và tầm của cán bộ, thấp kém về nhận thức văn hóa, tâm lý quyết ăn thua đủ khi xảy ra tranh chấp, không có được sự bao dung của người có địa vị, quyền thế cao hơn… Khi vụ việc vỡ lở, họ sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh, xin rút kinh nghiệm để “nín thở qua sông”.

Nếu họ có thái độ cầu thị, chân thành nhận lỗi, tập thể và dư luận xã hội sẽ dễ dàng chấp nhận lời xin lỗi, còn ngược lại, khó lòng qua mắt mọi người. Một hình thức kỷ luật tương xứng với sai phạm là cần thiết để có tác dụng răn đe, làm gương cho kẻ khác tránh đi vào vết xe đổ. Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức là thường xuyên, trở thành tâm tính mới giúp con người nói chung, cán bộ nói riêng hoàn thiện mình, góp phần dựng xây xã hội tốt đẹp.

Sợi dây kinh nghiệm rút hoài rút mãi ở rất nhiều đơn vị, cơ quan ban ngành nhưng những sai phạm vẫn xảy ra và người ta lại thản nhiên “rút kinh nghiệm”. Có thể thấy, Việt Nam là đất nước có sợi dây kinh nghiệm làm bảo bối cho nhiều sai phạm nên cứ sai là người ta lại rút kinh nghiệm nên mới dẫn đến bổ nhiệm sai, bổ nhiệm thần tốc thường xuyên xảy ra, mới dẫn đến cứ thanh tra ở đâu là ở đó lộ sai phạm. Cái giá của sự rút kinh nghiệm không chỉ dừng lại ở những sai phạm liên tiếp tiếp diễn mà còn thất thoát tiền ngân sách, tài sản, làm mất niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đã đến lúc, thay bằng cho “rút kinh nghiệm” hãy áp dụng đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm, ai sai đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó. Không thể phủ nhận thời gian gần đây, Đảng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc chấn chỉnh kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính.

Hàng loạt cán bộ diện Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quản lý có vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, có người bị cho thôi nhiệm vụ, giáng chức; có người đã nghỉ hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm trong thời gian tại vị và bị tước bỏ các chức vụ trong thời gian để xảy ra sai phạm. Sự quyết liệt ấy đã được đông đảo nhân dân đồng tình.

Tuy nhiên, sợi dây kinh nghiệm vẫn còn đó và tạm thời chưa có điểm dừng. Việc ngừng rút sợi dây kinh nghiệm càng sớm thì sẽ càng tốt, giúp gây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng lớn hơn và giữ cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh.

Hồng Đinh
, ,

No comments:

Post a Comment