Cập nhật tin tức nóng hổi

Vụ nữ trưởng phòng tráo nhân thân để ‘thăng quan’: Hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ

Liên quan đến vụ việc nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng tốt nghiệp THPT của chị gái để xin việc, đi học và được “thăng quan”, nhiều tình tiết bất ngờ đã hé lộ sau khi cơ quan chức năng vào cuộc.
Vụ nữ trưởng phòng tráo nhân thân để ‘thăng quan’: Hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ
Tường trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Thêm hoặc Thảo)

Ngày 10.10, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy đang tiến hành các thủ tục theo quy trình để xem xét kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy. Một nguồn tin khác cho biết những ngày qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã cử tổ công tác đến Lâm Đồng tiếp tục xác minh hồ sơ, nhân thân thật của bà Sa.

Dùng bằng cấp 3 của chị để học đến thạc sĩ!

Trước đó, giữa tháng 8.2019, bà Sa bị tố cáo có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo, đã dùng bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái (tên Trần Thị Ngọc Ái Sa) để đi học trung cấp, đại học và sau đó được tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Vụ nữ trưởng phòng tráo nhân thân để ‘thăng quan’: Hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ
Bằng THPT của chị gái được nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk sử dụng

Vào ngày 7.10, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, ký ban hành Công văn số 3106-CV/VPTU cho biết Ban Tổ chức Tỉnh ủy kết luận nội dung đơn tố cáo nói trên là đúng.

Theo đó, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (44 tuổi). Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa cũng đã thừa nhận đơn tố cáo đúng sự thật và thành khẩn nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, bà Ái Sa khai nhận trong một bản tường trình: “Từ năm 1995 – 1997 tôi sống và học tập ở Lâm Đồng. Từ năm 1997 – 1999 tôi sống tại gia đình nhà chồng số nhà… đường… Buôn Ma Thuột. Từ 1999 – 2005 tôi làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Công ty 2-9, thời gian này tôi đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái là: Trần Thị Ngọc Ái Sa hiện đang làm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng để học trung cấp kế toán rồi liên thông lên đại học và học thạc sĩ. Tôi biết việc làm của tôi là sai trái không đúng…”.

1 người mang 3 tên

Qua làm việc với PV, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cung cấp “bản tường trình” của nhân viên điều dưỡng làm việc tại đây là bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (chị gái bà Sa “giả” ở Đắk Lắk – PV). Trong tường trình này, bà Sa (thật) viết: “Tên thật của em tôi là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975. Tôi không cho em tôi mượn bằng tốt nghiệp… Việc em tôi dùng bằng của mình để xin việc tại Đắk Lắk là tôi không biết. Về phần xác minh lý lịch Đảng của em tôi, bản thân tôi hoàn toàn không hay biết…”.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, gia đình bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có tổng cộng 12 anh chị em, nhưng không có ai mang tên Trần Thị Ngọc Thảo. Về nghi vấn tên thật của nữ Trưởng phòng Quản trị là Thêm hay Thảo, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk giải thích: Khi làm việc với tổ chức, bà Thảo thừa nhận hồi nhỏ tên thật của mình là Thêm; nhưng tên này không đẹp nên khi lớn lên bà lấy tên là Thảo

Do đó, khi ra thông báo về vụ việc, Văn phòng Tỉnh ủy xác định bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Như vậy, trong suốt 20 năm qua, người phụ nữ có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Thêm hoặc Thảo) đã đánh tráo nhân thân, đổi tên họ, dùng bằng cấp của chị gái mình để tiến thân trong một cơ quan quan trọng của tỉnh Đắk Lắk.

Một vấn đề khác đặt ra là bà Sa (giả) đã được xem xét, xác nhận hồ sơ kết nạp Đảng như thế nào mà cũng không phát hiện ra nhân thân thật? Vào tháng 9.2012, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã gửi công văn qua đường bưu điện cho Đảng ủy P.4 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đề nghị xác nhận giúp hồ sơ kết nạp Đảng của người mang họ tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Tuy nhiên, theo ông Lâm Dũ Hùng, Bí thư Đảng ủy P.4, hồ sơ này chỉ nhờ xác nhận thông tin về bà Trần Thị Ngọc Ánh, chị gái của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, là đảng viên đang sinh hoạt tại địa phương.

Theo ông Hùng, việc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk gửi công văn qua đường bưu điện đề nghị xác minh đảng viên là không sai quy định. “Theo quy định, nếu trong gia đình có người đã vào Đảng thì coi như đã được làm kê khai, điều tra lý lịch. Trường hợp bà Sa ở Đắk Lắk cũng vậy”, ông Hùng nói.

“Quan lộ” của bà Sa “giả”

Theo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ năm 1999 – 5.2002, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Thêm hoặc Thảo) làm nhân viên Xí nghiệp chế biến cà phê, thuộc Công ty xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk; từ tháng 5.2002 – 4.2005 làm kế toán trưởng tại khách sạn Bạch Mã (TP.Buôn Ma Thuột); từ tháng 5.2005 – 5.2011 phụ trách kế toán rồi làm kế toán trưởng tại Nhà khách tỉnh Đắk Lắk; từ tháng 5.2011 – 10.2019 công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, lần lượt giữ các chức vụ: nhân viên kế toán, Phó trưởng phòng Quản trị, Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy.

Bà được kết nạp Đảng ngày 10.3.2013; công nhận chính thức ngày 10.3.2014 tại Chi bộ Quản trị, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Theo Thanh niên
, ,

No comments:

Post a Comment