Cập nhật tin tức nóng hổi

Bê bối ĐH Đông Đô: Nên công khai tên tuổi “những người mua bằng đều là cán bộ chủ chốt”

Trong vụ việc trường Đại học Dân lập Đông Đô Hà Nội đào tạo “chui” 2.000 trường hợp và cấp bằng “khống” cho gần 400 học viên, những học viên này nên được coi là nạn nhân hay đồng phạm?

“Không trò đố thầy dạy ai?!” – câu thành ngữ vui thời hiện đại để đề cao vai trò của người học này có vẻ có lý khi áp dụng vào vụ việc đào tạo “chui” hàng nghìn cử nhân văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh mới bị phanh phui tại ĐH Đông Đô.

Vâng, nếu không có người học sẵn sàng bỏ ra 30- 40 triệu để đổi lấy tấm bằng đại học chóng vánh sau 2-3 ngày, thì liệu những “con buôn” giáo dục của trường ĐH Đông Đô có bán chác bằng cấp dễ dàng như vậy hay không?

Bởi vậy, thật không công bằng khi mà những ngày này, trong khi cả xã hội lên án các ông Trần Khắc Hùng, Dương Văn Hoà – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Hiệu trưởng ĐH Đông Đô vì tội danh “Giả mạo trong công tác” (thực tế 2 ông này đã bị khởi tố, ông Hòa bị bắt giam còn ông Hùng đang bị truy nã), phê phán Bộ Giáo dục và Đào tạo buông lỏng quản lý, thì những đối tượng mua bằng cấp kia không những không bị xử lý mà còn đang được một số cơ quan đau đầu tìm cách tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Bê bối ĐH Đông Đô: Nên công khai tên tuổi “những người mua bằng đều là cán bộ chủ chốt”
Những người đi mua bằng cấp có vai trò tiếp tay cho tội phạm giáo dục phát triển, khiến nạn bằng cấp giả tràn lan, làm đạo đức xã hội xuống cấp, xói mòn niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ, giới trí thức. Nhưng tiếc rằng luật pháp của chúng ta hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý.

Trong quá khứ, đã từng có nhiều trường hợp quan chức “ngã ngựa” vì sử dụng bằng cấp giả, thậm chí là vướng vòng lao lý nếu có chỉ đạo cấp dưới sửa chữa hồ sơ để làm bằng giả. Tuy nhiên, khi chưa bị phanh phui thì họ vẫn ngang nhiên sự dụng bằng cấp không trung thực đó để tiến thân.

Điều đó cũng có nghĩa là xã hội bị “bịt mắt” để phải công khai thừa nhận những kẻ gian dối bằng cấp cạnh tranh không lành mạnh và chiếm mất cơ hội của những người học thật, thi thật.

Để giải quyết câu chuyện này thì giải pháp căn cơ nhất phải là dẹp bỏ các quy định đề cao bằng cấp trong xã hội, thay vào đó nên sử dụng thi nghiệp vụ thực tế hoặc đánh giá quá trình làm việc để xét bổ nhiệm, tăng lương…

Trong khi chưa làm được điều này, thiết nghĩ ngoài xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm trong quản lý, cấp phát bằng cấp sai quy định, cần xử lý nghiêm cả những đối tượng “mua” bằng.

Cụ thể, trong vụ bê bối đào tạo “chui” văn bằng 2 của ĐH Đông Đô, nên thẳng tay thu hồi những tấm bằng được cấp phát sai quy định này. Không thể nói những đối tượng “mua” bằng này là vô can bởi họ biết rõ không có loại hình đào tạo đại học nào vừa không phải thi đầu vào vừa chỉ kéo dài vàng tháng hay vài ngày. Cũng không có loại hình đào tạo đại học nào mà giá tiền lại linh hoạt người 30 triệu người 40 triệu đồng, phụ thuộc mối quan hệ như vậy.

Thậm chí, nên công khai danh tính của những đối tượng “mua” bằng này: tên, tuổi, học vị, nơi công tác… để răn đe. Tại sao những trường hợp chạy điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 bị công khai danh tính mà “mua” bằng đại học lại không?

Còn đối với những người đã và đang học hệ văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô mà có thi thật, học thật (nếu có), chỉ vì không nắm được thông tin trường này không được cấp phép đào tạo hệ văn bằng 2, thì nên xử lý linh hoạt như sau: Giao một trường đại học khác tổ chức thi đánh giá trình độ thực tế, nếu đạt yêu cầu thì Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cấp bằng cho họ tại một trường đại học tương đương, không đạt thì thôi.

Bởi suy cho cùng, trách nhiệm quản lý đào tạo là của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không phải người học nào cũng nắm được thông tin là Bộ cấp phép đào tạo văn bằng 2 cho những trường nào.

Về lâu dài, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công bố trên cổng thông tin của mình những tin tức công khai về hệ thống trường học do Bộ quản lý, những ngành học nào, hệ đào tạo nào được cấp phép. Từ đó, người dân có cơ sở để tra cứu, tìm hiểu thông tin về ngôi trường mình sắp thi và học. Nếu những thông tin này được đăng tải công khai, nạn đào tạo “chui” sẽ bị xoá sổ hoàn toàn.

Diễn biến mới nhất của vụ việc này: Trong khi ngành Giáo dục đang đau đầu tìm phương án xử lý hậu quả vụ bê bối tại Đại học Đông Đô thì trường này vừa có thư trấn an học viên rằng mọi hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường.

Đối với các học viên trót học văn bằng 2 tại đây, ĐH Đông Đô hứa sẽ đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo đảm bảo quyền lợi cho các học viên, công nhận văn bằng đã học. Đối với những sinh viên đang học, nhà trường hứa sẽ hoàn thiện hồ sơ đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 theo đúng quy định pháp luật.

Xem ra những lời hứa hẹn của ĐH Đông Đô mang quá nhiều màu sắc lãng mạn. Bởi nếu điều này thành sự thực thì sẽ tạo một tiền lệ rất xấu đối với ngành Giáo dục, rằng các trường cứ đào tạo tràn lan kiểu “thả gà ra mà đuổi”, rồi cuối cùng cơ quan quản lý sẽ đuổi “gà” và gom lại cho mình.

Người đưa tin , , ,

No comments:

Post a Comment