Khoảng 28% trong gần 1.000 nhân viên được đào tạo để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã bỏ việc, vì dự án chưa thể hoạt động.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thông tin trên tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 15/11.
Để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông, thành phố đã tuyển dụng, đào tạo hàng nghìn lao động. Trong đó hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc. “Nhưng do dự án chậm tiến độ, năm vừa qua nhiều công nhân, nhân viên của dự án đã bỏ việc, làm cho TP gặp rất nhiều khó khăn”, ông Chung nói.
Trưa cùng ngày, ông Chung đã làm việc với Phó giám đốc Công ty đường sắt 6 Trung Quốc (nhà thầu thi công) và Trưởng ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Trung Quốc để tìm cách tháo gỡ những khó khăn.
Theo Chủ tịch thành phố, dự án này còn bốn vấn đề lớn chưa được giải quyết. Thứ nhất là việc đánh giá, nghiệm thu về an toàn của Hội đồng nghiệm thu nhà nước. Để phục vụ nội dung này, phía Việt Nam đã đồng ý cho Công ty đường sắt 6 Trung Quốc cung cấp tài liệu liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc, nhưng đến nay tổng thầu chưa cung cấp đầy đủ.
Thứ hai là dự án phải được kiểm toán. Trong buổi làm việc với tổng thầu trưa ngày 15/11, Chủ tịch Hà Nội đã nêu rõ quan điểm dự án được tiến hành ở Việt Nam phải chấp hành theo pháp luật của Việt Nam, “cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền và tổng thầu phải giải trình”.
Vấn đề thứ ba, tổng thầu phải phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành việc cung cấp các trang thiết bị theo đúng nội dung hợp đồng đã ký. Cuối cùng, tổng thầu phải khắc phục những kiến nghị của kiểm toán đã nêu, từ khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng đến thi công.
Tàu điện tuyến Cát Linh – Hà Đông chạy thử để nghiệm thu ngày 29/10. Ảnh: Giang Huy.
Trả lời câu hỏi về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông nói “nếu như mọi việc suôn sẻ” hết tháng 12 dự án sẽ khai thác thương mại. Mấy ngày qua, Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội đã chạy thử với tần suất như khai thác thương mại. Sau khi chạy đủ 20 ngày, dự án có thể được nghiệm thu.
Đơn vị khai thác cho biết có 681 người đang tham gia vận hành tuyến đường, chia làm 21 trung tâm, bộ phận, chưa bao gồm nhân viên bảo vệ, vệ sinh tại các ga. Trong đó, 50 nhân viên quản lý thuộc các phòng chức năng như: quản lý lái tàu; quản lý nhà ga; sửa chữa công trình; vật tư; thiết bị nhà ga; điện lực; thông tin tín hiệu; đường ray; đầu máy toa xe…
Ông Nguyễn Đức Chung nói về việc vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong cuộc họp ngày 15/11. Video: Lộc Chung.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác, tuy nhiên sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/2017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019 nhưng tiếp tục lỡ hẹn.
(Theo VnExpress) Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment