Cập nhật tin tức nóng hổi

Phá sản bộ sách giáo khoa, 16 triệu USD đã đi đâu?

Bộ Giáo dục và Đào tạo phá sản phương án viết một bộ sách giáo khoa với kinh phí lên đến 16 triệu USD, câu hỏi đặt ra là số tiền này đã được sử dụng vào việc gì?

Kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỉ đồng, tính theo tỉ giá hiện hành), trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Câu trả lời chưa thỏa đáng!

Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8-8-2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, có khoản 16 triệu USD dành để biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thực hiện. Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ dùng 16 triệu USD này để xây dựng bản thảo và lấy ý kiến đối với bản thảo một bộ SGK; thẩm định, thực nghiệm và phê duyệt cho phép sử dụng đối với một bộ SGK; biên soạn SGK song ngữ cấp tiểu học (tiếng Việt, tiếng một số dân tộc thiểu số có chữ viết) và biên soạn, thử nghiệm SGK điện tử. Bên cạnh đó, dự án sẽ thẩm định các SGK (bao gồm sách của Bộ GD-ĐT và sách khác do cá nhân, tổ chức biên soạn).
Phá sản bộ sách giáo khoa, 16 triệu USD đã đi đâu?
Giáo viên tham khảo sách giáo khoa do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn Ảnh: HUY LÂN

Tuy nhiên, kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GD-ĐT đã bị phá sản. Vậy 16 triệu USD (tương đương 370 tỉ đồng) vay vốn ODA này đã được xử lý ra sao?

Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng 16 triệu USD là một khoản tiền lớn, nên Bộ GD-ĐT cần thông tin rõ ràng, minh bạch về cách thức xử lý. “Những người quan tâm đến giáo dục muốn biết khoản vay tín dụng 16 triệu USD này được Bộ GD-ĐT sử dụng vào việc gì? Việc xử lý một cách minh bạch, rõ ràng, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả sẽ đem lại lợi ích thực sự cho đổi mới chương trình, SGK và giúp an lòng dư luận. Chuyện này tôi nghĩ rất đơn giản vì chi tiêu gì đều phải theo quy định và chịu sự kiểm toán nhà nước cũng như sự giám sát của tổ chức cho vay” – TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về việc sử dụng số tiền 16 triệu USD, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết một phần số tiền dùng để biên soạn tài liệu và tập huấn cho người thẩm định SGK khi được sự thống nhất của Ngân hàng Thế giới. Theo ông Thành, tới đây, tài liệu này sẽ được sử dụng cho người tham gia biên soạn SGK để họ tiếp cận, hiểu được tiêu chí và biên soạn SGK cho tốt. “Một phần kinh phí nữa, tới đây sẽ dùng để tái cấu trúc dự án và được sử dụng cho những dự án khác, những hoạt động khác nhưng cũng phục vụ việc đổi mới chương trình SGK phổ thông” – ông Thành thông tin. Tuy nhiên, câu trả lời này từ phía đại diện Bộ GD-ĐT chưa giải tỏa được câu hỏi đặt ra.

“Giẫm chân” lên các địa phương

Không chỉ đặt câu hỏi về việc nguồn kinh phí khổng lồ có được sử dụng hiệu quả hay không, nhiều chuyên gia giáo dục cũng bày tỏ sự quan ngại về việc thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT.

Theo Bộ GD-ĐT, hội đồng thẩm định là các nhà khoa học được lựa chọn ở những nơi có truyền thống, bề dày thành tích, kinh nghiệm, chuyên môn sâu và 1/3 là giáo viên phổ thông các vùng miền. Thế nhưng, thực tế cho thấy có những môn học cả người chủ trì biên soạn chương trình, người chủ trì thẩm định chương trình đều tập trung ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là cơ sở có nhiều chuyên gia nhưng nặng về nghiên cứu hàn lâm, không gắn với thực tiễn giáo dục phổ thông như các trường sư phạm. Vấn đề này đã được nêu ra tại cuộc họp báo công bố SGK của Bộ GD-ĐT nhưng lãnh đạo bộ chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cũng liên quan đến thẩm định SGK, chương trình tổng thể quy định nội dung “Giáo dục địa phương” và “Hoạt động trải nghiệm” ở tiểu học được tích hợp với nhau và tích hợp trong các môn học khác. TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã thẩm định SGK “Hoạt động trải nghiệm” của các nhà xuất bản. Tuy nhiên, trên thực tế, “Hoạt động trải nghiệm” và “Giáo dục địa phương” đang bị trùng lặp về nội dung.

Một chuyên gia phân tích, theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học chính là “các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh”. Trong khi đó, “Giáo dục địa phương” cũng có nội dung “tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh”. Theo quy định, UBND các tỉnh, TP sẽ tổ chức biên soạn, thẩm định nội dung giáo dục địa phương nhằm bảo đảm sự đa dạng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, con người, gắn với thực tế nơi đang sống của học sinh. Như vậy, việc Bộ GD-ĐT thẩm định SGK “Hoạt động trải nghiệm” của các nhà xuất bản để dùng chung đã “giẫm chân” lên các địa phương.

Không rõ tiêu chí thẩm định

Theo quy định, chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế hướng tới phẩm chất, năng lực, sự vận dụng, sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, thẩm định SGK đang dựa vào Thông tư 33/2017/TT-BGDÐT (Thông tư 33) với các tiêu chí còn chung chung, dẫn đến việc chọn sách có thể hoàn toàn theo cảm tính. Một chuyên gia phân tích nếu hội đồng thẩm định chỉ chú trọng áp dụng cứng nhắc các tiêu chí chung chung theo Thông tư 33 sẽ mất đi những vận dụng, sáng tạo trong SGK mới. Vụ trưởng Thái Văn Tài thừa nhận Thông tư 33 về thẩm định SGK có 13 tiêu chí, nếu áp dụng cứng nhắc thì chưa ổn. Vì thế, ngoài các tiêu chí của Thông tư 33, Bộ GD-ÐT cũng đã mời các chuyên gia phân tích và xây dựng hệ thống thông số cần đạt để đưa vào thẩm định SGK. Thế nhưng, hệ thống thông số chỉ được sử dụng nội bộ trong thẩm định chứ không công bố rộng rãi nên cũng không nhiều người biết đến.

YẾN ANH
, ,

No comments:

Post a Comment