Câu chuyện người dân gánh lãi vay 2.000 đồng/m3 nước cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội trong cuộc họp báo mới đây, tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tương đương 2.103 đồng/m3.
Có lẽ từ trước tới nay, người dân đô thị có khi ít quan tâm đến chuyện nước sạch hàng ngày sử dụng do nhà máy nào cung cấp. Bởi đơn giản, thứ thiết yếu như vậy là mặt hàng được Nhà nước quản lý giá, chính quyền địa phương có trách nhiệm đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng tới người dân là chuyện đương nhiên.
Tới khi sự cố nhà máy nước sông Đà cung cấp nước nhiễm bẩn xảy ra, dân nháo nhào, khổ sở vì bị dùng nước bẩn, rồi không có nước sử dụng. Người ta mới tá hỏa về quy trình quản lý vận hành và kinh doanh nước sạch đang có vấn đề. Và lúc này, người ta mới quan tâm đến nhà đầu tư nước sông Đà là ai, mới phát hiện thị trường nước, đầu tư nước sạch giờ đây rất sôi động, mới ngỡ ngàng, thì ra đây là thị trường hết sức béo bở, thu hút rất nhiều nhà đầu tư tư nhân.
Nỗi bất an về sự rủi ro sẽ đối mặt, giống như bao lần nhà máy nước sông Đà vỡ đường ống đứt nguồn cung nước, rồi chuyện chất lượng nước đảm bảo như thế nào. Tóm lại, nỗi lo về mất an ninh nước nước sạch đã dấy lên trong dư luận.
Vậy nên khi thông tin dự án nhà máy nước sông Đuống do tư nhân đầu tư hoàn toàn, là dự án lớn nhất miền Bắc cung cấp cho cả một khu vực rộng lớn, người dân lại tiếp tục đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu dự án đã được thẩm định về công nghệ ra sao? Chi phí vốn thế nào mà để ra một mức giá tạm tính cao gần gấp đôi giá thành nước hiện tại thành phố phê duyệt. Nhà đầu tư vay vốn tới 80%, lãi vay, chi phí vốn tính vào giá nước tới 20% để đảm bảo nhà đầu tư có lãi, người dân có nước sử dụng, thành phố Hà Nội sẽ bù giá nước là điều không thể chấp nhận được. Và rồi với một nhà máy tư nhân như vậy, nếu không có quy trình giám sát chặt chẽ, vào một ngày đẹp trời nào đó, một sự cố tương tự nhà máy nước sông Đà xảy ra thì cuộc sống của cư dân cả một khu vực rộng lớn mà nhà máy cung cấp nước sẽ ra sao.
Người dân hoàn toàn có thể đặt ra những vấn đề như vậy. Và đây cũng là bài toán mà các nhà quản lý đô thị phải có những đáp án, giải quyết được những vấn đề đặt ra trong quản lý đô thị, khi việc cung cấp nước sạch như một dịch vụ công thiết yếu phải có chuẩn – điều kiện đối với những nhà đầu tư muốn tham gia dịch vụ công đặc thù này.
Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu tỉ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ là 120 lít/người/ngày. Trong khi đó tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Ngành nước sạch đang cần nguồn lực đầu tư rất lớn, và đây là các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước. Và thực tế chứng minh thời gian qua, lĩnh vực này thu hút nguồn vốn tư nhân đổ vào rất lớn, với lợi nhuận kinh doanh hết sức khả quan. Cổ phiếu của các công ty ngành nước luôn có sự tăng trưởng tốt, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Cung cấp nước sạch là ngành mang tính độc quyền tự nhiên. Khi hiện nay, một nhà máy nước đảm nhiệm cung cấp nước theo khu vực dân cư. Người dân cho dù là khách hàng thì cũng phải phụ thuộc vào đơn vị cung cấp nước, chứ không có sự lựa chọn sử dụng của một nguồn nào khác. Do vậy thị trường ngành nước càng sôi động, người dân lại càng bất an với mối lo lợi ích nhóm và cộng động xã hội sẽ trở thành con tin để chủ đầu tư dự án có thể mặc cả điều kiện với nhà quản lý, chính quyền địa phương để có được những lợi ích tối đa, còn trách nhiệm của nhà đầu tư ở mức tối thiểu.
Vậy nên giọt nước nhỏ, những vấn đề đặt ra rất to. Đừng người dân trở thành con tin của những nhà cung cấp nước sạch.
Diệu Hương Chính trị , Kinh tế , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment