Cập nhật tin tức nóng hổi

Đà Nẵng muốn “đốt” tiền vào dự án nhà hát 50.000 tỷ đồng?

Nếu 50.000 tỷ đồng được dùng vào những việc thiết thực, xử lý những yêu cầu cấp bách hơn như quy hoạch đô thị, chống ngập, xử lý môi trường, đầu tư trang thiết bị bệnh viện, trường học hoặc hỗ trợ thêm các dự án dân sinh… thì người dân sẽ hạnh phúc biết bao.
Đà Nẵng muốn “đốt” tiền vào dự án nhà hát 50.000 tỷ đồng?
Đà Nẵng muốn xây dựng Nhà hát lớn bằng hình thức PPP, với số vốn lên đến 50.000 tỷ đồng.

Không phủ nhận việc xây dựng các công trình mang tính biểu tượng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy kinh tế, tăng trưởng du lịch, quảng bá hình ảnh cho Đà Nẵng. Nhưng với tiềm năng, tiềm lực, nhu cầu… mà thành phố hiện có, liệu xây nhà hát hàng chục nghìn tỷ đồng liệu có đáng?

Những công trình văn hóa hoang phí

Mới đây, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định phê duyệt danh mục 57 dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2020-2025, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trên cơ sở đề nghị của Ban Xúc tiền và hỗ trợ đầu tư.

Đáng chú ý, trong 57 dự án trọng điểm đó, thành phố cũng muốn xây dựng Nhà hát lớn bằng hình thức PPP, với số vốn lên đến 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên Đà Nẵng chưa đưa ra địa điểm cụ thể. Các thông số kỹ thuật về nhà hát đang chờ nhà đầu tư đề xuất.
Đà Nẵng muốn “đốt” tiền vào dự án nhà hát 50.000 tỷ đồng?
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao chia sẻ: Trong quy hoạch trước đây, vị trí xây dựng nhà hát lớn nằm trong khu đô thị lấn biển Đa Phước, quy mô 8 ha.

Cần phải nhớ, địa phương này đang có một công trình văn hóa đang bị “treo” đó là dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn 2.000 tỷ đồng (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Dự án  này đã bị “treo” gần 10 năm qua cũng đang khiến người dân phải khổ sở.

Mở rộng ra, trên toàn dải đất hình chữ S có bao nhiêu công trình văn hóa đang bỏ hoang hoặc ngắc ngoải sắp “chết”? Chưa có ai thống kê hết, như thường lệ, công cụ truy kết quả nhanh nhất vẫn là Google.

Một cái chớp mắt, cụm từ “công trình văn hóa bỏ hoang” ra khoảng 93.600.000 kết quả (0,45 giây). Dĩ nhiên, kết quả đó không hoàn toàn chính xác nhưng phần nào cho thấy tính phổ biến của sự lãng phí ở nước ta, dông dài ra là cả trời những bất cập về chính sách xây dựng, phát triển các công trình phúc lợi công cộng trong đó có văn hóa.

Trước tiên, phải khẳng định một điều là chủ trương phát triển các thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp chiếu phim, chiếu bóng, thư viện nhằm mục đích phục vụ nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân.

Tuy nhiên, từ một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng một số tỉnh thành, địa phương đã lạm dụng, làm quá dẫn tới lãng phí, gây bức xúc và câu chuyện nhà hát 50.000 tỷ làm dậy sóng dư luận là điều dễ hiểu.

Đà Nẵng đang “đi trên mây”?

Như đã nói ở trên, những chủ trương đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật là đúng đắn. Chẳng hạn, dự án Opera Sydney gây tranh cãi ngày nào, nhưng theo một con số thống kê của hãng tư vấn và kiểm toán Deloitte cho thấy, hàng năm đang đóng góp 775 triệu USD cho Australia.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới, mà gần đây là một nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu Hristova, Aiello và Quercia của Đại học Cambridge đăng trên tạp chí Frontiers in Physics cho thấy xây dựng các công trình văn hóa lớn (đại học, nhà hát, viện bảo tàng) sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giá nhà khu xung quanh.

Vấn đề ở chỗ, đầu tư một công trình, dự án hàng chục nghìn tỷ không phải hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân không phải chuyện chơi, không thể dựa vào yếu tố “mong muốn”, “kỳ vọng” hay “ấp ủ đã lâu” mà làm được khi chưa có nghiên cứu khả thi về mặt hiệu quả kinh tế – văn hóa sẽ rất nguy hiểm.

Có thể nói, xã hội hóa là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Và có thể, Đà Nẵng và một số thành phố lớn khác làm tốt với nhiều thành tựu tốt đã đạt được. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta quên đi vai trò lãnh đạo và điều tiết của Nhà nước. Phát triển văn hóa không chỉ cần tiền mà việc định hướng lâu dài với các giá trị thẩm mỹ cũng quan trọng không kém.

Nói như vậy bởi vì, chính những sai lầm, yếu kém của quản lý Nhà nước thời gian qua trong lĩnh vực đầu tư công nói chung khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng. Hơn nữa, rất nhiều dự án đầu tư công nói chung có cái gì đó gọi là tính chất phong trào. Tức là, địa phương này có thì “tôi” phải có, cũng như việc “anh” làm được thì “tôi” cũng có thể làm được.

Thế là, có hai căn bệnh mà ngay cả trong từ điển y học thế giới hiện nay cũng chưa thể định nghĩa được đó là “căn bệnh thích hoành tráng” và bệnh “con gà tức nhau tiếng gáy”. Hai căn bệnh này được liệt vào những bệnh nan y không có thuốc chữa nhưng lại đang lây lan, phát triển rất mạnh ở Việt Nam.

Thật ra, việc xây dựng một phòng trà, một rạp chiếu bóng, một nhà hát hay hiệu sách… đều cần thiết. Đầu tư cho hạ tầng xã hội, cho công trình cũng là gián tiếp đầu tư cho các nghệ sĩ. Chỉ có điều khác với nguồn vốn tư bản ưu tiên lợi nhuận, nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngân sách eo hẹp thì phải xác lập thứ tự ưu tiên. Vì ngân sách có tính chính trị của việc phân bổ. Không phải không cần nhà hát nhưng vấn đề là ở đâu và lúc nào.

Dẫn chứng, nhà hát Sầu Riêng ở Singapore tốn đến 443 triệu USD để xây dựng. Nhà hát Quảng Châu có hai khán phòng trong đó khán phòng lớn có sức chứa 1.800 khán giả cũng tiêu tốn đến 200 triệu USD mới hoàn thành. Song song, xây công trình lớn thì kinh phí duy trì cũng lớn. Duy trì không nổi thì nhà hát xuống cấp, hoặc sẽ cần thêm tiền ngân sách. Cho nên nhiều khả năng nhà hát hàng chục nghìn tỷ của Đà Nẵng không chỉ sẽ tốn số tiền như dự kiến rồi thôi.

Vì thế, có rất nhiều câu hỏi này cần được trả lời minh bạch. Ví như: Con số 50.000 tỷ đồng tính toán như thế nào? Liệu có đủ không? Ngay cả dự án xã hội hóa, lấy tiền tư nhân để xây, thì họ muốn đổi lại cái gì? Nếu đổi lại những khu đất xung quanh thì những chủ đầu tư đó đổi lại đất ở khu nào, bao nhiêu đất? Hoặc ai cần nhà hát hàng chục nghìn tỷ lúc này? Liệu chính quyền minh bạch tới đâu với dân trong quá trình quyết định triển khai dự án? Và 50.000 tỷ (trong đó có phần xã hội hóa) để xây dựng nhà hát là con số không hề nhỏ, nhưng đó là đóng góp của toàn dân cho phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, những người ra quyết định, thực hiện dự án cần có ý thức rõ trách nhiệm của mình và phải chịu trách nhiệm để xảy ra hậu quả.

Đó là chưa nói đến chuyện, kinh phí lớn thì các đơn vị tư nhân chỉ tham gia khi cảm thấy có lợi, tức là mang về lợi nhuận thì họ mới đầu tư. Vì xét đến cùng, người làm kinh doanh có quan điểm riêng của họ. Bởi thông thường nhà đầu tư bao giờ cũng thích có dự án, còn một số nhóm lợi ích sẽ luôn cổ vũ, ủng hộ vì nhiều dự án thì có thêm nhiều cơ hội được lợi. Tuy nhiên, đứng trên phương diện của nhà quản lý, Đà Nẵng phải cân nhắc, tính toán cho hợp lý. Tiền bán đất công không nên mang ra xây nhà hát. Thay vào đó, tiền đối ứng, xã hội hóa nên được dùng vào những việc thiết thực hơn, xử lý những yêu cầu cấp bách hơn như chỉnh trang đô thị, chống ngập, xử lý môi trường, tăng cường bệnh viện, trường học, hoặc hỗ trợ thêm các dự án dân sinh… thì người dân sẽ hạnh phúc biết bao.

Sông Trà 
, ,

No comments:

Post a Comment