Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có một số nguyên nhân như sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh; văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên.
Ngày 19/12, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, kết quả cho thấy tổng số dân của Việt Nam tính đến thời điểm 1-4/2019 là 96.208.984 người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.
Tỷ lệ nam nữ đang mất cân bằng
Đây là kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống.
111,5 bé trai/100 bé gái
Đáng chú ý, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện đang cao hơn mức sinh học tự nhiên, mặc dù tình trạng này đã được cải thiện trong những năm gần đây.
Theo báo cáo, việc mất cân bằng giới tính đang gia tăng bất thường với tỉ số giới sinh lên tới 111,5 bé trai/100 bé gái trong năm 2019 này, sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới trẻ tuổi so với nữ.
"Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỉ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu"- theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay.
Do quan niệm trai - gái
Vào tháng 4/2019, theo thống kê, tỉ số giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái. Sự gia tăng bất thường về tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam trong những năm gần đây đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và sự quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính khi mang thai ở Việt Nam trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả, dẫn đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.
Theo thống kê, ở thành thị tỷ lệ sinh con trai ít hiệu quả hơn ở nông thôn
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, tỉ số giới tính khi sinh của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn.
Ở thành thị, cứ 110,8 bé trai thì có 100 bé gái được sinh ra, trong khi đó ở nông thôn con số này là 111,8 bé trai/100 bé gái sinh ra.
Khu vực Đồng bằng sông Hồng là nơi có sự chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh cao nhất, với 115,5 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, khu vực thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với 106,9 bé trai/100 bé gái sinh ra.
Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam có một số nguyên nhân như sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh; văn hóa Nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân đến từ việc đánh giá thấp giá trị của nữ giới trong gia đình và xã hội tại mỗi vùng, miền.
Ngoài ra, việc tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn trong lựa chọn giới tính thai nhi khi mang thai hoặc chẩn đoán giới tính thai nhi dẫn tới nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
Và, việc lựa chọn giới tính trước khi sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng chỉ ra các hệ lụy tới cấu trúc gia đình và các vấn đề xã hội trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay.
Quan niệm sinh con theo ý muốn cũng góp phần làm chênh lệch giới tính
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội, tác động của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. "Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỉ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm kiếm bạn đời"- Tống cục Thống kê nêu.
Tổng cục thống kê dân số cho rằng, có thể xảy ra tình trạng trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỉ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn.
Theo Minh Ngọc/Trí Thức Trẻ
afamily.vn Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment