Cập nhật tin tức nóng hổi

Một cuộc hội thảo qui mô để rút ra một điều rất… cũ!

Đó là cuộc Hội thảo khoa học “100 năm chữ Quốc ngữ” do Hội Ngôn ngữ học TPHCM tổ chức ngày 21/12 với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học liên quan tới lĩnh vực này. Và theo báo Dân trí, cuộc Hội thảo đã đi tới kết luận: “Không nên cải tiến chữ Quốc ngữ”.
Một cuộc hội thảo qui mô để rút ra một điều rất… cũ!
Tại Hội thảo, hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý với nhận định của Nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM:

“Chữ Quốc ngữ là thành quả được khởi tạo từ công lao của các giáo sĩ phương Tây đầu thế kỷ 17 như Francisco de Pina, Gaspar de Amaral, Antonia Barbosa…

Bằng việc hợp, chỉnh lý, bổ sung thành quả của lớp người đi trước qua các tác phẩm Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latinh và Phép giảng tám ngày năm 1651, Alexandre de Rhodes là người có công tổng kết giai đoạn hình thành của chữ tiếng Việt bằng hệ thống chữ cái Latinh”.

Song, để có được chữ quốc ngữ như ngày hôm nay, còn là sự góp công, góp sức của nhiều thế hệ người Việt. Và nó “hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kỳ cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ” như khẳng định của GS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.

GS.TS Đinh Văn Đức – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng khẳng định: “Sửa chữ viết là động đến văn hóa. Mà văn hóa thì bền vững và có bộ lọc cực kỳ tinh tế”.

Tóm lại, cuộc Hội thảo đã đưa ra một kết luận không hề mới, đó là không nên cải tiến chữ quốc ngữ.

Thế nhưng nhìn từ thực tế, người viết bài này lại thấy nó mới, rất mới bởi không hiểu từ bao giờ, trong tư duy của không ít người luôn luôn “ám ảnh” cái sự cần thay đổi.

Hình như trong ý niệm của họ, tất cả đều cần phải cải tiến, phải sửa chữa thì mới là khoa học, là sáng tạo… kể cả những cái đã hoàn hảo.

Chính cái “ý thích cải tiến” này mà nhiều khi “mèo lành hóa mèo què”, “cải tiến” hóa “cải lùi”, “đổi” không những không “mới” mà còn làm hỏng, đặc biệt rõ nét là trong giáo dục. Có thể nói kể từ khi có phong trào “cải cách” đến nay, hầu như không thời điểm nào giáo dục không giương cao ngọn cờ “đổi mới”.

Song, hiệu quả và cả hậu quả thế nào thì có lẽ ai cũng biết.

Với chữ quốc ngữ, cách hành xử đúng đắn nhất tại thời điểm hiện tại, đó là không nên cải tiến bởi nó đã đạt tới sự hoàn hảo.

Không làm được gì tốt đẹp hơn, thì cũng xin đừng phá hỏng những tinh hoa của cha ông để lại!

Theo Bùi Hoàng Tám
,

No comments:

Post a Comment