Cập nhật tin tức nóng hổi

TP.HCM: Tái diễn chiêu ‘vẽ bệnh, làm tiền’

Từ đầu năm đến nay có nhiều đơn thư của người dân gửi đến Sở Y tế TP.HCM phản ánh, tố cáo các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc ‘vẽ bệnh, làm tiền’.

Điều đáng nói, chiêu trò “vẽ bệnh, làm tiền” của các phòng khám (PK) có yếu tố Trung Quốc đã từng nhiều lần bị phản ánh, tạm lắng thời gian, gần đây lại tái diễn ở TP.HCM.
TP.HCM: Tái diễn chiêu ‘vẽ bệnh, làm tiền’
Khu vực tiếp tân của phòng khám đa khoa Thái Bình Dương

“Moi tiền” lúc người bệnh trên bàn mổ

Anh S. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nạn nhân mới nhất của PK có bác sĩ (BS) Trung Quốc hoạt động. Khoảng 19 giờ ngày 28.11, anh S. đến PK đa khoa Thái Bình Dương (gọi tắt là PK Thái Bình Dương; 34 – 36 Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) để khám do sưng bao quy đầu. Tại đây, anh S. được lấy dịch dương vật (DV), đóng tiền khám, xét nghiệm. Anh S. được một người nam mặc áo blouse trắng (không mang bảng tên) gọi vào phòng và bảo nằm lên giường bệnh để kiểm tra.

“Người này cầm giấy xét nghiệm và nói tôi bị viêm DV do bao quy đầu dài, từ từ bao quy đầu sẽ hẹp lại dẫn đến tắc DV, gây hư hỏng các chức năng của DV (?). Không uống thuốc được mà phải cắt bao quy đầu giá 6 triệu đồng, làm từ 5 – 10 phút xong”, anh S. nói. Sau đó, một người nam mặc áo xanh (không mang bảng tên) tiểu phẫu cho anh S. Nhưng lạ là, từ đầu đến cuối, người này không nói một câu nào. Tất cả bệnh tình của anh S. đều do người nam mặc blouse trắng “phán”, tư vấn.

“Sau khi người mặc áo xanh cắt bao quy đầu xong, người áo trắng nói tôi phải đốt các bợn trắng để trị dứt điểm và tính phí phẫu thuật tầm 10 triệu đồng. Tiếp đó người này lại nói tôi bị nổi 5 – 6 hột viêm trắng to như hạt đậu đang làm tắc các mạch máu, nếu không cắt sẽ bị vô sinh, dẫn đến hoại tử và lây xuống bìu (?) rồi đưa hình ảnh từ máy tính bảng minh họa cho tôi xem. Tổng chi phí lúc này đã lên đến hơn 50 triệu đồng”, anh S. kể lại và cho biết thêm trong tình thế đang nằm trên bàn mổ, DV máu me bê bết, lại bị người của PK này “phán” quá nhiều bệnh và nhiều nguy cơ như vậy nên anh hoảng sợ và đồng ý.
TP.HCM: Tái diễn chiêu ‘vẽ bệnh, làm tiền’
Người phiên dịch tên Trung bịt khẩu trang kín mít khi tiếp xúc với PV

Tiểu phẫu xong, anh S. đòi lấy hồ sơ bệnh án, lúc này mới biết người “phán” bệnh cho anh nãy giờ chỉ là phiên dịch, và được nhân viên PK gọi là “anh Bình”.

“Tôi mở hồ sơ ra xem thì tên BS (người mặc áo xanh làm tiểu phẫu cho anh S. – PV) được đóng dấu là người Trung Quốc, nhưng không có chữ ký gì cả. Điều đáng nói, tình trạng bệnh của tôi được người phiên dịch tên Bình tự ý ghi bằng tiếng Việt với nội dung “bị bao quy đầu dài, yêu cầu cắt bao quy đầu…”, anh S. rất bức xúc. Ngay ngày hôm sau, DV của anh S. bị sưng to, quá lo lắng, anh đến một bệnh viện (BV) chuyên sâu ngoại khoa và được đưa vào phòng cấp cứu để xử lý gấp vì có nguy cơ hoại tử. “BS nói tôi chỉ bị viêm bao quy đầu bình thường, uống thuốc là hết”, anh S. nói.

Phòng khám thừa nhận người phiên dịch sai

Chiều tối 2.12, anh S. đến PK Thái Bình Dương để làm việc với lãnh đạo PK. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, được giới thiệu là quản lý PK, nói với anh S. người phiên dịch cho anh tên Vòng Khai Trung (không phải tên Bình như nhân viên PK gọi).

Còn bà Hiền, được giới thiệu là phụ trách truyền thông PK Thái Bình Dương, nói: “Quy định của PK thì phải tư vấn cho bệnh nhân (BN) ngay từ đầu. Chỗ bạn Trung tư vấn không đúng thì PK sẽ có những biện pháp để xử lý bạn ấy”.

Trả lời anh S. về những chẩn đoán của BS BV chuyên sâu về ngoại khoa nói trên quá khác so với nhân viên PK Thái Bình Dương “phán”, bà Dung nói BS BV này đương nhiên sẽ không thích gì BS Trung Quốc bên này (?!).

Kết thúc buổi làm việc, PK đồng ý hoàn trả lại số tiền 50 triệu đồng mà anh S. đã chi trả. Đáng chú ý, trong biên bản ghi lại việc hoàn trả chi phí có nội dung: “Không khiếu nại về các vấn đề liên quan đến việc khám, chữa bệnh tại PK Thái Bình Dương với Sở Y tế TP.HCM, công an, nhà báo, UBND và tất cả các cơ quan chức năng khác”.

Xuyên suốt buổi làm việc, anh S. yêu cầu cho xem bảng giá dịch vụ của PK, vì trước đó anh được tư vấn là phẫu thuật với máy móc hiện đại, nhưng thực tế BS chỉ cắt tay thông thường. Bà Dung bảo nhân viên PK đem bảng giá xuống nhưng đến cuối buổi, sau vài lần hối thúc nhân viên cũng chẳng thấy bảng giá dịch vụ đâu…

Liên tục sai phạm, sao không rút phép?

Điều đáng nói, PK Thái Bình Dương liên tục sai phạm, bị phạt. BS Nguyễn Mạnh Cường, quyền Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho PV  biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra PK Thái Bình Dương 3 lần, phạt tổng cộng hơn 142 triệu đồng. Cụ thể, kiểm tra hồi tháng 1 phát hiện PK này sai phạm: không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động, quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn… bị phạt 36 triệu đồng. Lần thứ 2 kiểm tra vào tháng 6, PK này tiếp tục sai phạm quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, bị phạt 30 triệu đồng. Lần thứ 3 kiểm tra mới hồi tháng 10, thanh tra phát hiện PK chỉ định dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; thu giá cao hơn giá niêm yết; hồ sơ bệnh án sai lệch thông tin, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; nhân viên không đeo bảng tên, phạt 76,7 triệu đồng.

5 bước “moi” tiền bệnh nhân trên bàn mổ ở các phòng khám có yếu tố Trung Quốc

Bước 1: BN vào PK, lúc đầu tiếp tân giải thích là làm xét nghiệm, siêu âm chỉ vài trăm ngàn đồng.

Bước 2: Tiếp tân trao đổi với BN nói thế này, thế kia. Nếu là BN nữ thì nói khí hư, viêm loét cổ tử cung. Nếu là BN nam thì nói hẹp bao quy đầu, viêm đường tiểu… Tất cả đều nhằm để BN đồng ý làm thủ thuật.

Bước 3: BN được thủ thuật do BS người Trung Quốc thực hiện, trao đổi thông qua thông dịch viên. BS rửa, thông tiểu. BN đau do bị thông ống thông tiểu, nhân lúc này BS nói bệnh nặng.

Bước 4: Khi BN lo sợ, BS sẽ tư vấn cho BN có 3 gói điều trị bệnh hàng chục triệu đồng…

Bước 5: BN chọn gói cao nhất để điều trị. Nhưng đến đây vẫn chưa hết, BS nói BN bị da thừa, bao quy đầu hẹp, có thể gây ung thư, nặng nữa thì chết. BS hỏi BN: “Có cắt không?”. BN đồng ý cắt xong thì BS lại nói: “Còn da thừa ở hậu môn, để thì bệnh sẽ nặng, cắt không?”. Cứ như vậy, có BN khi còn nằm trên bàn thủ thuật thì đã tốn 70 – 80 triệu đồng!

“PK Thái Bình Dương liên tục sai phạm, vậy tại sao không bị rút phép?”, PV đặt vấn đề.

BS Nguyễn Mạnh Cường cho rằng trong các điều khoản quy định rút phép hoạt động chỉ khi nào PK thực hiện kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề. Còn các sai phạm khác chỉ phạt hành chính, nhưng PK này tái diễn nhiều lần như vậy nên Sở Y tế cũng đang kiến nghị Bộ Y tế cần có biện pháp mạnh hơn. Điều đáng lưu ý là trong đợt kiểm tra các PK đa khoa của Sở Y tế TP.HCM vừa công bố thì PK Thái Bình Dương là 1 trong 41 PK có điểm chất lượng kém nhất tại TP.HCM (dưới 2 điểm).

Trác Rin/ Thanh Niên
,

No comments:

Post a Comment