Để nâng cao tổng công suất nguồn của Tổng công ty phát điện 2 (EVNGENCO 2), đơn vị này đã đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) xem xét cho nghiên cứu đầu tư một số nhà máy nhiệt điện.
Tổng công ty phát điện 2 đề xuất Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho xem xét đầu tư nhiều dự án nhiệt điện. Trong ảnh là một dự án nhiệt điện than ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thông tin nêu trên được ông Trương Hoàng Vũ, Tổng giám đốc EVNGENCO 2 cho biết tại hội nghị “Tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020” được tổ chức vào hôm nay, 2-1, ở Thành phố Cần Thơ.
Theo đó, trong phần kiến nghị, bên cạnh đề xuất với EVN về phê duyệt chế độ/kế hoạch tiền lương phù hợp cho người lao động; thông báo sớm kế hoạch huy động hoặc phương thức vận hành cụ thể cho khối nhiệt điện dầu để EVNGENCO 2 có thể đảm bảo kịp thời cung cấp nhiên liệu phục vụ sản xuất, thì đơn vị này còn đề xuất xem xét cho nghiên cứu đầu tư nhiều dự án nhiệt điện.
Cụ thể, ông Vũ đề xuất EVN cho đơn vị này nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn V; dự án nhà máy nhiệt điện Phả Lại mở rộng thay thế cho dây chuyền 1 vì đã vận hành hơn 30 năm và nghiên cứu đầu tư dự án Trung tâm điện lực Tân Phước.
Mục đích của kiến nghị cho xem xét đầu tư những dự án nhiệt điện như nêu trên nhằm nâng cao tổng công suất nguồn của EVNGENCO 2.
Trước đó, tại hội nghị này, ông Vũ thông tin trong năm 2019, tổng sản lượng điện được EVNGENCO 2 sản xuất là 17.134,211 triệu KWh, đạt 98,03% kế hoạch năm 2019, xấp xỉ sản lượng điện đã được đơn vị này sản xuất trong năm 2018. Trong đó, nhiệt điện than thực hiện được là 14.159,451 triệu KWh, đạt 103,95% kế hoạch năm, tăng 12,61% so với năm 2018 và chiếm đến 82,64% tổng sản lượng điện sản xuất của toàn Tổng công ty.
Liên quan đến đề xuất đầu tư dự án Trung tâm điện lực Tân Phước ở Tiền Giang, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang khi trao đổi với TBKTSG Online hồi tháng 9 năm ngoái đã nhấn mạnh quan điểm, đối với Trung tâm điện lực Tân Phước, địa phương chỉ đồng ý đầu tư bằng khí hóa lỏng (LNG), chứ không chấp nhận đầu tư nhiệt điện than.
Lúc bấy giờ, ông Phương cho biết, quy hoạch Trung tâm điện lực Tân Phước chỉ nói chung là quy hoạch nhiệt điện, chứ không nói cụ thể là điện than hay khí. “Nhưng, tỉnh thấy một số nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường và tro xỉ cần phải xử lý này kia, thành ra hiện nay tỉnh chỉ chủ trương mời gọi đầu tư LNG để đảm bảo môi trường”, ông Phương nhấn mạnh khi trao đổi với TBKTSG Online.
Mới đây, những liên minh tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ quyền- sức khỏe- môi trường- năng lượng – pháp lý đã đề xuất Chính phủ cho tạm dừng triển khai các nhà máy nhiệt điện than mới để rà soát, đánh giá toàn diện tính khả thi về tài chính, các tác động về sức khỏe, môi trường, an ninh, trật tự xã hội của loại hình năng lượng này.
Bên cạnh đề xuất như nêu trên, các liên minh cũng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp về kỹ thuật và kinh tế để tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; bảo đảm thực thi các quy định nêu trong Hiến pháp 2013 và các văn bản có liên quan về dân chủ cơ sở trong việc tham vấn ý kiến người dân trong triển khai các dự án năng lượng, ngay từ khâu lập kế hoạch.
Theo Thời báo KTSG Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment