Số người nhiễm và tử vong vì dịch virus corona Vũ Hán tăng vùn vụt mỗi ngày tại Trung Quốc và có xu hướng lan rộng sang nhiều nước khác, trong khi đó những gì giới y tế nói chung biết về loại virus này vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định, cần phải sẵn sàng cho một viễn cảnh xấu nhất, con số tử vong thậm chí có thể lên đến hàng chục triệu người ở quy mô toàn cầu.
Một phụ nữ làm dấu kêu gọi ngăn chặn dịch virus corona Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)
Sơ lược về virus corona Vũ Hán
Tính đến hết ngày 26/1, phía Trung Quốc cập nhật hơn 2700 người xác nhận bị nhiễm và 80 trường hợp tử vong trong dịch viêm phổi Vũ Hán. Ngoài Trung Quốc còn có thêm 13 nước khác xác nhận đã có bệnh nhân dương tính với virus corona 2019-nCoV.
Mặc dù các nhà khoa học Trung Quốc đã nhanh chóng công bố trình tự gen của chủng virus mới nhưng điều đó chưa đủ để xác định chính xác nguồn gốc và khả năng lây nhiễm cũng như mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Ngay từ sớm, nhiều bệnh nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc được cho là có liên quan đến một chợ hải sản và động vật hoang dã, gợi ý về tình huống virus lan truyền từ động vật sang người. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bệnh nhân được báo cáo là không hề tiếp xúc với chợ hải sản này, minh chứng cho sự lây lan từ người sang người. Mức độ truyền nhiễm từ người sang người như thế nào chưa được xác định rõ.
Hiện tại, bệnh nhân chủ yếu được sàng lọc dựa trên các triệu chứng điển hình của viêm phổi, như sốt, ho… nhưng thông tin về việc người bệnh có thể âm tính đối với virus corona, hoặc mang virus nhưng không có bất kỳ biểu hiện đặc thù nào khiến tình huống trở nên phức tạp hơn.
Theo báo cáo ngày 24/1 của các nhà nghiên cứu ở bệnh viện Vũ Hán, nhiều bệnh nhân đã nhiễm virus corona mà không bị sốt. Họ có các dấu hiệu như tiêu chảy, đau ngực, đau đầu… đều không liên quan tới hô hấp.
Do đó, việc chỉ thực hiện đo thân nhiệt du khách tại các điểm vận chuyển hành khách là chưa đủ để sàng lọc virus corona.
Phân tích dựa trên dữ liệu từ những ca tử vong đầu tiên, một số chuyên gia nhận định loại virus corona mới này dường như ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới cao tuổi và trong điều kiện ôn đới. Ông Cao Phúc, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cũng đưa ra nhận định tương tự. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, phía Trung Quốc xác nhận nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi (bé gái họ Chung 2 tuổi tại TP. Hà Thì, bé gái 9 tuổi tại Thiểm Tây, bệnh nhân 10 tuổi tại Thẩm Quyến…)
Ngoài ra, trong khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông báo của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hay Bộ Y tế Việt Nam đều không có ghi rằng virus Corona đang gây dịch bệnh viêm phổi cấp trở nên suy yếu và không phát triển ở nhiệt độ trên 25 độ C.
Thông tin rằng virus này bị suy yếu và mất khả năng lan truyền ở nhiệt độ môi trường cao hơn 25 độ C là không chính xác.
Viễn cảnh xấu nhất của virus corona mới sẽ tệ đến mức nào?
Báo cáo của các chuyên gia Anh, Mỹ
Theo The Epoch Times, các nhà nghiên cứu y sinh tại Anh và Mỹ hôm 24/1 công bố nghiên cứu dự báo virus corona có thể gia tăng lây nhiễm cao cho tới ngày 4/2, khi đó số người nhiễm virus corona tại Vũ Hán sẽ tăng lên từ 132.000 tới 273.000 trường hợp.
Báo cáo của các chuyên gia Anh, Mỹ cho hay: “Nếu không thay đổi về kiểm soát truyền nhiễm, thì chúng tôi cho rằng sẽ bùng phát thêm bệnh dịch tại các thành phố khác ở Trung Quốc và gia tăng tốc độ lây lan tới các địa điểm quốc tế khác.” Thống kê hiện tại cho thấy dịch bệnh đã có mặt hầu như khắp các tỉnh của Trung Quốc.
Viết trên Twitter ngày 25/1, Tiến sĩ Eric Feigl-Ding (Eric Ding) của Đại học Harvard, cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, người có rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về dịch tễ, cho rằng dịch virus corona Vũ Hán là cực kỳ nghiêm trọng. Ông viết trên Twitter:
“Có người cho rằng tôi đang cố tình gieo rắc nỗi lo sợ. Tôi không hề – tôi là một nhà khoa học. Con virus này là cực kỳ nghiêm trọng. Hơn 50 triệu người đã được cách ly (tính đến ngày 25/1/2020), và số trường hợp (mắc bệnh) đếm được ngày càng tăng cao. Dự đoán rằng WHO sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp. Hãy cầu nguyện những điều tốt nhất, và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Con coronavirus mới này có hệ số sinh trưởng (reproductive R0 value) là 3.8. Nó tệ hại đến mức nào? Đây là hệ số phá hoại tương đương một thảm họa bom nhiệt hạch. Cả sự nghiệp nghiên cứu của tôi chưa từng gặp một hệ số thực tế lớn như vậy. Tôi không hề phóng đại đâu…
Chúng tôi ước tính hệ số lây nhiễm cơ bản là vào khoảng 3.8. Dữ liệu này cho thấy, muốn chặn đứng sự lây lan người ta phải sử dụng các biện pháp cách ly từ 72 đến 75% những trường hợp có nguy cơ lây bệnh.
Chúng tôi ước lượng chỉ có 5.1% những ca nhiễm bệnh được phát hiện tại Vũ Hán, nghĩa là tính đến ngày 21/1/2020 có tới khoảng 11.341 ca nhiễm bệnh (tính từ đầu năm). Dịch bệnh sẽ còn tăng cao không dừng lại…”
Khi dịch viêm phổi xảy ra, nhiều người giật mình liên hệ với lời cảnh báo đã được đưa ra từ 3 tháng trước bởi các chuyên gia Mỹ về một loại virus mới có thể giết chết hàng chục triệu người. Trong đó, các nhà khoa học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins đã mô phỏng một đại dịch giả định trên máy tính vào tháng 10/2019, theo đó ước đoán 65 triệu người trên thế giới sẽ mất mạng trong 18 tháng.
Nếu điều đó xảy ra, nó có thể so sánh với đại dịch cúm (H1N1) khủng khiếp năm 1918 – đã cướp đi sinh mạng của 50-100 triệu người và lây nhiễm 500 triệu người trên khắp thế giới, bao gồm các đảo xa xôi Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Tiến sĩ Eric Toner, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, tác giả công trình nói trên cho biết, ông không ngạc nhiên khi nghe tin về sự bùng phát của virus corona tại Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019.
“Từ lâu tôi đã nghĩ rằng loại virus có khả năng gây ra đại dịch mới sẽ thuộc loại corona”, ông nói với trang Business Insider.
“Chúng tôi chưa biết nó dễ lây lan như thế nào. Chúng tôi biết loại virus này đang lan truyền từ người sang người, nhưng chưa biết ở mức độ nào”.
“Ấn tượng ban đầu là nó nhẹ hơn đáng kể so với dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Vì vậy có thể yên tâm. Nhưng nó có thể lan truyền nhiều hơn SARS, ít nhất là trong môi trường cộng đồng”.
Mô phỏng trên máy tính của TS. Eric Toner cho thấy, sau 6 tháng, gần như mọi quốc gia trên thế giới sẽ có trường hợp nhiễm virus corona mới này. Trong vòng 18 tháng, 65 triệu người có thể tử vong do chủng loại virus này.
Eric Toner đã sử dụng một loại virus giả tưởng gọi CAPS để nhập dữ liệu cho phân tích máy tính của mình. CAPS kháng lại tất cả các loại vắc-xin hiện đại và nguy hiểm hơn SARS, giống với virus corona hiện nay. Tuy nhiên, thay vì có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông đã giả định bắt đầu nhiễm virus CAPS từ các trang trại lợn ở Brazil.
Ban đầu CAPS chỉ lây nhiễm cho nông dân ở gần với lợn bị nhiễm bệnh. Nhưng cuối cùng nó tự nhiên lan sang các khu vực đông đúc và nghèo khó hơn, rồi đến các thành phố lớn, các quốc gia khác… Điều này cũng khá giống với tình trạng virus viêm phổi hiện nay đang phát tán ra thế giới.
Gần 7.000 khách Trung Quốc đến Quảng Ninh trong 3 ngày Tết (Ảnh: baochinhphu.vn)
Do vậy, cũng như giáo sư Eric Ding, một số chuyên gia y tế khác cũng nhận định: Hãy nghĩ đến khả năng xấu nhất của bệnh nhân hay cộng đồng để ứng phó, thay vì chủ quan chỉ nghĩ đến khả năng nhẹ nhất.
Để biết các biện pháp tự bảo vệ khỏi dịch virus corona mới cho bản thân và gia đình, vui lòng tham khảo: Một số lời khuyên phòng chống virus corona mới từ Trung Quốc (infographic)
Theo Trí thức VN Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment