Cập nhật tin tức nóng hổi

Bộ Giáo dục định cải tiến hay cải “lùi”?

Việc đưa danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên vào “vòng bí mật” nhằm mục đích gì và Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phải giải thích cho rõ về việc này, đồng thời đề nghị phải công khai như trước đây.
Bộ Giáo dục định cải tiến hay cải “lùi”?
Việc xét công nhận Giáo sư – Phó giáo sư (GS, PGS) ở nước ta có thể nói chính thức bắt đầu từ năm 1976 và cho đến nay có nhiều thay đổi. Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều, tranh luận tại sao có những thành viên của HĐGSNN lại không phải công khai lý lịch khoa học.

Cần phải công khai lý lịch khoa học

HĐGSNN do Thủ tướng quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có trách nhiệm xét công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Thành viên của Hội đồng gồm: Chủ tịch hội đồng, một Phó Chủ tịch hội đồng, Tổng thư ký và các ủy viên. Các thành viên phải có chức danh GS. Tổng thư ký hội đồng làm việc theo chế độ chuyên trách. Các thành viên khác của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

Một trong những tiêu chuẩn cơ bản của thành viên HĐGSNN, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg nêu rõ, thành viên phải “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; Trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng….”,.

Được biết, lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng giáo sư bao gồm kê khai thông tin cá nhân; trình độ học vấn (quá trình đào tạo Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, năm tốt nghiệp, bậc đào tạo, chuyên ngành, cơ sở đào tạo; trình độ ngoại ngữ (trình độ nghe, nói, đọc, viết); nghiên cứu khoa học ( sách chuyên khảo, sách giáo trình, tên sách, mức độ tham gia, mã số chuẩn quốc tế ISBN (nếu có)) …

Mặt khác, nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS được hưởng những quyền lợi về bậc lương, ưu tiên khi làm khoa học. Năm 2012, Thủ tướng ban hành quyết định số 20 điều chỉnh, bổ sung một số điều của quyết định số 174. Theo đó, GS, PGS được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục.

GS, PGS ở đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

GS, PGS được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học – công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó là quyền lợi nhất định trong việc nâng ngạch lương.

Vì thế, rõ ràng cần phải công khai lý lịch khoa học của tất cả các thành viên để không chỉ các chuyên gia, người trong nghề, mà dư luận cũng có quyền được biết (chí ít là thông qua bản lý lịch khoa học) các cá nhân đó có xứng đáng ngồi vào vị trí thành viên của HĐGSNN hay không.

Tại sao người ta cứ thích sự “mù mờ”?

Công việc chính của nhà khoa học là giảng dạy và nghiên cứu. Nếu không có công trình nghiên cứu chất lượng và được công nhận thì GS, PGS chưa làm tốt công việc của mình. Dư luận và nhiều chuyên gia đã không quá khi nói chất lượng GS, PGS không cao, không thực chất, đang ở trong tình trạng “báo động đỏ”.

Nếu so sánh với khu vực, số lượng nghiên cứu công bố trên tạp chí ISI/Scopus của Việt Nam cũng tụt hậu so với Thái Lan hay Singapore. Ước tính, đến năm 2030, số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ bằng Singapore hiện tại. Đến năm 2025, Việt Nam bằng Thái Lan năm 2016.

Không chỉ số lượng ít, chất lượng các công bố thông qua chỉ số trích dẫn của Việt Nam cũng kém so với các nước ASEAN, nhất là Philippines và Singapore. Bên cạnh đó, một vấn đề nhiều nhà khoa học quan tâm là nghiên cứu Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều “ngoại lực”. Có tới 80% các công trình khoa học đứng tên chung hoặc hợp tác với người nước ngoài.

Nhìn rộng một chút, ở các nền giáo dục khác trên thế giới như châu Âu hay Mỹ, cấp độ trường đại học hoàn toàn có khả năng công nhận chức danh GS, PGS. Đây đơn giản chỉ là hoạt động tuyển dụng hoặc nâng ngạch nghề nghiệp cho giảng viên và diễn ra hàng năm. Nhà nước có chăng tham gia vào việc bổ nhiệm GS, PGS chỉ ở mức đưa ra quy trình và tiêu chuẩn sàng lọc.

Trong khi đó, ở Việt Nam, HĐGSNN bao gồm 28 Hội đồng GS liên ngành.Với Hội đồng dàn trải và chuyên môn không tập trung thế này, làm sao có thể đủ khả năng đánh giá để bỏ phiếu đồng ý/không đồng ý cho các ứng viên là GS, PGS không cùng ngành/chuyên ngành của mình?

Với chất lượng GS, PGS không cao, đòi hỏi quy trình xét duyệt các ứng viên càng nghiêm ngặt và những người ở vị trí “cầm cân nảy mực” kia đòi hỏi phải xứng đáng cả về trình độ chuyên môn lẫn phẩm chất chính trị.

Ấy thế mà, trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp Hội đồng giáo sư (gọi tắt là Thông tư sửa đổi) mới đây Bộ GD-ĐT dự kiến bãi bỏ điểm e khoản 3 Điều 7 của Quy chế mà Bộ này ban hành tại Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT trước đó (ban hành ngày 28/3/2019). Tức là, bãi bỏ yêu cầu công khai trên trang thông tin điện tử của HĐGSNN danh sách thành viên, cùng với bản tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên.

Việc đưa danh sách thành viên HĐGSNN và bản tóm tắt lý lịch khoa học của các thành viên vào “vòng bí mật” để lại cho dư luận nhiểu khúc mắc, như Bộ làm vậy nhằm mục đích gì và Bộ có trách nhiệm phải giải thích cho rõ về việc này, đồng thời đề nghị phải công khai như trước đây.

Liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Gia Khải – một trong những giáo sư đầu ngành lĩnh vực y tế cho rằng, nếu xứng đáng thì tội gì không công khai. Không có lý do gì là cấm kỵ ở đây cả. Các vị làm khoa học bao giờ, công trình thế nào và trình độ ngoại ngữ ra sao? Không công khai là không được!

Nói cách khác, đã là hội đồng xét công nhận thì đều phải công khai để biết được tài năng, kinh nghiệm của các thành viên hội đồng đó đến đâu, có đủ tư cách tham gia hội đồng hay không, đồng thời cũng để giám sát xem hội đồng đó có lợi ích nhóm không, có thiên vị cá nhân không.

Bản thân các ưng viên GS, PGS cũng cần được biết người chấm điểm, xét chọn mình là ai, trình độ như thế nào, còn cứ mù mờ thì không ai biết được và cũng không giám sát được.

“Nếu không công khai thì không tránh khỏi nguy cơ thành viên hội đồng làm những chuyện không phù hợp với quy định, vì lợi ích nhóm rồi nghi kỵ lẫn nhau, người nọ đổ thừa cho người kia” – GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nói.

Chính vì vậy, dự thảo Thông tư bỏ quy định công khai danh sách thành viên và bản tóm tắt lý lịch khoa học của thành viên HĐGSNN là một bước thụt lùi. Không hiểu Bộ GD-ĐT định cải tiến kiểu gì!

Nguồn Ngoibuttre , ,

No comments:

Post a Comment