Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tăng cường kiểm soát ý thức hệ, siết chặt các quyền tự do dân sự trên toàn quốc. Ngay trong nội bộ ĐCSTQ, các cán bộ cũng có thể bị kỷ luật vì bày tỏ ý kiến khác với lãnh đạo. Dưới sự thống lĩnh của ông Tập, nhiều nhà trí thức, nhà báo, luật sư nhân quyền và nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đã bị bịt miệng, bỏ tù, hoặc trốn ra nước ngoài. TQ không cho phép ai thách thức và phá vỡ sự độc quyền về thông tin của mình.
GS Trung Quốc Hứa Chương Nhuận (Ảnh: defendlawyers.wordpress.com)
Ngày 16/2, tờ The Guardian đưa tin giáo sư Trung Quốc Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), người gần đây công bố một bài phê bình hiếm hoi về Chủ tịch Tập Cận Bình và cuộc khủng hoảng dịch bệnh corona tại Trung Quốc, đã bị cảnh sát quản thúc tại gia trong nhiều ngày, xoá tài khoản mạng xã hội, và hiện nhà ông đã bị cắt mạng Internet, theo thông tin từ bạn bè của giáo sư Hứa.
Trong bài bình luận táo bạo “Khi người dân phẫn nộ không còn sợ hãi” đăng ngày 4/2 làm xôn xao giới trí thức Trung Quốc, giáo sư Hứa đã chỉ trích hệ thống kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, chỉ trích việc kiểm duyệt thông tin, phê phán nền chính trị bạo ngược, suy đồi đạo đức, sẵn sàng hy sinh người dân để bảo vệ lợi ích của Đảng, đồng thời báo hiệu sự sụp đổ và thời khắc lập hiến đang đến. Ông cũng cho biết đây có thể là tác phẩm cuối cùng mà ông công bố.
Giáo sư Hứa Chương Nhuận từng giảng dạy môn Luật tại Đại học Thanh Hoa. Sau nhiều bài viết phê bình TQ và ông Tập Cận Bình, ông đã bị cách chức vào tháng 3 năm 2019, bị cấm viết và xuất bản. Tuy thế, ông vẫn bất chấp, tiếp tục chỉ trích nền cai trị độc tài của TQ.
Một người bạn giấu tên của GS Hứa đã tiết lộ cho báo The Guardian rằng cảnh sát đã quản thúc ông tại gia ngay sau khi ông trở về Bắc Kinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại quê nhà ở tỉnh An Huy với lý do “kiểm dịch.”
“Trong những ngày đó, ít nhất có hai người đứng canh trước cửa nhà GS Hứa suốt ngày đêm, cùng một chiếc ô tô có hộp tín hiệu [của cảnh sát]. Nhân viên an ninh cũng đã vào nhà và cảnh cáo ông ấy, các hoạt động của ông ấy bị hạn chế,” người bạn GS Hứa tiết lộ.
Kể từ khi bài viết mới nhất được công bố, Internet của nhà ông Hứa đã bị cắt. Ông đã cố gắng sửa nó, nhưng phát hiện ra rằng IP của mình đã bị chặn. Trước đó, tài khoản trên WeChat của ông cũng đã bị đình chỉ, tài khoản Weibo đã bị xoá. Hiện chỉ còn một số bài viết trên trang web chính thức của ông là còn hiển thị trên công cụ tìm kiếm Baidu. Từ hôm chủ nhật, các cuộc gọi đến điện thoại di động của ông cũng không được trả lời.
Người bạn của ông Hứa đã gọi điện đến Bộ Công an vào chủ nhật và cũng không nhận được câu trả lời nào. Sau đó, khi gọi đến chi nhánh Changping của Văn phòng Công an Bắc Kinh, một nhân viên bắt máy và cho hay cô không biết gì về ông Hứa.
Một người bạn giấu tên khác của GS Hứa cũng đã tìm cách liên lạc với ông qua ứng dụng nhắn tin, và cho biết tình hình của ông rất đáng lo ngại. “Tôi sợ ông ấy đang bị giám sát. Ông ấy không trả lời trực tiếp các câu hỏi của tôi, chỉ nhắn lại rằng đừng lo lắng,” người bạn này tiết lộ với The Guardian.
Người bạn này cho biết thêm, sau khi ông Hứa công bố bài viết, ông ấy đã dự đoán rằng ông có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt, và đây có thể là tác phẩm cuối cùng ông ấy viết.
Những lời chỉ trích của ông Hứa với lãnh đạo của đất nước – ông Tập Cận Bình – xuất hiện ngay trước khi Trung Quốc chấn động bởi cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng hôm 7/2. Bác sĩ Lý Văn Lượng đã cố gắng cảnh báo đồng nghiệp về loại virus mới xuất hiện, nhưng đã bị cảnh sát buộc tội tung tin đồn sai lệch gây tác động xấu đến sự ổn định xã hội. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã gây ra làn sóng phẫn nộ đòi quyền tự do ngôn luận trên mạng chưa từng thấy tại Trung Quốc.
“Cái chết của bác sĩ Lý đã phơi bày triệt để sự mục ruỗng trong việc điều hành và kiểm soát của chính quyền TQ; nó đã tác động rất sâu sắc đến tâm trí của mọi người,” ông Hồng Chấn Khoái, một nhà sử học độc lập hiện đang làm việc bên ngoài Trung Quốc, đồng thời là một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo, nhận xét.
Sau vụ việc, một số nhà trí thức nhận thấy cơ chế kiểm duyệt báo chí tại Trung Quốc được nới lỏng đi một chút với các câu chuyện về tình hình thực tế cuộc sống ở tâm dịch Vũ Hán và các tin tức mới nhất về dịch bệnh, như trên tờ Tài Tân, được lan truyền rộng rãi. Tuy vậy, sự giận dữ của công chúng đối với tình trạng kiểm duyệt của Nhà nước không đồng nghĩa với việc sẽ có bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào trong cơ chế của TQ, nơi đã mài giũa khả năng kiểm duyệt mọi thông tin trong nhiều thập kỷ.
Việc “những người nói lên sự thật” bị bắt giữ tại Vũ Hán là minh chứng cho điều này. TQ không cho phép ai thách thức và phá vỡ sự độc quyền về thông tin của chính quyền.
Trần Thu Thực (Chen Qiushi), được biết đến là nhà báo công dân, luật sư nhân quyền, người từng quay các cảnh tượng kinh hoàng về dịch corona và chia sẻ lên mạng xã hội, đã biến mất từ khoảng 19h (giờ địa phương) ngày 6/2. Anh Trần đã đến các bệnh viện, nhà tang lễ và nhiều khu dân cư ở Vũ Hán để tìm hiểu sự việc, đưa các video và câu chuyện chân thực lên mạng xã hội. Trong một video đăng tải trên Twitter trước khi “biến mất”, anh Trần cho biết mình phải chống chọi với virus ở trước mặt, còn ở sau lưng là áp lực từ TQ, tuy nhiên anh không sợ và sẽ tiếp tục công việc.
Còn Phương Bân (Fang Bin), một cư dân Vũ Hán từng bày tỏ sự bất mãn với việc chính quyền che giấu sự thật về tình hình dịch bệnh, cũng đã bị bắt giữ ngày 10/2. Ông từng quay video Bệnh viện số 5 Vũ Hán trong 5 phút vận chuyển 8 thi thể ra ngoài, và đăng video này lên mạng xã hội. Trước khi bị cảnh sát bắt giữ, Phương Bân đăng nhiều video kêu gọi nhân dân đứng lên phản kháng chính quyền bạo lực TQ.
Phương Bân (trái) và Trần Thu Thực (phải)
“Không có không gian cho tự do ngôn luận ở Trung Quốc,” ông Hồng Chấn Khoái nói. “Nếu bạn lên tiếng, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng trong nhiều khía cạnh. Về mặt kinh tế, chính quyền sẽ dắt đứt sinh kế của bạn [các học giả bị sa thải, các nhà văn không được xuất bản, không ai dám thuê bạn]. Bạn sẽ bị xã hội vứt ra rìa, mất bạn bè, và tệ hơn, có thể mất đi tự do thân thể. Vì vậy, nhiều người trong giới tinh hoa đã chọn cách rời khỏi Trung Quốc.”
Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tăng cường kiểm soát ý thức hệ, siết chặt các quyền tự do dân sự trên toàn quốc. Ngay trong nội bộ TQ, các cán bộ cũng có thể bị kỷ luật vì bày tỏ ý kiến khác với lãnh đạo. Dưới sự thống lĩnh của ông Tập, nhiều nhà trí thức, nhà báo, luật sư nhân quyền và nhân viên của các tổ chức phi chính phủ đã bị bịt miệng, bỏ tù, hoặc trốn ra nước ngoài.
Theo Trí thức VN Chính trị , Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment