Công trình “vi phạm từ móng”; Chủ đầu tư thì “rất cùn”. “Để giữ kỷ cương, đập cả tòa nhà 8B Lê Trực cũng phải làm”. Đó là lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Song, có một sự thật là suốt từ 2015 tới nay, vi phạm xây dựng “to bằng cái đình” này cứ vẫn ở đó.
Sai phạm của 8B Lê Trực
Dự án 8B Lê Trực “sừng sững ở Thủ đô” trước loạt sai phạm như thách thức kỷ cương phép nước
Công trình sai phạm mang tên “8B Lê Trực” vốn dĩ đã gây bức xúc cho dư luận thời gian qua. Càng khiến lo lắng, bức xúc hơn khi hôm 12/2, đại diện UBND Quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định “chưa biết rõ khi nào sẽ hoàn thành cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực” .
Trước đó, theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp.
Cụ thể, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép.
Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. Tháng 10/2016, cơ quan chức năng “cắt ngọn” phần sai phạm (phá dỡ tum và tầng 19) của cao ốc 8B Lê Trực và từ đó đến nay chưa có tiến triển gì trong việc xử lý công trình sai phạm này.
Với những sai phạm “từ móng”, ngay tại Trung tâm chính trị, công trình này cũng được các đại biểu nêu ra ít nhất hai lần tại Quốc hội Bộ Xây dựng đã phải giải trình, lãnh đạo TP Hà Nội cũng nhiều lần hứa trước cử tri nhưng đến nay phần sai phạm của công trình vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Điển hình của việc “trên bảo dưới không nghe”
Liệu có ai dám từ chức khi không xử lý được sai phạm ở 8B Lê Trực?
Một công trình sai phạm “khủng” tồn tại sát trung tâm chính trị Ba Đình ngót 5 năm, thậm chí Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 6 lần chỉ đạo TP Hà Nội phải xử lý xong vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực.
Dù vậy, tiến độ xử lý vi phạm vẫn trì trệ, bế tắc, mới cưỡng chế phá dỡ xong giai đoạn 1. Công trình vẫn nằm chờ quận Ba Đình và TP Hà Nội xử lý, càng “sốc” hơn khi đại diện UBND Quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định “chưa biết rõ khi nào sẽ hoàn thành cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực” .
Trong khi người dân không thể tiếp cận với tài sản của mình vì bị phong tỏa khi đã ký hợp đồng mua nhà hợp pháp và đã thanh toán đến 90% giá trị hợp đồng, rồi bỏ tiền hoàn thiện nội thất, làm thủ tục nhập trạch, lập bàn thờ gia tiên chỉ chờ ngày vào ở. Tức là, bản thân những người mua nhà tại dự án này trở thành nạn nhân của một dự án sai phạm.
Chuyện không xử lý được khiến người dân bức xúc, cử tri nhiều địa phương không ít lần đề nghị các ĐBQH yêu cầu cơ quan chức năng phải trả lời dứt điểm “bao giờ xử lý xong sai phạm của cao ốc 8B Lê Trực”. Mới đây, nhiều người dân mua nhà ở dự án này đã phải căng băng rôn, biểu ngữ cầu cứu Tổng Bí thư-Chủ tịch nước giải quyết – Một hình ảnh không đáng, không nên có vì nó như những “miếng mồi” để cho bọn “rận” dân chủ lợi dụng để chống phá, công kích chính quyền, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Dĩ nhiên, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền Hà Nội, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, thiếu kiểm tra, đặc biệt liên quan đến thanh tra chuyên ngành. Thứ hai là ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư, đã cố tình vi phạm.
Còn nhớ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Công trình này không phải vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè… Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì cả tòa nhà này cũng phải đập vì sai từ móng”.
Song song, Chủ tịch Hà Nội cũng nói sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật và công bố công khai, kiên quyết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, người ta thấy “sự phối hợp” đó giống như thể họ đang chơi trò “đá bóng trách nhiệm”.
Chính đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội) từng cho biết: “Tôi đã chất vấn Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này và đã nhận được cả câu trả lời ở hội trường Quốc hội, lẫn bằng văn bản. Bộ thì nói “sẽ phối hợp” với Hà Nội, Hà Nội thì “đang phối hợp với Bộ”. TP Hà Nội cũng cho biết đã giao Q.Ba Đình, Sở Xây dựng phải dứt điểm trong thời gian này thời gian kia. Nhưng công trình vẫn như vậy, như là người ta định cố tình chây ì để rồi hợp pháp hóa sai phạm?”.
Không thể để ì ạch như vậy được. Từ những vụ như thế này, có rất nhiều bài học về quản lý, điều hành. Bộ máy có “mạnh khỏe” thì vận hành mới trơn tru. Trước đến nay, các lãnh đạo nói đã rất hay rồi, nhưng vào việc cụ thể thì trì trệ thế này. Cần phải kiểm điểm các cơ quan hữu quan, cá nhân lãnh đạo liên quan đến vụ việc rằng vì sao chậm trễ xử lý một công trình sai phạm tai tiếng như vậy
Cái khó ở đây là đã để hành vi vi phạm hoàn thành, nhưng không có nghĩa là không xử lý được. “Tại sao tất cả công trình vi phạm đều rất khó khăn trong giải quyết? Ách tắc trong xử lý là tình trạng chung của Hà Nội, không chỉ 8B Lê Trực mà rất nhiều công trình khác, có vi phạm nhưng vẫn tồn tại, tổ hợp chung cư HH Linh Đàm chẳng hạn. Liệu có gì gắn với tham nhũng ở đây không? Tôi không nói tất cả, nhưng cấp quản lý trực tiếp mà dính thì sẽ rất khó khăn. Có thể là lãnh đạo TP chỉ đạo, nhưng cấp dưới không làm” – GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Người dân cũng có quyền đặt hàng loạt câu hỏi như: Có tư duy nhiệm kỳ không? Có né tránh, nể nang không? Có sợ trách nhiệm không? Có há miệng mắc quai không? Chậm trễ như vậy là biểu hiện không nghiêm, nếu vẫn không xử lý được thì phải có ai đó từ chức?
Thật không thể chấp nhận việc để vi phạm lâu như thế. Đừng để mãi mang tiếng “xử dân thì rất dễ, nhưng xử lý những người có trách nhiệm thì rất khó”. Đừng có cái kiểu ai muốn làm gì thì làm, cấp trên không “khiển” được cấp dưới, đó là biểu hiện của cái gọi là “trên bảo dưới không nghe”.
Đó là điều rất đáng lo ngại cho một hệ thống hành chính thiếu kỷ cương, phép nước! Chính trị , Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment