Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới nói châu Âu đang là "tâm chấn" của đại dịch COVID-19 khi số ca bệnh mới mỗi ngày tại đây đã cao hơn Trung Quốc ngay cả ở giai đoạn nóng, Ý ghi nhận số người tử vong tăng kỷ lục theo ngày, mất hoàn toàn kiểm soát.
Theo hãng tin AFP, phát biểu trong cuộc họp báo qua mạng ngày 13-3 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng châu Âu giờ đang là "tâm chấn" của đại dịch do virus corona chủng mới gây ra trên toàn cầu.
Ông Tedros cũng cảnh báo chưa thể biết khi nào dịch ở châu Âu sẽ lên tới đỉnh. Cũng theo người đứng đầu WHO, tại thời điểm này, châu Âu đang có số ca bệnh và số người tử vong vì COVID-19 nhiều hơn tổng số ca bệnh và số người chết ở các nước khác trên thế giới gộp lại (không kể Trung Quốc).
"Số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày giờ đây còn cao hơn ở Trung Quốc vào thời điểm dịch còn nóng", ông Tedros nói.
Ông Tedros đưa ra nhận định trong bối cảnh các nước châu Âu ghi nhận số ca bệnh và số người chết vì COVID-19 tăng cao.
Ý mất kiểm soát hoàn toàn
Ý ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục. Đã có 250 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở Ý là 1.266 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 17.660, theo đài BBC.
Tại Tây Ban Nha, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng thứ hai sau Ý, cũng ghi nhận số ca tử vong tăng 50%, lên 121 người trong ngày 13-3. Tổng số ca nhiễm của nước này cũng đã tăng lên 4.231.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố tình trạng báo động vì dịch bệnh COVID-19 sẽ có hiệu lực trong 2 tuần, kể từ 14-3. Ông Pedro Sanchez nói: "Đáng lo là chúng ta không thể loại trừ khả năng trong tuần tới có thể lên tới hơn 10.000 ca nhiễm".
Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì virus corona
Tổng thống Trump ngày 13/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ để giải phóng 50 tỷ USD trong ngân sách liên bang nhằm đối phó virus corona.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một phần trong các nỗ lực của Nhà Trắng nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế sau một tuần chao đảo của thị trường và gián đoạn trong cuộc sống thường ngày.
Sau khi có một tuyên bố coi thường virus Corona bị chỉ trích hôm 11/3, kéo theo sự sụt giảm lịch sử của thị trường chứng khoán, Tổng thống Trump đối mặt sức ép phải phản ứng mạnh tay với sự bùng phát của virus corona.
Không giống như tuyên bố trước đó cho rằng virus là một đe dọa ở nước ngoài, phát biểu hôm 14/3 đã thừa nhận virus corona là một cuộc khủng hoảng hiện hữu trong nước đòi hỏi huy động nguồn lực liên bang khổng lồ.
Sự thiếu hụt giường bệnh, đặc biệt là máy thở là vấn đề khiến các chuyên gia y tế lo lắng trong cuộc chiến với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở Mỹ.
Trong kịch bản xấu nhất, một nửa dân số Mỹ sẽ nhiễm bệnh và hơn 1 triệu người tử vong. Tính toán trong mô hình của ông thay đổi từ 327 ca tử vong (trường hợp tốt nhất) và 1.635.000 người tử vong (kịch bản xấu nhất) trong 2 hoặc 3 năm tới.
Không đủ máy thở và giường bệnh nếu dịch bệnh bùng phát.
Theo các số liệu hiện có, Mỹ có khoảng 2,8 giường bệnh/1.000 dân. Hàn Quốc, nơi đã thành công bước đầu trong việc giảm nhẹ sự lây lan của dịch bệnh có hơn 12 giường bệnh/1.000 dân.
“Chúng ta có số giường bệnh, máy thở, hệ thống chăm sóc y tế hạn chế. Cần phải làm chậm tốc độ lây lan của virus để ngăn hệ thống y tế rơi vào quá tải”, Bill Hanage, nhà dịch tễ học Trường Y tế Công cộng Harvard, nói.
Vấn đề cấp bách bây giờ là làm thế nào để các bệnh viện với ít giường bệnh của Mỹ kéo dài thời gian không có thêm ca nhiễm Covid-19 mới, để điều trị cho các bệnh nhân thông thường. Đó là lý do tại sao các chuyên gia cảnh báo nếu đại dịch bùng phát, các bác sĩ có thể buộc phải lựa chọn bệnh nhân nào được cứu.
Các chuyên gia cho biết ngăn chặn chuỗi lây nhiễm sớm chừng nào sẽ hạn chế được sự gia tăng ca bệnh theo cấp số nhân. Rất nhiều chuyên gia y tế bày tỏ sự thất vọng, tức giận và báo động về việc nước Mỹ phản ứng chậm chạp với sự lây lan của virus corona.
Châu Âu tăng kiểm soát biên giới
Các quy định kiểm soát biên giới cũng được triển khai ngày càng nhiều hơn tại các nước châu Âu để phòng chống dịch.
Ba Lan ngày 13-3 thông báo đóng cửa các biên giới với du khách nước ngoài trong bối cảnh nước này đã có ít nhất 68 ca bệnh.
Theo hãng tin AFP, Ba Lan cũng sẽ áp dụng quy định cách ly y tế 2 tuần với những người từ nước ngoài trở về. Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, nói với báo giới: "Hầu hết các ca bệnh làm lây lan thành dịch ở Ba Lan đều là các ca lây từ bên ngoài".
Đan Mạch cũng sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ trưa 14-3 (tức 18h00 cùng ngày giờ Việt Nam).
Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Đan Mạch, ông Mette Frederiksen: "Mọi khách du lịch và người nước ngoài không thể chứng minh được lý do hợp lý để tới Đan Mạch sẽ không được nhập cảnh". Tuy nhiên, công dân Đan Mạch vẫn nhập cảnh bình thường.
Trong diễn biến liên quan, Thụy Sĩ cũng sẽ đóng cửa các trường học nước này để phòng dịch, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.Tính tới ngày 13-3, Thụy Sĩ đã có 1.125 ca bệnh, trong khi một ngày trước đó là 850 ca.
Nhân viên Liên Hiệp Quốc tại New York làm việc từ xa
Theo hãng tin AFP, toàn bộ các nhân viên của Liên Hiệp Quốc đang làm việc tại trụ sở ở New York ngày 13-3 được thông báo làm việc tại nhà trong ít nhất 3 tuần, trừ những tình huống buộc phải có mặt.
Hiện có khoảng 3.000 nhân viên Liên Hiệp Quốc tại New York. Tuần này một nhà ngoại giao người Philippines đã dương tính với SARS-CoV-2, là trường hợp đầu tiên bị COVID-19 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Tổng hợp/Hoàng Nguyên Vũ Tin quốc tế , Tin trong nước , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment