Sở GTVT TP.HCM khẳng định không có trách nhiệm tổ chức xác minh đối với các văn bằng chứng chỉ trong vụ ’83 giáo viên dùng bằng giả’.
Học thực hành ở một trung tâm đào tạo lái xe tại TP HCM. Ảnh: NLĐ
Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An sáng nay cho biết, sau khi Tổng cục Đường bộ VN thông tin, Sở đã đình chỉ tuyển sinh đối với 5 trường có 83 giáo viên xài bằng giả với thời hạn 2 tháng và phạt 4 triệu đồng/cơ sở.
Ông An cho biết, hết hạn đình chỉ, sẽ tiếp tục kiểm tra các điều kiện về đào tạo, nếu đạt mới cho tuyển sinh trở lại.
Sở cũng sẽ buộc các trường hạ số lượng học viên để đảm bảo chất lượng, sau khi cho thôi việc nhiều giáo viên xài bằng giả. Nếu các trường tiếp tục vi phạm sẽ bị tước giấy phép đào tạo trong vòng 18 tháng theo quy định.
Trong 2 năm, 2018 đến 2019, Sở GTVT TP.HCM cấp hơn 1 triệu giấy phép lái xe
83 giáo viên xài bằng giả là sai sót cá nhân
Về kết luận của Tổng cục Đường bộ VN, ông An cho biết, theo quy định, việc tuyển dụng và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy lái xe do các cơ sở đào tạo căn cứ nhu cầu chủ động thực hiện.
Sở GTVT chỉ là đơn vị tiếp nhận hồ sơ và danh sách học viên tham gia các lớp tập huấn giáo viên do cơ sở tào đạo lái xe tổ chức. Sau đó, căn cứ theo các quy định liên quan để xét duyệt thành phần hồ sơ, tổ chức kiểm tra cấp giấy phép chứng nhận theo quy trình, quy định.
“Các quy định hiện nay không yêu cầu Sở GTVT phải tổ chức xác minh đối với các văn bằng chứng chỉ của giáo viên”ông An nói và cho rằng giáo viên cũng là công dân nên trước tiên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu họ thiếu ý thức, có chủ đích xài bằng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Sai sót này là của cá nhân, thuộc thành viên Hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký học”ông An nói.
Xác minh văn bằng, chứng chỉ của các giáo viên dạy lái xe hiện gặp rất nhiều khó khăn
Khó khăn xác minh văn bằng giả
Theo ông Bùi Hòa An, TP.HCM hiện có 73 cơ sở dạy lái xe, trong đó có 56 đơn vị dạy ô tô và 17 đơn vị dạy lái ô tô, với 6.576 giáo viên dạy thực hành. Trong 2 năm 2018-2019, Sở đã cấp hơn 1 triệu giấy phép lái xe chiếm 23% tổng số giấy phép lái xe toàn quốc.
Đặc biệt, các năm 2016 2018, nhu cầu học lái xe tăng đột biến, trong khi số lượng các cơ sở đào tạo lại bị hạn chế do quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe 2016 2020 (hiện đã được bãi bỏ), dẫn đến việc nhiều cơ sở bị quá tải.
“Áp lực bổ sung đội ngũ xe tập lái, giáo viên dạy thực hành để tăng lưu lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tăng cao dẫn đến nhiều cơ sở buông lỏng công tác xác minh, rà soát đối với đội ngũ giáo viên của đơn vị”Sở GTVT TP nhận định.
Về phía Sở, ông An cho biết 2 năm gần đây, để đảm bảo chặt chẽ về hồ sơ học viên, trong quá trình xét duyệt, Sở đã chủ động gửi văn bản yêu cầu xác minh đến các cơ quan, cơ sở đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ.
Qua trả lời của các trường, các đơn vị mới phát hiện thu hồi một số bằng cấp giả, không đúng quy định, đồng thời yêu cầu các cơ sở đào tạo chấn chỉnh, siết chặt kiểm tra.
Ngoài ra, ông cho biết vấn đề thâm niên, kinh nghiệm của giáo viên dạy thực hành là một yếu tố cốt lõi, quan trọng để truyền đạt kỹ năng lái xe cho người học. Chính bởi đặt nặng kỹ năng dạy thực hành lái xe như vậy nên nhiều cơ sở đào tạo đã có phần xem nhẹ các tiêu chuẩn khác, dẫn đến việc phát hiện 83/6.576 giáo viên dạy lái xe sử dụng văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm không hợp lệ.
Dù giáo viên xài bằng giả nhưng theo ông Bùi Hòa An, học viên sát hạch muốn đậu phải đảm bảo kiến thức theo quy định.
Toàn bộ quá trình sát hạch được giám sát chặt chẽ, minh bạch. Tất cả các phòng sát hạch, phương tiện đều được gắn camera, được truyền trực tiếp đến phòng chờ cho các thí sinh khác giám sát. Dữ liệu hình ảnh còn chuyển trực tiếp về trung tâm giám sát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở ngành theo dõi, giám sát.
Hai năm qua tỉ lệ thi đậu bằng lái giảm. Cụ thể, thi bằng lái xe hai bánh đạt từ 75-78%, xe bốn bánh tầm 62-65% so với các năm trước.
Tuấn Kiệt/VNN Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment