Chỉ cách Trung Quốc đại lục một eo biển, đảo quốc Đài Loan với gần 24 triệu dân hẳn đã phải có ít nhất hàng nghìn ca nhiễm virus Vũ Hán khi dịch bệnh bùng phát ở đại lục. Vậy mà số ca nhiễm ở Đài Loan lại rất ít. Có rất nhiều điểm đáng nói đến trong câu chuyện Đài Loan chống virus corona.
Đài Loan cách Trung Quốc khoảng 180km với hàng triệu lượt người di chuyển qua lại mỗi năm. Đất nước mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn luôn phủ nhận chủ quyền này chịu nguy cơ dịch bệnh lớn từ lượng du khách khổng lồ từ đại lục. Ngoài ra, Đài Loan cũng bị đối xử không công bằng khi Tổ chức Y tế Thế giới (vốn thân ĐCSTQ) đã loại quốc gia này khỏi các chương trình chia sẻ thông tin.
Nhưng thay vì bùng phát đại dịch, quốc đảo này đã kiểm soát được tình hình. Tính tới ngày 16/3, Đài Loan chỉ có 59 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 1 ca tử vong do COVID-19, trong đó có hơn 40% số người mắc bệnh đã hồi phục.
Từ lâu, quan điểm của giới lãnh đạo Đài Loan rất rõ ràng. Tổng thống Thái Anh Văn từng phát biểu: “Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội tự do và dân chủ ở Đài Loan.” Việc cả xã hội Đài Loan nói chung đều nhìn rõ mối đe dọa từ Trung Quốc, hóa ra lại giúp họ có thái độ đúng đắn với virus Vũ Hán ngay từ rất sớm.
Đài Loan chống virus Vũ Hán từ rất sớm
Theo thông tin cập nhật hiện nay, ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc có thể xuất hiện đầu tiên từ ngày 17/11/2019. Chính quyền địa phương hẳn đã có thông tin từ lúc đó hoặc chậm nhất là trong tháng 12, nhưng che giấu tới tận ngày 20/1 khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên truyền hình thông báo chính thức xác nhận về virus corona.
Nhưng từ ngày 31/12/2019 khi WHO thông báo về một loại bệnh viêm phổi chưa xác định ở Vũ Hán, chính quyền Đài Loan đã yêu cầu kiểm tra thân nhiệt và triệu chứng viêm phổi đối với các chuyến bay từ Vũ Hán trước khi hành khách xuống máy bay.
Ngày 5/1, phạm vi kiểm tra được mở rộng với tất cả hành khách từng tới Vũ Hán trong 14 ngày trước đó.
Khi này đa số người dân đại lục còn chưa biết tin về dịch bệnh, thì ở Đài Loan các chiến dịch truyền thông bắt đầu đưa thông tin cảnh báo tới mọi người. Bộ trưởng Y tế Đài Loan đã liên tục đưa ra phát biểu về virus corona và cách mọi người phòng tránh.
Bộ trưởng Y tế Đài Loan phát biểu trên truyền hình (Ảnh chụp/Youtube)
Hành động đồng bộ ở tất cả các cấp chính quyền
Một lý do Đài Loan phản ứng đặc biệt nhanh là vì họ đã trải qua “kinh nghiệm đau thương” khi dịch SARS bùng phát năm 2003, khi đó 400 người Đài đã bị nhiễm bệnh, 73 người thiệt mạng và làm suy giảm nền kinh tế của quốc gia này. Một năm sau đó, chính phủ đã lập ra Trung tâm Chỉ huy Y tế Quốc gia (NHCC) nhằm phối hợp và tư vấn cho chính quyền các cấp trong trường hợp dịch bệnh, không để lãng phí thời gian và tài nguyên.
Trong một bài báo được đăng tải vào hôm 3/3 vừa qua trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), nhà nghiên cứu Jason Wang đã ghi nhận hành động nhanh chóng và kịp thời của chính phủ: Tận dụng cơ sở hạ tầng y tế công cộng và phân tích dữ liệu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng, và giáo dục cộng đồng sâu rộng.
Vào hồi giữa tháng 1, Đài Loan đã cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc nhằm tìm hiểu tình hình thực tế theo sự cho phép của đại lục, mặc dù mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc không mấy tốt đẹp.
“Họ không cho chúng tôi thấy những gì họ không muốn chúng tôi thấy, nhưng các chuyên gia của chúng tôi đã cảm nhận được tình hình không mấy khả quan,” Kolas Yotaka, người đại diện chính phủ Đài Loan, cho biết trên tờ NBC News.
Sau đó, chính phủ đã đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giao thức về an toàn và sức khỏe. Chính phủ tại Đài Bắc đã thực hiện tổng cộng 124 giao thức an toàn, một bằng chứng cho thấy sự ứng phó hiệu quả, nhanh chóng trên quy mô rộng nhằm chống lại COVID-19.
Đến cuối tháng 1, Đài Bắc đã thành lập một Trung tâm Chỉ huy Dịch bệnh Trung ương, với mục tiêu tích cực, chủ động, minh bạch, nhanh chóng thực thi các biện pháp phòng dịch.
Vào ngày 26/1, Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên cấm các chuyến bay từ Vũ Hán.
Cũng trong thời gian này, chính phủ đã cấm xuất khẩu khẩu trang và đảm bảo chúng có giá cả phải chăng, với mức tối đa là khoảng 4.000 VNĐ.
Đến cuối tháng 2, Đài Bắc đã phân phối gần 6,5 triệu khẩu trang cho các trường tiểu học và trung học, cũng như các cơ sở giáo dục sau giờ học, cùng với 84.000 lít nước rửa tay và 25.000 nhiệt kế.
Hệ thống dữ liệu lớn và tái kiểm tra
Người Đài Loan thường dùng những hình ảnh, tranh vẽ dễ thương trong các chiến dịch thông tin cộng đồng (Ảnh chụp/Youtube)
Cơ sở hạ tầng y tế Đài Loan, bao gồm hệ thống phân tích dữ liệu lớn (big data), được thiết lập một phần là do tác động của dịch SARS vào năm 2003. Sau đại dịch năm 2003, Đài Loan đã đặt máy theo dõi nhiệt độ trong các sân bay để kiểm tra những hành khách có dấu hiệu sốt, một triệu chứng của virus Vũ Hán.Chính phủ Đài Loan đã rút ra được bài học kinh nghiệm chống virus Vũ Hán từ những gì từng xảy ra trong quá khứ.
Khách du lịch cũng có thể báo cáo lịch sử đi lại và sức khỏe của mình bằng mã QR mà chính phủ sử dụng “để phân loại khách du lịch có nguy cơ truyền nhiễm dựa trên nguồn gốc chuyến bay và lịch sử đi lại trong 14 ngày gần nhất,” theo báo cáo của SHP.
“Những người không đi du lịch đến các khu vực có nguy cơ cao được gửi một tin nhắn SMS để khai báo y tế nhằm làm thủ tục nhập cảnh nhanh hơn,” báo cáo cho biết. “Những người đã đi đến các khu vực có nguy cơ cao đã bị cách ly tại nhà và theo dõi vị trí qua điện thoại di động của mình nhằm đảm bảo rằng họ ở nhà trong thời gian ủ bệnh.”
Quan trọng là, chính phủ không bỏ quên các trường hợp âm tính với virus. Họ kiểm tra lại những người này để theo dõi các trường hợp mới, ông Wang cho biết trên tờ NBC News.
Như vậy, thay vì cách ly phong tỏa nhiều thành phố lớn với tổng số dân hơn 50 triệu người như Trung Quốc, Đài Loan đã có thể xác định rõ được những cá nhân có rủi ro cao và cho cách ly nhanh gọn.
Hệ thống bảo hiểm y tế của Đài Loan giúp mọi người không e ngại
Có tới 99% dân số tham gia hệ thống bảo hiểm y tế của Đài Loan, bà Kolas cho hay trên tờ NBC News, nói thêm rằng bảo hiểm với mức giá phải chăng gần như đảm bảo cho mọi người không cần phải phân vân giữa sức khỏe cá nhân và tài chính.
“Bảo hiểm y tế của Đài Loan giúp mọi người không thấy ngần ngại khi đến bệnh viện. Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm virus corona, bạn sẽ không phải lo lắng không đủ tiền để làm xét nghiệm,” bà cho hay trên tờ NBC News. “Bạn có thể được kiểm tra miễn phí và nếu bạn bị buộc phải cách ly trong 14 ngày, chúng tôi sẽ trả tiền ăn uống, cung cấp chỗ ở và dịch chăm sóc y tế miễn phí cho bạn.”
“Vì vậy, không có ai phải lo rằng mình không trả nổi viện phí,” bà cho biết thêm.
Tổng thống Thái Anh Văn xuất hiện trong 1 video về hệ thống quản lý phân phối khẩu trang (Ảnh chụp/Youtube)
Dễ dàng cập nhật thông tin
Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng, Đài Bắc đã yêu cầu các đài truyền hình và đài phát thanh phải phát hàng giờ những thông báo về dịch vụ công cộng có liên quan đến virus corona, bao gồm cả cách thức lây lan và việc phòng ngừa nhiễm trùng.
“Chúng tôi chỉ nghĩ rằng khi thông tin là minh bạch và mọi người đều có đủ kiến thức y tế, thì nỗi sợ hãi của họ sẽ giảm đi,” bà Kolas cho biết.
Ngoài ra, các công dân cũng tăng cường việc thực hiện những biện pháp an toàn. Tu Chen-yang, hiệu trưởng một trường học ở Đài Loan, cho hay trên tờ NBC News rằng điều này có thể thấy rõ trong các trường học. “Có hơn 95% phụ huynh đo thân nhiệt cho con mình ở nhà và báo cáo với nhà trường trước khi các em đến lớp. Bất kể chính phủ làm gì, mọi người phải có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình.”
Các tòa nhà công cộng và tư nhân đã kiểm tra những người có mặt xem liệu họ có dấu hiệu sốt hay không, và các tòa nhà chung cư đã đặt nước rửa tay sát khuẩn bên trong hoặc ngoài thang máy.
Cả quốc gia cùng chung sức giữ an toàn cho mọi người, và sự phối hợp trên diện rộng cũng như những động thái kịp thời của Đài Loan đã giúp ngăn chặn các trường hợp nhiễm virus corona tại đây.
Bắt đầu từ năm 2016, khi Đảng Dân Tiến chấp chính ở Đài Loan, vì không thừa nhận “Bản đồng thuận 1992” trong “Nguyên tắc một Trung Quốc” nên những năm qua, ĐCSTQ đã cấm khách du lịch Trung Quốc tới Đài Loan. Vì thế nguy cơ dịch bệnh cũng giảm cho quốc đảo này.
Bỏ qua Đài Loan, một lượng lớn du khách Trung Quốc đã tới Nhật, Hàn và những quốc gia châu Âu khác. Những quốc gia này tuy khấm khá vì du lịch, nhưng đã phải chịu dịch bệnh nghiêm trọng.
Các nước đã tham gia Vành Đai & Con Đường của Trung Quốc như Hàn Quốc, Ý, Iran đều bị bùng phát virus Vũ Hán nghiêm trọng. Chính phủ của họ đều có mối quan hệ thân cận với ĐCSTQ. Khi dịch mới bùng phát, Bộ ngoại giao Trung Quốc luôn cho rằng việc cấm du lịch là “phản ứng thái quá” và chỉ trích phương Tây “đưa tin tiêu cực, xuyên tạc” về virus corona. Vì thế, có lẽ nhiều nước cảm thấy áp lực mà không hành động kiên quyết từ tháng 1/2020 khi mọi thứ còn dễ kiểm soát.
Vành đai & Con đường… corona
Một ví dụ điển hình là nước Ý – tham gia Vành đai & Con đường từ năm 2019. Họ đã thu hút công xưởng và vài chục ngàn lao động giá rẻ của ĐCSTQ vào Ý, đặc biệt là khu vực gần Milan, nhằm hạ giá thành những thương hiệu “Made in Italy”, đặc biệt là những sản phẩm chế tác từ da như túi xách, giày da, để có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Kết quả không ngờ tới là cái được chẳng thể bù cho cái mất. Số ca nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này đã tăng cực nhanh, lên gần 25 nghìn (tính tới ngày 16/3). Chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc.Sự khác biệt lớn nhất ở Đài Loan là họ đã hành động dứt khoát từ 3 tuần trước khi ĐCSTQ thừa nhận dịch bệnh. Đối mặt với áp lực, họ đã đưa ra quyết định đúng.
Một sự trái ngược khác là: Đài Loan cũng là nước có số người tham gia môn khí công tu luyện Pháp Luân Công rất đông (có lẽ chỉ sau Trung Quốc đại lục). Nhiều người Đài đã bắt đầu tìm hiểu Pháp Luân Công sau khi nghe tin ĐCSTQ đàn áp môn tu luyện này từ năm 1999. Trong đại dịch virus Vũ Hán lần này, ngày 25/2 Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã ra thông báo khuyên người dân tập khí công để nâng cao sức đề kháng, tuy nhiên lại không nhắc tới Pháp Luân Công.
Theo Business Insider, China Uncensored. Chính trị , Tin quốc tế , Y tế
No comments:
Post a Comment