Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới, nhất là các nước ở hạ nguồn.
Thủy điện Xayaburi (Lào) trên dòng sông Mekong. (Ảnh: mrcmekong.org)
Chiều 5/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời yêu cầu bình luận về việc Lào dự kiến khởi công xây đập ở Luang Prabang vào tháng 4 tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm đến tác động tuyên cực xuyên biên giới của đập Luang Prabang mà Lào dự kiến xây dựng.“Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích luỹ không chỉ của riêng công trình Luang Prabang, mà với tất cả các các công trình thuỷ điện khác trên dòng chảy chính của Mekong”, bà Hằng nói.
Tái khẳng định lợi ích và trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong của các quốc gia, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay “việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế-xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.”Đối với trách nhiệm của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước ven sông, không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực.”
Vào tháng 10/2019, Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết Chính phủ Lào dự kiến khởi công dự án thuỷ điện Luang Prabang, hoàn thành vào năm 2027.
Dự án được triển khai tại làng Houygno thuộc tỉnh Luang Prabang, cách thị trấn Luang Prabang khoảng 25 km và cách Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam khoảng 2.036 km. Đập thủy điện dự kiến vận hành liên tục quanh năm, công suất 1.410 MW. Đây là đập thứ 3 và lớn nhất của Lào, 2 dự án thuỷ điện đã đi vào hoạt động là Xayaburi và Don Sahong.
Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) tham gia 38% (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD), phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37% vốn đầu tư dự án, theo thông cáo báo chí của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) phát ngày 10/10/2019.
Điện sản xuất ra có thể được bán sang Thái Lan và Việt Nam từ năm 2027 – Chính phủ Lào dự kiến trong thông báo trình lên ban thư ký MRC hồi tháng 7/2019.
Bản đồ các đập thủy điện trên sông Mekong. (Nguồn: American Geophysical Union/dẫn qua researchgate.net)
Sông Mekong có tổng chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, chỉ đứng sau sông Amazon về độ đa dạng sinh học.
Trên thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đang vận hành 11 đập thuỷ điện, trữ khoảng 47 tỷ m3 nước, theo chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ. Trung Quốc chiếm khoảng 7% lượng nước sông Mekong vào mùa mưa. Vào mùa khô, lượng nước do quốc gia này giữ lại có thể đến 50% lượng nước sông Mekong chảy xuống hạ nguồn.
Năm 2019, mực nước của sông Mekong đã ở mức thấp nhất trong 50 năm. Năm 2020, các chuyên gia và các trung tâm nghiên cứu, dự báo của Việt Nam nhận định vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể chịu hạn hán, xâm mặn, sạt lở vượt kỷ lục năm 2016.
Theo Trí thức VN Kinh tế , Môi trường , Tin quốc tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment