Chỉ đạo hợp thức hóa đất nông nghiệp chia lô bán nền, xây biệt phủ có giá trị hàng chục tỷ đồng…đó là những nội dung tố cáo của người dân đối với ông Phạm Chí Bắc, Chủ tịch UBND quận Hải An (Hải Phòng).
6 nội dung tố cáo gửi báo Nhà báo và Công luận, người dân trên địa bàn quận Hải An cho biết: Với vai trò Chủ tịch UBND quận Hải An, ông Phạm Chí Bắc đã chỉ đạo, điều hành hợp thức hóa san lấp ao đầm, phân chia lô làm đường khoảng 5 ha đất nông nghiệp xen kẹt và chia lô bán tại phường Đằng Lâm. Cụ thể, khu đất 5 ha được phân làm hàng trăm lô sau trường Tiểu học Đằng Lâm (hiện tại là số 186 đường Trung Lực, phường Đằng Lâm) giao bán với giá hàng tỷ đồng 1 lô. Thêm vào đó, ông Bắc đã chỉ đạo hợp thức hóa san lấp ao, hợp tách thửa đất trái quy định của pháp luật và phân lô khoảng 4 ha tại ngõ 386 Lũng Đông, Đằng Hải, chia nhỏ thành hàng trăm lô đất, gây thất thoát tiền nhà nước…
Nhiều diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi thành đất ở (ảnh do người dân cung cấp)
Đơn tố cáo còn cho rằng, ông Bắc chỉ đạo hợp thức hóa 1.200 m2 đất nông nghiệp tại khu Vườn Mơ, phường Đông Hải 1, 800 m2 đất nông nghiệp thành đất ở tại ngõ Cung Trầm, Trung Lực phường Đằng Lâm, hợp thức hóa đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch cây xanh diện tích 700 m2 (chia thành 8 lô) tại ngõ 162 Trung Lực, Đằng Lâm… Đặc biệt, việc cho xây dựng công trình biệt phủ để hợp thức hóa 1.800m2 đất nông nghiệp thành đất ở cho ông Đinh Văn Khánh, nguyên Chủ tịch UBND phường Đằng Lâm tại 180 Trung Lực để xây biệt phủ.
Cũng theo nội dung đơn, ông Bắc đã chỉ đạo ra văn bản “ép” dân đóng tiền làm quy hoạch. Cụ thể, văn bản số 307 ngày 3/7/2017 do Chủ tịch UBND quận Hải An Phạm Chí Bắc ký về việc hướng dẫn các phường xã hội hóa trong công tác lập QH 1/500. Vụ việc sau khi được báo chí phản ánh, Sở Xây dựng Hải Phòng đã có văn bản trả lời cho rằng, việc thu tiền làm quy hoạch của quận Hải An là trái quy định…
Ngoài ra, đơn tố cáo còn phản ánh, ông Bắc là lãnh đạo quận, ăn lương ngân sách nhưng lại có tiền xây biệt phủ với diện tích mỗi sàn 500m2 có giá hàng chục tỷ đồng, ngay sau UBND quận Hải An….
Được biết, tháng 5/2018, Thanh tra thành phố Hải Phòng đã vào cuộc tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lí, sử dụng đất trên địa bàn quận Hải An. Qua đó, phát hiện UBND quận Hải An đã thiết lập hồ sơ, thực hiện các trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nhiều trường hợp có vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có 30 trường hợp cho phép chuyển mục đích và cấp GCN quyền sử dụng đất ở có diện tích trên 100m2. Có một số trường hợp cho phép chuyển nhượng mục đích đất nông nghiệp và cấp GCN QSDĐ ở có diện tích trên 1.000m2.
Liên quan đến những nội dung tố cáo, Báo Nhà báo và Công luận đã đặt lịch làm việc với UBND quận Hải An để làm rõ những nội dung phản ánh. Đồng thời, sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cũng từ đầu tháng 9 đến nay, nhiều bạn đọc trên cả nước đã gửi thư về Báo Nhà báo và Công luận đề nghị vào cuộc xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo với những nội dung khác nhau. Theo đúng quy định của Luật Báo chí, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Tòa soạn đã tiếp nhận và xử lý các vụ việc cụ thể như sau…
1. Phản ánh của bạn đọc về việc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Đông Hưng, địa chỉ quận Bình Thạnh, TP.HCM có dấu hiệu như Alibaba. Thậm chí Công ty Đông Hưng còn hơn cả Alibaba bởi lẻ Alibaba vẫn có đất nông nghiệp còn Đông Hưng thì không có đất gì cả mà vẫn làm hợp đồng chuyển nhượng thu của khách hàng trên 1,7 tỷ đồng.
2. Đơn kiến nghị của các hộ dân tại khu cánh đồng Linh, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng phản ánh, có đến gần 50 ngôi nhà xây dựng cùng thời điểm tại khu cánh đồng Linh nhưng chỉ có 24 ngôi nhà bị cưỡng chế tháo dỡ trong khi đó còn hàng chục ngôi nhà khác xây dựng kiên cố nhiều tầng cũng trên đất nông nghiệp, cùng nằm trong dự án đường Đông Khê 2 cùng tại Khu cánh đồng Linh cách nơi bị cưỡng chế ở khoảng 100m (cuối ngõ 89 đường An Đà), cùng tổ dân phố An Đà Ngoại, phường Đằng Giang.
Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền đã hứa sẽ xử lý cương quyết các trường hợp trên. Nhưng từ năm 2011 đến 2019 các công trình kiên cố trên vẫn hiên ngang tồn tại, các hộ dân vẫn sinh sống bình thường thậm chí tự ý mua bán chuyển nhượng cho nhau. Các ngôi nhà vẫn tồn tại như thách thức công lý, thách thức dư luận, thách thức cơ quan ngôn luận. Thậm chí năm 2018 theo như người dân sở tại được biết, các hộ dân xây dựng trái phép này còn được ưu tiên kiểm kê bồi thường sớm, họ đã được bồi thường cả nhà và đất và được cấp đất tái định cư tại khu Đằng Hải, quận Hải An. Sau đó hầu hết những hộ này đã bán sang tay lô đất tái định cư được cấp thu lợi hàng tỷ đồng. (Các hộ dân đó gồm Sơn, Huệ, Chiều, Vũ, Vinh, Sơn, Vân, Quế)…
3. Đơn khiếu nại khẩn cấp của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi đề nghị Thanh tra Bộ Tư pháp sớm ban hành kết luận thanh tra. Việc thanh tra theo yêu cầu của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú về hoạt động mua lại tài sản bán đấu giá từ Agribank Chợ Lớn của Công ty Thuận Lợi đã thực hiện kéo dài gần 3 tháng nhưng vẫn chưa có kết luận, đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động, uy tín, danh dự và tài chính của công ty…
Để có cơ sở thông tin tới bạn đọc, Ban biên tập chuyển nội dung đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định và thông tin đến Báo kết quả để Báo Nhà báo và Công luận trả lời bạn đọc theo quy định của Luật Báo chí. Đồng thời, Báo Nhà báo và Công luận đã cử phóng viên xác minh theo quy định./.
Theo Congluan Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment