Đại dịch Covid-19 tiếp tục càn quét khắp các châu lục, gây ra cơn ác mộng ở Mỹ và nhiều nước châu Âu khi tổng số ca nhiễm và tử vong vì virus corona chủng mới đều tăng vọt.
Tính đến sáng sớm 28/3 (theo giờ Việt Nam), bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đã xuất hiện ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp toàn cầu, lây nhiễm cho gần 590.000 người và cướp đi sinh mạng của 26.935 trường hợp trong số đó. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến 130.440 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tăng tốc tấn công. Hơn 3 tỷ người tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ được yêu cầu ở nhà trong khi các chính phủ của họ triển khai những biện pháp quyết liệt nhằm dập dịch.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các nước tận dụng “cơ hội thứ hai” quan trọng này để chặn đứng đà lây lan của căn bệnh truyền nhiễm chết người.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vượt mốc 100.000
Tính đến hết ngày 27/3, tổng số ca dương tính với virus corona chủng mới ở Mỹ đã vượt mốc 100.000, lên tới ít nhất 100.390 người sau một ngày tăng chóng mặt, thêm gần 15.000 ca nhiễm mới. Dữ liệu đánh dấu việc Mỹ đã vượt cả Italia và Trung Quốc trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới. Tổng số trường hợp thiệt mạng vì dịch tại nước này hiện là 1.543 người, tăng 248 người so với một ngày trước đó.
Tổng thống Donald Trump chiều 27/3 (theo giờ địa phương) đã ký phê chuẩn thành luật gói kích thích kinh tế lịch sử, trị giá tới 2.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp Mỹ trước những tác động của sự bùng phát dịch Covid-19.
Bộ Lao động Mỹ cho biết, nước này trong tuần qua ghi nhận gần 3,3 triệu người thất nghiệp, mức cao nhất kể từ khi số liệu này được thông kê và gấp hơn 4 lần kỷ lục trước đó vào năm 1982. Thông tin này được coi là dấu hiệu chính thức đầu tiên về sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi các công ty và doanh nghiệp dừng hoạt động trong khi chính quyền cố gắng hạn chế việc di chuyển của người dân để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
Italia ghi nhận số người chết kỷ lục
Italia vừa trải qua một ngày thảm họa với 969 người thiệt mạng vì Covid-19 chỉ trong vòng 24 giờ qua. Đây là mức tăng số ca tử vong trong ngày cao nhất mà một nước trên thế giới cho đến nay từng phải hứng chịu kể từ khi dịch bùng tại Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
Kỷ lục mới thiết lập đã nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Italia lên 9.134 người, cao nhất thế giới và gần gấp đôi Tây Ban Nha, xấp xỉ gấp ba Trung Quốc. Tính đến hết ngày 27/3, Italia ghi nhận 86.498 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới, xếp thứ hai thế giới sau Mỹ.
Các chuyên gia cảnh báo, dịch Covid-19 ở Italia vẫn chưa lên đến đỉnh điểm. Số ca nhiễm mới và tử vong vì virus tại quốc gia này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi hệ thống bệnh viện và các sở y tế bị quá tải, đội ngũ y, bác sĩ không đủ để chăm sóc, chữa trị cho quá nhiều bệnh nhân cùng lúc trong điều kiện thiếu đồ bảo hộ và trang thiết bị y tế chống dịch.
Mặc dù tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Italia hiện lên tới mức đáng báo động, gần 10% nhưng các nhà nghiên cứu trấn an rằng, phần lớn những trường hợp này đều mang trong người các bệnh lý nền khác như bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, … Khó khăn chồng chất buộc chính phủ Italia phải tìm kiếm sự hỗ trợ xa hơn, ngay cả khi các nước thành viên khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới để ngăn virus lây lan.
Ngày chết chóc với Tây Ban Nha
Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 769 ca tử vong vì Covid-19, một mức tăng kỷ lục trong ngày khiến tổng số trường hợp chết vì dịch lên tới 4.934 người. Tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới tại nước này cũng vọt lên 64.059 trường hợp, tăng 14% so với một ngày trước đó, khiến nước này trở thành ổ dịch lớn thứ hai ở châu Âu, sau Italia.
Các bệnh viện Tây Ban Nha đặc biệt chịu nhiều áp lực vì tình trạng quá tải bệnh nhân và ít nhất 9.444 nhân viên y tế nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Nhiều y, bác sĩ than phiền về tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, Bộ Y tế nước này xác nhận, khoảng 9.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nhập khẩu từ Trung Quốc cho kết quả có độ chính xác rất thấp, buộc nhà chức trách phải tạm ngưng sử dụng chúng.
Trước diễn biến dịch phức tạp, Madrid đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia ít nhất tới ngày 12/4. Mọi hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế, trong khi hầu hết các doanh nghiệp và cửa hàng phải đóng của để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.
Quân đội Tây Ban Nha hiện đã điều động binh sĩ tới hỗ trợ công tác vệ sinh, khử trùng tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão và những cơ sở khác khắp đất nước.
Chính phủ Anh điêu đứng vì virus
Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ ngày 27/3, nước Anh liên tiếp phải đón nhận tin buồn khi lần lượt Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thông báo họ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Cả ông Johnson và ông Hancock đều khẳng định họ chỉ có các triệu chứng nhẹ, đang tự cách ly tại nhà và sẽ tiếp tục làm việc thông qua hội họp trực tuyến.
Theo BBC, Giám đốc Y tế khu vực Anh, giáo sư Chris Whitty, người thường xuất hiện cạnh Thủ tướng tại các cuộc họp báo thường nhật về dịch Covid-19 ở Phố Downing, cũng đang phải tự cách ly tại nhà sau khi có triệu chứng nhiễm virus.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cuối ngày 27/3, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove nhấn mạnh, virus corona chủng mới “không chừa một ai” và mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm này. Ông Gove thừa nhận, dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Anh với tổng số ca nhiễm cứ 3 4 ngày lại tăng lên gấp đôi.
Nhà chức trách hiện đã cho triển khai các biện pháp “giãn cách xã hội” (giữ khoảng cách giữa mọi người trong cộng đồng) bên trong chính phủ, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiệm các hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan y tế.
Ông Gove cho biết, Anh hiện có thêm 33.000 giường bệnh trong các bệnh viện dã chiến mới thiết lập để tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Hệ thống y tế quốc gia phối hợp với các viện nghiên cứu và trường đại học sẽ cung cấp thêm các xét nghiệm virus cho đội ngũ nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu chống dịch từ cuối tuần này.
Các diễn biến nóng khác về đại dịch Covid-19:
Tại một cuộc họp báo ở Geneva hôm 27/3, Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus thông báo, do thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế, tổ chức dự định sẽ gửi các đồ bảo hộ cá nhân tới các bác sĩ tại hơn 60 quốc gia nữa. Trước đó, WHO đã tài trợ gần 2 triệu món đồ bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống Covid-19 ở 74 nước.
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), hiện có hơn 10.000 ca nhiễm Covid-19 ở khu vực Mỹ Latinh và Caribbe, trong đó Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực với 2.915 ca nhiễm và 77 trường hợp tử vong vì dịch tính đến ngày 27/3. Chính phủ Brazil cũng như các nước láng giềng Argentina, Ecuador và Peru đã công bố các kế hoạch nhằm giảm bớt ảnh hưởng của dịch đối với nền kinh tế đất nước, kể cả giới hạn đi lại của người dân.
Các tòa án Pakistan vừa ra lệnh thả hơn 1.200 tù nhân trong một nỗ lực nhằm giảm bớt sức ép lên các nhà tù đông đúc giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Trước đó, nước láng giềng của Pakistan là Ấn Độ cũng thông báo ý định phóng thích 14.000 tù nhân để ngăn chặn nguy cơ virus lây lan.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ ngưng mọi chuyến bay quốc tế và áp lệnh cấm đi lại với mọi thành phố trong cả nước để dập dịch.
Theo báo Straits Times, do diễn biến dịch phức tạp, Hội nghị Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh cấp cao khu vực do Singapore đăng cai sẽ không diễn ra từ ngày 5 7/6 như kế hoạch ban đầu. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện thường niên này bị hủy kể từ khi diễn đàn bắt đầu được tổ chức vào năm 2002.
Theo Canhco Tin quốc tế , Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment