Cập nhật tin tức nóng hổi

Chống hạn ở ĐBSCL: Có nên học hỏi kinh nghiệm “sống trên sa mạc” của người Do Thái?

20 triệu dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) không thể sống mãi trong tình trạng “cứu trợ” năm này sang năm khác.

Giữa nỗi lo dịch bệnh của toàn dân, người dân miền Tây còn đang phải cật lực ứng phó với hạn-xâm nhập mặn vào đất và nguồn nước. Hạn, mặn không chỉ xuất hiện cục bộ như vài năm trước, nay 13/13 tỉnh thành Tây Nam Bộ đều gồng mình trong cơn khát nước ngọt. Đâu là giới hạn chịu đựng của (ĐBSCL) và cứ đà này rồi ĐBSCL sẽ về đâu?
Chống hạn ở ĐBSCL: Có nên học hỏi kinh nghiệm “sống trên sa mạc” của người Do Thái?
ĐBSCL “gồng mình” vừa chống hạn mặn vừa chống dịch COVID-19

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh hơn với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biển, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng.

Hạn mặn năm nay được đánh giá đã vượt mốc đợt hạn lịch sử năm 2016, hơn nữa lại đến sớm trước 1 tháng so với 4 năm trước, khiến cả người dân và các ban ngành đều rất khó ứng phó. Dù đã có thông báo phản ứng khẩn cấp và người dân đã có kinh nghiệm, thiệt hại vẫn rất nặng nề và diễn biến hạn mặn vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Theo một con số thống kê, tỉnh Bến Tre gần như mất trắng khoảng 5.000 ha lúa, cùng hơn 8.000 ha đất trông cây ăn quả và hơn 1.000 h.a đất nuôi cây giống, hoa kiểng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tỉnh Cà Mau, với tình hình khí tượng thủy văn diễn biến ngày càng phức tạp, hạn mặn kèm với sạt lở và sụp lún đất, khiến mức độ thiệt hại càng trầm trọng: 18.000 ha lúa và rau màu mất trắng; gần 43.000 has rừng đang phải đối mặt nguy cơ cháy cao.

Hay tại các tỉnh như Kiên Giang, Long An… cũng đang triển khai gấp các biện pháp ngăn chặn để ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của thiên tai hạn mặn, ví dụ như đắp đập tạm để ngăn mặn và trữ nước ngọt, v.v.

 Thống kê từ phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 20.000 ha lúa thuộc miền Tây rơi vào tình trạng mất mùa không thể cứu vãn, bằng khoảng 7% so với thiệt hại hồi năm 2016. Đợt hạn mặn cách đây 4 năm được ghi nhận là 100 năm mới tái diễn trong lịch sử, khiến 600.000 người dân miền Tây không có nước sinh hoạt, 160.000 ha đất bị nhiễm mặn dẫn đến thiệt hại trên 5.500 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này đã có 5 tỉnh miền Tây thông báo tình trạng khẩn cấp đối với thiên tai hạn mặn để tìm giải pháp ứng phó, gồm có Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau.

Cần có “chiến dịch” chống hạn toàn diện cho ĐBSCL

Chống hạn ở ĐBSCL: Có nên học hỏi kinh nghiệm “sống trên sa mạc” của người Do Thái?
Công nghệ “Nuôi cá, trồng rau” trên sa mạc khiến  cho thế giới phải trầm trồ và Việt Nam chúng ta cũng nên học hỏi để đối phó với hạn mặn ở ĐBSCL

Tạo hóa chỉ ban cho người Do thái dải đất sa mạc, thiếu cả nước mặn lẫn nước ngọt. Theo cách làm thông thường, ngành công nghiệp thủy sản chỉ phát triển ở những nơi gần sông, biển, hồ lớn. Nhưng người Do thái lại nghĩ khác, bất kể nơi nào có nước đều nuôi được tôm, cá, họ mang thủy sản lên nuôi trồng giữa…sa mạc, miễn là có nguồn nước cố định đầu vào.

Đặc biệt hơn, nguồn nước mà họ hồ hởi xem cố định là nguồn nước ngầm từ các giếng khoan sâu vài trăm mét. Hệ thống nuôi khép kín tái sử dụng 99% nước thải, chất thải dưới đáy ao tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Cũng với cách nuôi này, họ dễ dàng quản lý được nguồn bệnh, mầm bệnh, cho tỷ lệ thành công hầu như 100%. Nhờ vậy, Israel không những đáp ứng nhu cầu cá trong nước mà còn xuất khẩu đi khắp thế giới với thương hiệu “công nghệ nuôi cá trên sa mạc”.

Người Israel giỏi, ai cũng công nhận, nhưng cũng không hiếm người thừa nhận Việt Nam cũng giỏi! ĐBSCL đã là vựa nông – thủy hải sản lớn nhất nước, mỗi năm thu về cho ngân sách hàng chục tỷ USD.

Hãy để ý xem, năm nào ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu xuất khẩu rất lớn, 35, 40 rồi 42 tỷ USD, rất ít khi nhiệm vụ không hoàn thành; ngành chức năng đề ra rất nhiều biện pháp bán cá, tôm, lúa gạo sang thị trường uy tín…

Nhưng rất hiếm khi giữa Quốc hội được nghe chất vấn giải pháp chống biến đổi khí hậu, cứu vãn ĐBSCL…

Thực tế, đã có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với người dân để ứng phó với thiên tai, giải pháp không thiếu, từ ngắn hạn, trung hạn dài hạn đều có đủ, nhưng triển khai thực hiện các giải pháp ấy mới là chuyện đáng bàn ở đây.

Công trình ngăn mặn 80 tỷ đồng ở Cà Mau có nhiệm vụ là ngăn nước mặn xâm nhập vùng phía Bắc tỉnh này, bảo vệ hơn 200.000 ha đất thuộc vùng ngọt hóa. Có điều, khi xây xong, âu thuyền không đưa được nước ngọt về như dự kiến ban đầu. Mặt khác, người dân tự phát đưa nước mặn vào ruộng lúa nuôi tôm, nên kế hoạch ngăn mặn, giữ nước ngọt bị phá sản.

Hoặc, còn đến 22 cửa sông thông ra biển dọc tuyến này, chỉ với công trình này thì không ngăn được mặn để giữ ngọt, biết công trình không thể ngăn thì lập dự án để làm gì?..v..v. 

Tức là, đang có một thực tế không mấy vui là người ta lợi dụng hạn mặn để “vẽ” ra hàng loạt dự án rồi ồ ạt đổ tiền vào các công trình đầu tư ngăn mặn, trữ ngọt tốn kém mà hiệu quả thấp.

Còn nhớ, một giải pháp dài hạn đã từng được đưa ra đó là Chính phủ từng ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 với chủ trương chuyển đổi tư duy sản xuất hàng hóa đa dạng, quy mô lớn, hiện đại gắn với thị trường tiêu thụ nhằm phát triển kinh tế – xã hội ĐBSCL bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm do nhiều hạn chế, thách thức như: các cấp, các ngành, các địa phương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình còn thiếu chủ động trong nghiên cứu, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương; quy định về điều phối, liên kết hợp tác nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa hiệu quả…

Trước thực trạng “thở dốc” của ĐBSCL hiện nay, mặc dù Nhà nước, Chính phủ đang phải “gồng mình” đối phó với dịch COVID-19 giai đoạn 2 với những diễn biến ngày càng phức tạp. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý “xuất” 2 gói tín dụng và nó được ví như gói “giải khát” cho ĐBSCL thời điểm này.

Đó là, 70 tỷ đồng hỗ trợ cho 5 tỉnh Miền Tây khi đã ban bố tình trạng khẩn cấp hạn, mặn. Song song,  gói 350 tỷ đồng – số tiền Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chi cho 5 tỉnh ĐBSCL để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

Yêu cầu đặt ra trong buổi làm việc của Thủ tướng với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau là phải sử dụng số tiền này đúng mục đích, đến tận tay người dân, giúp cho người dân vùng hạn, mặn vượt qua giai đoạn khó khăn, không để thất thoát, lãng phí.

Như Thủ tướng nói, “vaccine có sẵn của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc, vượt khó. Trong khó khăn, càng mạnh mẽ, càng tiến lên. Ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta làm được điều đó tại nơi có nhiều tiềm năng và đối diện thiên nhiên khắc nghiệt”. Chắc chắn là tinh thần, ý chí của người Việt sẽ được phát huy trong khó khăn, hoạn nạn.

Một vấn đề đáng suy ngẫm ở đây là, ĐBSCL năm nào cũng hạn mặn, thiếu nước ngọt, ai cũng thuộc làu “quy luật” này và những thiệt hại đối với môi trường – người dân miền Tây vẫn khó có thể được giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn.

 Vậy đâu là giới hạn cho sức chịu đựng của ĐBSCL? 20 triệu dân ở ĐBSCL không thể sống mãi trong tình trạng “cứu trợ” năm này sang năm khác. Mọi giải pháp đều đã có, nhưng có lẽ  chúng ta cũng  cần học hỏi kinh nghiệm “sống trên sa mạc” của người Do Thái để vận dụng cái hợp lý vào khắc phục hạn mặn, góp phần giữ mầm xanh cho mảnh đất Chín Rồng. , ,

No comments:

Post a Comment