Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt trong việc đàn áp nhóm tâm linh Pháp Luân Công, là một phần trọng tâm trong bản Báo cáo nhân quyền mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Cuộc diễu hành nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp tại Manhattan, thành phố New York, vào ngày 16/5/2019. (Edward Dye / The Epoch Times)
Trong buổi họp báo công bố về bản báo cáo vào ngày 11/03, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng các hệ thống giám sát công nghệ cao ở Trung Quốc để theo dõi những người có khả năng bất đồng ý kiến với chính quyền.
Hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ đánh giá các quốc gia trên thế giới dựa trên hồ sơ nhân quyền của họ.
Ông Pompeo đã nhắc lại nhận xét của mình từ tháng 7 năm ngoái tại một hội nghị tự do tôn giáo do Bộ Ngoại giao tổ chức. Trong đó ông gọi cách thức ĐCSTQ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, là vết nhơ của thế kỷ. Ông cũng nói thêm rằng Bắc Kinh “đang cố gắng che giấu những việc làm của mình bằng cách đe dọa các nhà báo”.
Theo một báo cáo năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn một triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và người Haiti đang bị giam giữ trong khoảng 1.200 trại tập trung thuộc khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố những trại giam này là “trung tâm đào tạo nghề”.
Ông Pompeo nói: “Họ giam cầm các nhóm tín ngưỡng thiểu số trong các trại giam tập thể - đây là biểu hiện của truyền thống ác cảm mà họ (ĐCSTQ) có đối với các tín đồ tôn giáo”.
Ông cũng chỉ trích Venezuela, Iran và Cuba vì các hành vi vi phạm nhân quyền của các nước này.
“Chúng tôi cầu nguyện tới một ngày khi người Cuba, Venezuela, Trung Quốc, Iran và tất cả các dân tộc có thể tự do chia sẻ quan điểm và tụ tập mà không phải e sợ chính quyền của mình”, ông đã kết luận.
Thu hoạch nội tạng
Báo cáo cũng vạch trần hành vi trừng phạt mà ĐCSTQ áp dụng, đó là giết các tù nhân lương tâm để mổ cướp nội tạng. Báo cáo đã trích dẫn 2 phát hiện gần đây để chứng minh cho vấn đề này.
Vào tháng 6/2019, một tòa án độc lập phi chính phủ ở Luân Đôn đã tìm thấy “bằng chứng trực tiếp và gián tiếp về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng” tại Trung Quốc, dẫn chứng về “thời gian chờ đợi cực kỳ ngắn ngủi” và “sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở hạ tầng và nhân viên y tế cho các hoạt động cấy ghép nội tạng”.
Hội đồng xét xử, được gọi là ‘Tòa án về vấn đề Trung Quốc’, đã kết luận rằng, vượt ra ngoài phạm vi nghi ngờ hợp lý, việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng do nhà nước phê chuẩn đã diễn ra trong nhiều năm tại Trung Quốc, “với quy mô đáng kể”, và vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Ngoài ra, thành viên của Hội đồng khẳng định các học viên của Pháp Luân Công là một nguồn cung cấp nội tạng chính.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa với các bài tập thiền định và giáo lý đạo đức. Từ tháng 7/1999, ĐCSTQ đã khởi xướng một cuộc đàn áp trên toàn quốc. Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam trong hệ thống nhà tù, trại lao động cưỡng bức, và trung tâm tẩy não, nơi họ bị ĐSCTQ tra tấn và cưỡng ép từ bỏ đức tin của mình, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Hội đồng xét xử này đã đưa ra phán quyết đầy đủ vào ngày 01/03, gồm các bằng chứng mới về các quan chức Trung Quốc liên quan trực tiếp đến việc mổ cướp nội tạng.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã đặt câu hỏi khi phía Trung Quốc khẳng định đã ngừng cung cấp nội tạng thu hoạch từ các tù nhân bị xử tử để sử dụng trong cấy ghép vào năm 2015, kèm trích dẫn một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Quốc gia Úc và được công bố trên tạp chí khoa học BMC Medical Ethics. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng kể từ năm 2015, họ đã dựa vào một hệ thống quyên góp tự nguyện cho phục vụ việc cấy ghép nội tạng.
Nghiên cứu cho thấy rằng có “một bằng chứng rất đáng xem xét”, đó là số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về việc hiến tạng đã bị làm sai lệch, bao gồm cả dữ liệu trích xuất dựa trên một phương trình toán học. Nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống quyên góp của Trung Quốc rất có thể bao gồm cả “những người hiến tạng không tự nguyện”, có thể là tù nhân đã bị phân loại “nhầm” thành quyên góp tự nguyện.
Các luật sư
Báo cáo cũng chỉ ra thêm một bất cập khác: các luật sư ở Trung Quốc cũng đang bị ĐCSTQ nhắm vào vì đã tiếp nhận xử lý các vụ án “nhạy cảm”, như “bảo vệ những người bất đồng chính kiến dân chủ, các nhà hoạt động giáo hội tại gia, các học viên Pháp Luân Công hay các nhà phê bình chính phủ”. Những luật sư này đã bị chính quyền trừng phạt, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép hoặc bỏ tù.
Ví dụ, Liu Zhengqing, một luật sư ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc, đã đứng ra bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền và các học viên Pháp Luân Công. Vào tháng 1 năm nay, Liu đã bị thu hồi giấy phép sau khi các công tố viên địa phương đã buộc tội anh vì “nguy cơ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Theo báo cáo tháng 12/2019 của đài Radio Free Asia (RFA), các cáo buộc đối với Liu liên quan đến việc anh là đại diện của hai khách hàng: Zhang Haitao, một nhân viên bán hàng điện tử đã bị phạt tù 19 năm vào năm 2016 vì có những chỉ trích trực tuyến đối với chính quyền Trung Quốc về cách họ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ; và Li Yanming, một học viên Pháp Luân Công sống ở thành phố Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông.
Báo cáo này giải thích: “Các luật sư bắt buộc phải trở thành thành viên của Hiệp hội Luật sư Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát, và Bộ Tư pháp yêu cầu tất cả các luật sư phải cam kết trung thành với sự lãnh đạo của ĐCSTQ khi cấp hoặc đổi giấy phép hàng năm để hành nghề luật sư”. Quy định này được ban hành vào tháng 7/2018, một động thái đã làm dấy lên mối lo ngại hệ thống luật pháp ở Trung Quốc tiếp tục suy đồi.
Một luật sư Trung Quốc khác, Qin Yongpei đã bị tước giấy phép vào tháng 5/2018. Luật sư Qin đã làm việc trong các vụ án liên quan đến các học viên Pháp Luân Công và các luật sư bị bắt liên quan đến một cuộc đàn áp toàn quốc vào tháng 7/2015. Đã hàng trăm luật sư bị vây bắt trên khắp Trung Quốc trong cuộc đàn áp này. Nó thường được biết đến như sự cố 709.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, sau khi bị thu giấy phép, luật sư Qin đã bị cảnh sát bí mật bắt giữ ở khu vực Quảng Tây thuộc miền nam Trung Quốc vào hồi tháng 10 năm ngoái, với cáo buộc “kích động lật đổ chính quyền”. Ông đã chính thức bị bắt vào tháng 12.
Vào ngày 11/3, RFA đã báo cáo rằng vợ của Qing, bà Deng Xiaoyun, đã bị văn phòng công tố viên ở thành phố Nam Ninh từ chối tiếp cận hồ sơ tòa án của chồng mình. Tòa án đã bác bỏ yêu cầu của cô với lý do hồ sơ liên quan đến “bí mật quốc gia”.
Bức hại tiếp tục
Bản báo cáo xác định nhiều tù nhân chính trị vẫn đang bị giam giữ tại Trung Quốc vào cuối năm ngoái, bao gồm hai học viên Pháp Luân Công là Bian Lichao và Ma Zhenyu.
Ông Bian, một cựu giáo viên trung học ở thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, đã bị kết án tù 12 năm tù vào năm 2012, theo trang Minghui.org.
Vào tháng 3/2014, vợ và con gái của ông Bian đã bị cảnh sát địa phương ở Hà Bắc bắt cóc. Sau đó, họ đã bị xét xử tại tòa vào tháng 12 cùng năm. Vào tháng 4/2015, cô con gái bị kết án 3,5 năm và người vợ bị kết án 4 năm, với tội danh “quảng bá Pháp Luân Công trên mạng”.
Ma Zhenyu trước đây là kỹ sư radar làm việc cho viện nghiên cứu thứ 14 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.
Vào tháng 7/2019, vợ của Ma, cô Zhang Yuhua - người đã trốn thoát sang Hoa Kỳ, nói rằng chồng cô đang thụ án 03 năm tù.
Xuất hiện tại hội nghị tự do tôn giáo năm 2019 do Bộ Ngoại giao ở Washington tổ chức, Zhang bày tỏ lo lắng rằng chồng cô có thể bị giết để lấy nội tạng trong khi bị giam cầm.
Theo Zhang, Ma đã bị kết án vào năm 2017 vì đã gửi 6 lá thư cho các nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, thúc giục họ chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Du Miên/NTDVN Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment