Chiều 11-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin trong số 16 hành khách trên chuyến bay VN0054 nhiễm COVID-19, có 15 hành khách ở khoang hạng C (hạng thương gia), 1 hành khách khoang phổ thông.
Chiều 11-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội.
16 hành khách chuyến bay VN0054 dương tính, có 15 khách ngồi hạng C
Ông Chung ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, quận, huyện trong rà soát, lập danh sách, đưa những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và người vtiếp xúc với người tiếp xúc gần đi cách ly.
Ông Chung cho biết trong số 21 hành khách hạng C của chuyến bay VN0054, đã có 15 hành khách dương tính với COVID-19. Ngoài ra tại khoang phổ thông cũng có 1 hành khách dương tính.
Ông Chung khẳng định đến nay cơ bản đã được làm rõ nguồn gốc lây bệnh ở Hà Nội là từ chuyến bay VN0054, không có trường hợp nhiễm bệnh nào chưa làm rõ được nguồn gốc lây lan.
"Nguồn lây nhiễm chính từ bệnh nhân số 17 đến bệnh nhân thứ 38, nhiều nhất là từ chuyến bay VN0054. Tiếp đến là một người phụ nữ đi qua nhiều nơi, sau đó về Bình Thuận và lây cho 3 người thân. Thứ ba là trường hợp một nữ bệnh nhân nhiễm từ châu Âu, sau đó gia đình thuê máy bay riêng đưa từ châu Âu về" - ông Chung cho hay.
Ông Chung cũng ghi nhận sau nhiều ngày truyền thông tới người dân, các cơ quan vào cuộc quyết liệt, đã có trường hợp hành khách đi trên chuyến bay, khi biết tin có người dương tính đã tự giác vào viện đề nghị cách ly.
"Đây là những tín hiệu tốt về sự tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Người dân thấy mình có liên quan, thấy mình có dấu hiệu đã tự giác, như vậy có thể tin dịch bệnh sớm được đẩy lùi" - ông Chung nói.
Chủ tịch UBND Hà Nội khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất trước kia là tuyên truyền thì hiện nay là tập trung vào công tác giám sát.
Giám sát chặt chẽ từ khai báo y tế, kiểm soát thân nhiệt, diễn biến di chuyển. Tiếp nữa là tuyên truyền nguy cơ của những người đến từ vùng dịch, kể cả con em về từ vùng dịch phải chủ động thông tin đến cơ sở y tế và chủ động cách ly với gia đình. Tuyên truyền làm sao để mỗi người tự giác cách ly, đồng thời thành phố sẽ phát động phong trào tự giác trong phòng, chống bệnh tới toàn dân" - ông Chung nói.
Ông Chung cũng yêu cầu đơn vị hoạt động vận tải xe buýt phải mở cửa thông thoáng và có sẵn bình rửa tay lên xuống xe. Đặc biệt, chủ tịch UBND Hà Nội cũng yêu cầu cần ứng xử thân thiện với những người cách ly, những người có tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần để chia sẻ với họ.
Cách ly 760 người tiếp xúc liên quan với 4 bệnh nhân
Báo cáo tại cuộc họp, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết 4 trường hợp nhiễm COVID-19 tại Hà Nội (chưa tính bệnh nhân thứ năm vừa phát hiện ở quận Cầu Giấy), chưa có trường hợp tử vong. Cả 4 bệnh nhân đều được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Báo cáo về việc rà soát, cách ly những người có tiếp xúc gần liên quan đến 4 bệnh nhân nhiễm COVID-19, ông Hạnh cho biết cơ quan chức năng đã cách ly với 760 người, trong đó có 191 người tiếp xúc gần với 4 bệnh nhân và 569 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần.
Trong số 191 người tiếp xúc gần với 4 bệnh nhân, ông Hạnh cho biết đã lấy mẫu xét nghiệm với 189 trường hợp, trong đó có hai trường hợp dương tính là lái xe của bệnh nhân N.H.N. và bác gái của bệnh N.H.N., 168 mẫu âm tính, còn lại chưa có kết quả.
Virus corona đã biến chủng, đi máy bay, taxi đều phải đeo khẩu trang
Tại Ý đã phát hiện 4 biến chủng của virus corona, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc. Do đó phải kiểm soát chặt người nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng.
Ngày 11-3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (virus SARS-CoV-2, dịch bệnh COVID-19) đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng ban chỉ đạo - chủ trì cuộc họp.
Báo cáo của ban chỉ đạo cho biết tính đến 20h ngày 10-3, trên thế giới đã ghi nhận 114.191 trường hợp mắc COVID-19 tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 4.019 trường hợp tử vong.
Đáng chú ý, tại Ý đã xác định đồng thời có 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2, khác với chủng của virus được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ghi nhận bệnh nhân số 17 (đã đến Ý trước khi về Việt Nam) và bệnh nhân số 20 lây nhiễm từ bệnh nhân số 17 có biểu hiện viêm phổi rõ nét (bao gồm viêm phổi kẽ), biểu hiện bệnh cũng nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh (có triệu chứng mờ nhạt).
Trước tình hình trên, các thành viên ban chỉ đạo thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình; hãng hàng không nước ngoài sẽ có khuyến nghị mạnh mẽ, các sân bay sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.
Để quản lý chặt chẽ khách quá cảnh (transit) tại Việt Nam, yêu cầu các sân bay quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho khách quá cảnh (nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm). Trường hợp khách có biểu hiện nghi ngờ bệnh thì tuyệt đối không được nhập cảnh. Các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang...
Về tổ chức cách ly, ban chỉ đạo thống nhất tiếp tục kiên định thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Ban chỉ đạo đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho các địa phương về việc giảm mật độ cách ly và tổ chức cách ly tại cộng đồng.
Trường hợp sau 3 ngày cách ly tập trung đã xét nghiệm âm tính thì có thể chuyển về cách ly tại cộng đồng và giám sát chặt chẽ, đồng thời tiến hành lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Việc xử lý môi trường đặc biệt khu vực có người nhiễm bệnh cần tránh lãnh phí không cần thiết, thậm chí gây hoang mang cho người dân.
Tuổi trẻ Tin trong nước , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment