Một quan chức hàng đầu của Trung Quốc đến thăm Vũ Hán và đã bị những người dân kêu to: "Giả mạo, giả mạo, mọi thứ đều là giả".
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đi thăm thành phố Vũ Hán hôm 2/2/2020. (Ảnh: Shutterstock)
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) là một trong những quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc đến thăm tâm dịch Vũ Hán. Bà Tôn đi thăm một cộng đồng dân cư ở quận Qingshan hôm 5/3.
Theo truyền thông nhà nước, bà Tôn kiểm tra hoạt động của ủy ban khu phố, nơi chịu trách nhiệm quản lý những cư dân bị cách ly. Thông thường ủy ban khu phố thực hiện kiểm tra cư dân hàng ngày và phân phát các nhu yếu phẩm như thuốc, thực phẩm và rau quả tươi.
Video của Global Times đăng tải cho thấy trong khi phái đoàn của Phó Thủ tướng Tôn đi bộ dọc theo các khu chưng cư, có những tiếng hét lên từ các căn hộ: "Giả, giả", "Tất cả đều là giả", "Chúng tôi phản đối".
Ngoài ra có những cư dân kêu to: "Chủ nghĩa hình thức", một cụm từ thường được người dân Trung Quốc sử dụng gần đây khi chỉ trích các biện pháp kém hiệu quả của chính phủ.
Kể từ ngày 12/2 đến nay, tất cả các khu dân cư ở Vũ Hán đều bị phong tỏa, cư dân bị cấm ra khỏi nhà. Các ủy ban dân phố chịu trách nhiệm xử lý tất cả mọi việc cho người dân như: bố trí đi bệnh viện, kiểm dịch, cung cấp thực phẩm và kiểm tra nhiệt độ hàng ngày cho cư dân.
Nhưng nhiều người dân đã phàn nàn trên các kênh truyền thông rằng các nhân viên cộng đồng đã không cung cấp những hỗ trợ cần thiết. Còn các nhân viên cộng đồng thì phàn nàn rằng họ bị quá tải.
Trong một diễn biến bất thường, hôm 6/3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải các video cho thấy sự bất bình của công chúng. Trước đây, những video như vậy thường xuyên bị kiểm duyệt trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Nhân dân Nhật báo đã đăng một video có phụ đề bằng tiếng Anh cho thấy một người đang hét lên "Giả mạo, giả mạo", sau đó video bị xóa. Một tờ báo khác là Thanh niên Bắc Kinh cũng đưa tin về vụ việc này.
Theo truyền hình nhà nước CCTV, bà Tôn đã tổ chức một cuộc họp ngay sau vụ việc để giải quyết các khiếu nại. Sau đó các nhân viên đã được phái đi thăm từng người dân, theo báo Taoran.
Các nhà quan sát cho rằng truyền thông nhà nước có thể đang cố gắng xử lý các video phổ biến trên mạng theo cách cởi mở hơn. Vụ việc cũng cho chính quyền trung ương một dịp thể hiện cách phản ứng của họ với những bất bình của công chúng.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với làn sóng giận dữ của người dân, sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người có những cảnh báo sớm về virus corona.
Các phiên bản của video trên vẫn xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày 6/3. "Nếu họ không bị đẩy ra rìa, người dân Trung Quốc sẽ không hét lên như vậy," một người dùng Weibo bình luận.
Một bình luận khác viết: "Họ đã hét điều gì? Họ đã hét lên sự thật. Trong nhiều năm, khi các cuộc họp hoặc kiểm tra cấp cao này diễn ra, những người nói sự thật sẽ bị đuổi đi hoặc im lặng."
(Theo The Guardian) Tin quốc tế , Xã hội , Y tế
No comments:
Post a Comment