Cập nhật tin tức nóng hổi

Thống đốc bang của Italy xin lỗi vì đã nói người dân Trung Quốc ăn ‘chuột sống’

Theo hãng tin Reuters tại Rome, Thống đốc bang Veneto đưa ra lời xin lỗi hôm thứ Bảy vừa qua về việc ông đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho dịch Covid-19 lây lan không kiểm soát được, và vì đã nói rằng người dân Trung Quốc ăn “thịt chuột sống”.
Thống đốc bang của Italy xin lỗi vì đã nói người dân Trung Quốc ăn ‘chuột sống’
Một khách du lịch, đeo khẩu trang bảo vệ, được bao quanh bởi những con chim đứng ở quảng trường Piazza del Duomo ở trung tâm Milan vào ngày 29/2/2020. (Ảnh: MIGUEL MEDINA / AFP qua Getty Images)

Bang Veneto là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch coronavirus ở Italy. Thống đốc bang Veneto Luca Zaia đã đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát dịch Coronavirus tại đất nước này, khiến cho ít nhất 21 công dân Italy tử vong. Ông đưa ra nhận xét rằng người dân Trung Quốc không có tiêu chuẩn vệ sinh tốt như người Italy.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Anten 3-Nord Est vào hôm thứ Sáu (28/2) vừa qua, ông Zaia phát biểu: “Thói quen giữ vệ sinh mà người dân Venice nói riêng và các công dân Italy nói chung có được là nhờ văn hóa tắm rửa, vệ sinh tay thường xuyên. Do đó, thực tế là Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho dịch bệnh lần này, bởi như chúng ta đã thấy, họ có văn hóa ăn chuột sống hoặc những thứ tương tự”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Rome cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời của ông Zaia và đã đưa ra những phản hồi trên Facebook: “Vào thời điểm quan trọng, khi mà Trung Quốc và Italy đang sát cánh bên nhau để đối phó với dịch bệnh thì một chính trị gia người Italy lại không tiếc lời nói xấu người dân Trung Quốc. Đây là đòn tấn công vô cớ khiến chúng tôi thấy choáng váng”.

Các đối thủ chính trị của ông Zaia cũng chỉ trích quan điểm của ông và cho rằng điều này có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, Thống đốc bang Veneto cho biết ông không có ý định xúc phạm.

"Tôi đồng ý rằng những gì mình đã nói ra là rất tệ. Tôi xin lỗi nếu bất cứ ai cảm thấy bị xúc phạm. Tôi chỉ muốn nói rằng khi đề cập đến vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm, mỗi quốc gia có cách kiểm soát khác nhau", ông Zaia nói với tờ Corriere della Sera hôm 28/2.

Ăn thịt chuột sống và động vật hoang dã là thói quen hàng nghìn năm qua của người Trung Quốc
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một video clip về một người đàn ông gắp 1 con chuột con đang ngọ nguậy trên đĩa, nhúng vào chén nước sôi, sau đó bỏ vào miệng, “gật gù” thưởng thức. Với người Trung Quốc, món chuột bao tử này có tên gọi là “3 tiếng thét”. Đó là 3 tiếng thét của con chuột con. Tiếng thét thứ 1 là khi chiếc đũa của người ăn chạm vào chuột bao tử, và chúng hoảng sợ thét lên; tiếng thét thứ 2 là khi chúng bị nhúng vào chén nước sôi và tiếng thét cuối cùng là sự hoảng sợ tột cùng khi cả thân mình chúng được đưa vào miệng người ăn.

Chuột bao tử được xếp vào loại các món ăn kinh dị trên thế giới, bởi nếu chứng kiến cảnh con người ăn tươi nuốt sống những con vật non nớt còn đỏ hỏn và ngọ nguậy trong đau đớn ấy, chắc hẳn nhiều người không khỏi rùng mình ớn lạnh. Tuy nhiên, theo quan niệm của người Trung Quốc thì những món ăn từ bào thai động vật hoặc những con vật mới sinh giúp tăng cường sinh lực, là món ăn bồi bổ cho sức khỏe con người. Và món chuột bao tử cũng nằm trong số đó. Đây được coi là món ăn bồi bổ, “cải lão hoàn đồng” của Từ Hy Thái Hậu.

Tại Trung Quốc, đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, thịt lợn luôn được xếp đầy trên các kệ hàng trong siêu thị. Thế nhưng, nhiều người vẫn có xu hướng tìm tới những món ăn làm từ các loài động vật hoang dã. Những loài vật mà người dân Trung Quốc ưa chuộng để dùng làm thức ăn có thể kể đến: chuột, cáo, cầy hương, nhím, thậm chí một số loài có nguy cơ tuyệt chủng đang được bảo vệ.

Việc ăn thịt động vật hoang dã đã trở thành một vấn đề “dai dẳng” của xã hội, một phần bắt nguồn từ việc thể hiện danh tiếng của người ăn. Đây được xem là cách thể hiện sự giàu sang của nhiều người khi ăn thịt những loài động vật hiếm, đắt tiền. Ngoài ra, nhiều người còn sử dụng thịt động vật hoang dã làm quà biếu cho những đối tượng quan trọng.

Đối với giới trẻ, việc ăn thịt động vật hoang dã cũng là cách đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội. Một đoạn video về một phụ nữ ăn nguyên một con dơi đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội vào giữa tháng 1/2020, điều này càng làm dấy lên sự chỉ trích trong bối cảnh virus corona đã bắt đầu lan rộng vào thời điểm đó. Nhiều người sau đó đã phải xóa các bài đăng liên quan tới việc “ăn” các loài động vật hoang dã.

Lý do lớn nhất khiến nhiều người Trung Quốc trung thành với thói quen ăn thịt động vật hoang dã là niềm tin vào công dụng của chúng với sức khỏe, xuất phát từ thực tế là các loài động vật hoang dã không ăn thức ăn công nghiệp hay sử dụng các loại thuốc của con người. Một số ý kiến lại nêu ra mối liên hệ giữa động vật hoang dã với các bài thuốc truyền thống của Trung Quốc.

Trong khi đó, dơi và chuột là hai đối tượng lây nhiễm bệnh tật nhiều nhất trong số những loài động vật mà con người thường tiếp xúc. Cuối năm ngoái, khi nạn dịch hạch xuất hiện ở Trung Quốc, đối tượng lây nhiễm bệnh này cho con người chính là chuột.

Nhân loại hẳn chưa quên được trận đại dịch hạch Marseille năm 1970 ở Pháp đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người, nguyên nhân được cho là do lây truyền từ virus của các loài gặm nhấm.

Ngoài ra, dơi được cho là đã sản sinh ra virus gây dịch bệnh SARS trong năm 2002-2003, cướp đi sinh mạng của gần 650 người khắp Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Và bây giờ, dịch Coronavirus đang lây lan nhanh chóng đe dọa tính mạng của hàng chục nghìn người trên thế giới, được cho là có nhiều khả năng lây nhiễm từ động vật hoang dã.

Christian Walzer, giám đốc Chương trình Y tế thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã WCS của Hoa Kỳ, cho biết: “70% tất cả các bệnh truyền nhiễm mới xuất phát từ động vật hoang dã. Sự xâm lấn của con người đối với môi trường sống của động vật hoang dã làm gia tăng nguy cơ mầm bệnh lây lan. Chính thị trường buôn bán động vật hoang dã đã tạo cơ hội cho virus lây lan”.

Mộc Trà/NTDVN
, ,

No comments:

Post a Comment